Đại biểu Quốc hội đề xuất cấp hộ chiếu gắn chip cho công dân chưa đủ 14 tuổi
VOV.VN - Quy định không cấp hộ chiếu gắn chip cho công dân chưa đủ 14 tuổi là không phù hợp dự án Luật Căn cước, do Bộ Công an soạn thảo đề xuất việc cấp thẻ Căn cước công dân cho trẻ em chưa đủ 14 tuổi.
Thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều 2/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Các ĐBQH đề nghị cần tiếp tục rà soát, bổ sung một số nội dung liên quan đến việc quản lý cư trú đối với người nước ngoài, đặc biệt là đối với nhóm người không quốc tịch và người có quốc tịch nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại Việt Nam trong sửa đổi Luật thời gian tới.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư...
Tại thảo luận, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu ý kiến về quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử. Hộ chiếu gắn chip có tính thực tế cao, tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan có thẩm quyền và người dân đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, quy định hộ chiếu gắn chip chỉ cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi có yêu cầu, không cấp cho công dân chưa đủ 14 tuổi là không phù hợp dự án Luật Căn cước do Bộ Công an soạn thảo đề xuất việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em chưa đủ 14 tuổi.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản có liên quan ngay trong lần sửa đổi này về bảo đảm đồng bộ hóa với các quy định về căn cước, tạo thuận lợi tối đa cho công dân trong việc thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh”, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề xuất.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát toàn diện, để đơn giản hóa hơn nữa các loại giấy tờ có liên quan và thủ tục thực hiện việc cấp hộ chiếu, nhằm tận dụng một cách tối đa tính liên thông sẵn có của các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được kết nối và phù hợp với yêu cầu giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu hoàn toàn theo phương thức trực tuyến.
“Quy định tại Điểm C Khoản 2 Điều 15 vẫn yêu cầu xuất trình bản sao giấy khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi chưa được cấp mã số định danh cá nhân. Trong khi theo thông tin từ Bộ Công an đã thực hiện cấp mã định danh cá nhân cho toàn bộ người dân, kể cả trẻ sơ sinh. Hay quy định tại Khoản 6 Điều 15, Khoản 3 Điều 16 của Luật vẫn đang yêu cầu người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phải chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu gắn chip lần đầu là chưa phù hợp với yêu cầu về liên thông cơ sở dữ liệu vân tay, đã có trên cơ sở dữ liệu căn cước công dân và việc thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến”, Đại biểu đơn cử.
Chồng chéo quản lý người nước ngoài tạm trú
Góp ý vào Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đề nghị, bổ sung thẩm quyền của lực lượng biên phòng trong giải quyết các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tạm trú của người nước ngoài biên giới, cửa khẩu. Theo quy định của Hiệp định quản lý biên giới đang giao quyền hạn cho lực lượng biên phòng, phòng ngừa đấu tranh, giải quyết xử lý vi phạm về cư trú bất hợp pháp ở khu vực biên giới cửa khẩu.
Tuy nhiên theo giải trình của cơ quan soạn thảo, lực lượng công an sau khi tiếp nhận thông tin tạm trú sẽ thông báo cho lực lượng biên phòng như vậy sẽ phát sinh những bất cập, xung đột pháp luật, nhất là Hiệp định quản lý biên giới đang giao cho lực lượng biên phòng chủ trì thực hiện một số công việc về nội dung này. Hơn nữa thực tế lực lượng công an trong một số trường hợp không thể thông báo cho lực lượng biên phòng.
“Một số trường hợp lực lượng Biên phòng chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, quản lý cư dân biên giới của các nước láng giềng sang khu vực biên giới cửa khẩu của Việt Nam, nếu cư dân biên giới của nước bạn ở lại 3 ngày hoặc 7 ngày tại khu vực biên giới nước ta, lực lượng biên phòng có quyền cấp giấy phép và quản lý”, Đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề xuất.
Một bất cập khác được Đại biểu nêu ra là quy định người nước ngoài lưu trú tại khu vực cửa khẩu phải đăng ký tạm trú, chịu sự giám sát của lực lượng biên phòng; thuyền viên nước ngoài nghỉ qua đêm trên bờ do biên phòng cửa khẩu cảng cấp giấy phép và quản lý.
“Sau khi lực lượng biên phòng đã kiểm tra, giám sát quản lý nếu tiếp tục yêu cầu cư dân nước ngoài khai báo sẽ chồng chéo không cần thiết, tăng thêm thủ tục hành chính gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài. Những trường hợp này nêu quy định lực lượng biên phòng sẽ thông báo cho lực lượng công an phối hợp quản lý là phù hợp”, Đại biểu Hoàng Hữu Chiến góp ý./.