Dai dẳng “cuộc chiến” chống hàng giả
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan trên thị trường. Hậu quả, doanh nghiệp và người tiêu dùng là những đối tượng phải gánh chịu thiệt hại khó có thể đo đếm được.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2006, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, xử lý gần 13.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT); năm 2007 trên 15.000 vụ, năm 2008 trên 18.500 vụ, tổng số tiền xử phạt hành chính là 22 tỉ 833 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, theo thống kê chưa đầy đủ, Thanh tra khoa học và công nghệ đã tiến hành thanh tra 2.650 cơ sở, xử lý 437 đối tượng vi phạm SHTT, phạt tiền 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, số vụ vi phạm trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều...
Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 1 triệu xe gắn máy, trong số này có tới 50% là xe… nhái! Trong một vụ việc vừa được phanh phui tại tỉnh Nam Định, gần 2.000 chiếc xe Wave Alpha “nhái” đã được tiêu thụ. Giá thành xuất xưởng của những chiếc xe này chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/chiếc, sau khi được “phù phép” bằng một số chi tiết nhựa và tem nhãn giả, mỗi chiếc xe đến tay người tiêu dùng có giá không dưới 13 triệu đồng!
Không phải chỉ các mặt hàng có giá trị lớn mới bị vi phạm bản quyền SHTT. Từ chiếc xe máy, thời trang hàng hiệu, phần mềm vi tính cho đến chiếc kẹo mút ưa thích của trẻ em đều là đối tượng bị làm giả. Để hàng giả tiêu thụ được dễ dàng và “bảo đảm”, thị trường lại xuất hiện một loại “giả của giả”, đó là tem nhập khẩu giả để dán vào hàng giả. Hàng giả không chỉ “đội lốt” các loại hàng hóa thông thường mà nghiêm trọng hơn còn xuất hiện nhiều mặt hàng thực phẩm, dược phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng. Thiệt hại cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp là rất lớn, nhưng khó định lượng; còn thiệt hại cho người tiêu dùng thì rất rõ và cũng không hề nhỏ.
Doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ
Theo Chi cục QLTT Hà Nội, mặc dù biết được nơi sản xuất hàng giả nhưng “bắt tận tay, day tận trán” rất khó khăn và xử lý vi phạm còn khó khăn hơn nữa. Để kết luận được hành vi, vi phạm SHTT là cả một quá trình theo trình tự quy định của pháp luật, các công đoạn từ công tác kiểm tra đến xử lý vi phạm hành chính, nhất là khâu giám định đối với hàng hóa vi phạm. Hiện nay lại chưa có cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm về kết quả giám định quyền SHTT. Cơ quan kiểm tra xử lý và các tổ chức cá nhân bị xâm phạm chưa có sự phối hợp kịp thời… Cũng vì thế mà rất ít doanh nghiệp kiên trì theo đuổi hành trình bảo vệ sự công bằng cho chính mình.
Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp chỉ chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, chất lượng hàng hóa, nhưng lại “quên” mất khâu quan trọng nhất, đó là khâu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường. Rất ít doanh nghiệp có bộ phận chuyên chăm lo về SHTT, chưa thật sự coi trọng và chưa có chiến lược về SHTT… trong khi đó, việc xử lý mới chỉ dừng ở mức độ hành chính, chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Kể từ tháng 10/2006, Cục SHTT không còn chức năng giám định vi phạm quyền SHTT, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào thực hiện công việc này. Đây cũng là một trong những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và bảo vệ quyền SHTT của mình. Điều này khiến cho hàng giả lại thêm cơ hội len lỏi vào đời sống của người Việt.
Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, mỗi doanh nghiệp đều có phương thức riêng để tự bảo vệ mình. Nhưng để ngăn chặn triệt để tình trạng này, phụ thuộc nhiều vào vai trò của các cơ quan chức năng. Theo ông Lê Tất Chiến, chuyên viên của Cục Sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp ngay từ khi nghiên cứu, thiết kế, tạo dựng sản phẩm phải tính đến biện pháp công nghệ nhằm bảo vệ các sản phẩm đó trước khi đăng ký như khóa mã hay các kỹ nghệ chống sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng. Cần thiết lập bộ phận chuyên trách bảo vệ quyền SHTT của mình./.