Đại đội TNXP trên chiến trường biên giới Tây Nam ngày ấy
VOV.VN - Những cựu thanh niên xung phong chiến trường biên giới Tây Nam thuở nào
vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội cựu TNXP địa phương.
vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội cựu TNXP địa phương.
37 năm sau ngày lên đường làm nhiệm vụ chống thảm họa diệt chủng Pol Pot Yeng Sari ở biên giới Tây Nam, những chàng trai, cô gái của Đại đội Thanh niên xung phong huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ngày nào giờ tóc đã bạc. Trong thẳm sâu ký ức mỗi người, miền biên ải phía Tây Nam của Tổ quốc vẫn còn vang vọng câu ca về một thời “Nơi đâu chiến trường cần thanh niên xung phong có mặt, nơi nào có giặc thanh niên xung phong xuất quân”.
Mỗi năm một lần, những thành viên của Đại đội Thanh niên xung phong huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng ngày nào lại gặp nhau. Những cái bắt tay thật chặt, lời thăm hỏi ân cần như gắn kết thêm tình đồng chí, đồng đội.
Các cựu TNXP gặp mặt cùng ôn lại kỷ niệm |
Nhớ lại những ngày tháng làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - thành phố Đà Nẵng Dương Thành Thị tâm sự: Những ngày đầu tháng 10/1978, khi ông vừa mới chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong thi công đại công trình thủy nông Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) về thì tiếp tục xung phong lên đường phục vụ ở mặt trận biên giới chiến trường Tây Nam, với chức vụ được giao là Đại đội trưởng Đại đội Thanh niên Xung phong. Đại đội của ông gồm 106 đồng chí, chia thành 3 trung đội, hành quân cả ngày lẫn đêm trong điều kiện thời tiết, địa hình đầy gian nguy, vất vả.
"Ở nhà mình đã hình dung ra sự ác liệt của chiến trường rồi, là sự thương vong, chết chóc. Nhưng đã đi tức là mình đã chấp nhận khó khăn, ác liệt đó và thậm chí chấp nhận đi vào chỗ sinh tử. Ngay đêm đầu mình đã thấy khó khăn rồi, nhưng vẫn ổn định được đội hình chiến đấu và bắt đầu vô chiến trường", ông Dương Thành Thị nhớ lại.
Ông Dương Thành Thị - Đại đội trưởng Đại đội TNXP Hòa Vang ngày ấy |
Sau khi ổn định tổ chức, xây dựng công sự chiến đấu và tổ chức quán triệt học tập nhiệm vụ trên chiến trường, chỉ trong 2 tháng đầu, các đơn vị thuộc Đại đội Thanh niên Xung phong huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã vận chuyển hơn 500 tấn đạn các loại, 450 tấn lương thực, thực phẩm, dựng hàng chục nhà kho phục vụ chiến trường.
Ở nơi rừng thiêng nước độc, những thanh niên xung phong đã phải nhường cơm sẻ áo, ăn củ mì để dành gạo nuôi quân. Thế nhưng, họ vẫn rạng ngời tinh thần lạc quan “Mặc áo vá nhưng tấm lòng không vá, ăn muối hầm cuộc sống rất thanh cao. Uống nước đục nhưng lòng ta trong sáng, đổ mồ hôi nhưng rất mực thủy chung”.
Ông Trương Tấn Đô, cựu Thanh niên xung phong phục vụ chiến trường Tây Nam, kể: "Được sự động viên của Đảng và Nhà nước nên anh em xác định, dẫu khó khăn gian khổ, thiếu thốn nhưng vẫn chấp hành tốt phục vụ chiến đấu tại Camphuchia, giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pol Pot Yeng Sari. Đây là niềm tự hào đối với Đại đội Thanh niên Xung phong huyện Hòa Vang".
Tháng 5 năm 1979, Đại đội Thanh niên Xung phong huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia trở về địa phương. Mỗi người một hoàn cảnh, cuộc sống riêng nhưng họ vẫn trọn tình vẹn nghĩa đồng đội, lưu giữ cho nhau những ký ức của tuổi thanh xuân.
Những cựu thanh niên xung phong chiến trường biên giới Tây Nam thuở nào vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội cựu Thanh niên xung phong địa phương, đóng góp hàng trăm triệu đồng vào Quỹ nghĩa tình đồng đội, thăm hỏi, động viên nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Buổi gặp mặt hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Cựu thanh niên xung phong là dịp để họ động viên nhau tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau./.