Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo

Côn Đảo 34 năm về trước là một lò lửa đỏ tôi luyện ý chí chiến đấu, là một mặt trận tiến công kẻ thù, là một bộ phận hữu cơ của cuộc đấu tranh trường kỳ vì độc lập tự do của toàn dân tộc Việt Nam.

Chiều 25/4, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cùng đông đảo cựu Côn Đảo, tăng ni phật tử, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài… và nhân dân huyện Côn Đảo đã tham dự Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo.
Đại lễ do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tại nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, nhân kỷ niệm 34 năm ngày Giải phóng Côn Đảo và tưởng niệm 57 năm ngày hy sinh của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu.

Phát biểu tại đại lễ, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Phật giáo Việt Nam nêu rõ, các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tăng ni, phật tử luôn nhớ đến sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng, nhất là tại nhà tù Côn Đảo.

Thay mặt những cựu tù chính trị Côn Đảo, ông Trịnh Văn Lâu khẳng định, Côn Đảo 34 năm về trước là một lò lửa đỏ tôi luyện ý chí chiến đấu, là một chiến trường luôn nóng bỏng, là một mặt trận tiến công kẻ thù, là một bộ phận hữu cơ của cuộc đấu tranh trường kỳ vì độc lập tự do của toàn dân tộc Việt Nam. Cuộc đấu tranh của các thế hệ tù nhân trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo là cuộc đấu tranh bi hùng đầy máu.

Tiếp đó, những người tham dự đại lễ thực hiện các nghi lễ cầu siêu và tưởng niệm vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Nghĩa trang Hàng Dương là nơi quy tập khoảng 2.000 ngôi mộ của các cựu tù chính trị tại nhà tù Côn Đảo, trong đó chỉ hơn 700 ngôi mộ có tên tuổi. Đây chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì đã xảy ra ở nhà tù khủng khiếp này qua hai thời kỳ thống trị của Pháp và Mỹ - Ngụy.

Nhân đại lễ cầu siêu, các cựu tù chính trị, kiều bào, người dân đã đến tưởng niệm và thắp hương tại mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu và các ngôi mộ liệt sỹ là đồng đội, người thân đã hy sinh tại nghĩa trang Hàng Dương. Được biết, đây là đại lễ cầu siêu đầu tiên được tổ chức tại Côn Đảo.

** Tối cùng ngày, tại nghĩa trang Hàng Dương đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Huyền thoại Côn Đảo” gồm các hoạt động văn nghệ ca ngợi sự chiến đấu, hy sinh của các thế hệ chiến sĩ cách mạng và giao lưu với các nhân chứng lịch sử.

* Ngày 25/4, làm việc tại huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã nghe báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội của huyện giai đoạn 1997 - 2008 và định hướng phát triển đến năm 2010 và năm 2020. Cơ cấu kinh tế của huyện được chuyển dịch dần theo hướng phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp. GDP bình quân đầu người tăng hàng năm 5,7%, năm 2008 đạt 922 USD. Các lĩnh vực phát triển kinh tế đều tăng, riêng dịch vụ và xây dựng tăng hơn 29%. Huyện đã xây dựng định hướng phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010 và năm 2020 là tập trung xây dựng Côn Đảo trở thành khu kinh tế, du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với việc bảo tồn, tôn tạo các khu di tích; hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác gắn với bảo vệ, bảo tồn tiềm năng tài nguyên….

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá cao những kết quả mà huyện Côn Đảo đã đạt được trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và bảo tồn di tích lịch sử cách mạng. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Côn Đảo là một nơi có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng cần được quan tâm phát triển xứng đáng, nhưng đồng thời phải chú ý đến việc bảo tồn di tích, tài nguyên, môi trường, an ninh quốc gia nơi đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên