Đài phát sóng VN2 - Niềm tự hào của phát thanh Việt Nam

Đài phát sóng phát thanh VN2 nằm trong hệ thống kỹ thuật phát sóng của Đài TNVN có vai trò đặc biệt, thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ phát sóng đối nội và đối ngoại.

Sau 15 năm đi vào hoạt động, Đài phát sóng phát thanh (PSPT) VN2, Đài TNVN đã góp phần đắc lực, hiệu quả đưa Tiếng nói Việt Nam đến với công chúng trong nước và quốc tế. 

Đến nay, VN2 vẫn là đài phát sóng qui mô lớn, hiện đại có tầm cỡ khu vực và thế giới.

Ông Đoàn Việt Trung, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN trả lời phỏng vấn của VOV online về công trình mang tầm chiến lược của ngành kỹ thuật phát thanh Việt Nam.

Ông Đoàn Việt Trung, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN.

PV: Xin ông cho biết những lý do chính khiến Chính phủ quyết định cho phép Đài TNVN xây dựng đài phát sóng phát thanh VN2?

Ông Đoàn Việt Trung: Như chúng ta biết, trước kia, hệ thống phát sóng mạnh chỉ được đầu tư ngoài Bắc do các nước XHCN giúp xây dựng từ vĩ tuyến 17 trở ra. Ví dụ như Đài PSPT VN1 do Liên Xô giúp; Đài PSPT Mễ Trì do Trung Quốc giúp, Đài PSPT CK2, Đài PSPT A1...Chúng ta có những cụm đài rất lớn và ở thời đó cũng rất hiện đại.

Nhưng, trong thời gian Mỹ ngụy chiếm đóng và cho đến sau này khi hòa bình lập lại, từ vĩ tuyến 17 trở vào chỉ có những đài không lớn. Hệ thống phát thanh nói chung trong Nam do Mỹ, Ngụy xây dựng, không phù hợp với mục đích phục vụ nhân dân rộng rãi của chúng ta. Chỉ có một số đài PSPT khu vực như đài PSPT An Hải (Đà Nẵng), An Nhơn (Bình Định), Đồng Đế (Nha Trang), Quán Tre (TP.HCM)... phát cho khu vực và hướng ra Bắc. Ở phía Tây Nam bộ, đồng bào Khmer ở khu vực biên giới thì hầu như thông tin không đến được. Nói cách khác là mức độ phủ sóng TNVN ở khu vực đó rất yếu.

Kể cả khi chúng ta gia nhập khối ASEAN thì việc phủ sóng đến các nước trong khối hầu như không có, không đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, để khối ASEAN nói riêng và thế giới nói chung có thể hiểu Việt Nam hơn, Đảng và Nhà nước đã quyết định thành lập một hệ thống phát sóng trung đối ngoại đồ sộ  và rất hiện đại, nhằm phát sóng Tiếng nói Việt Nam ra khu vực ASEAN, kết hợp cả nhiệm vụ phát sóng đối đối nội cũng như phục vụ cho những mục đích chiến lược khác. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ quyết định cho Đài TNVN xây dựng Đài VN2.

PV: Đài phát song phát thanh VN2 giữ vai trò và vị trí như thế nào trong hệ thống kỹ thuật phát thanh của Việt Nam, thưa ông?

Ông Đoàn Việt Trung: Đài phát sóng phát thanh VN2 nằm trong hệ thống kỹ thuật phát sóng của Đài TNVN nhưng có vai trò đặc biệt. Nó thực hiện 2 nhiệm vụ chính là phát sóng các chương trình đối nội, đồng thời cũng phát chương trình đối ngoại của Đài TNVN. Thông thường, trong hệ thống kỹ thuật của chúng ta, các đài phát sóng chỉ phát đối nội hoặc đối ngoại nhưng VN2 lại thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Đài phát sóng phát thanh VN2 là đài có công suất lớn nhất trong hệ thống kỹ thuật Đài TNVN; thậm chí của khu vực và thế giới.  Với công suất sóng trung là 3.500kw, gồm 4 hệ thống máy phát, trên thế giới cũng hiếm đài nào có công suất lớn như vậy. Có thể nói VN2 là đài phát sóng cực lớn.

Một đặc điểm mà VN2 khác với các đài phát sóng phát thanh của ta trước đó  là: VN2 sử dụng những công nghệ rất hiện đại. Không những máy phát, ăng-ten mà tất cả các thiết bị đồng bộ phụ trợ đều là những công nghệ hiện đại nhất. Tôi có thể khẳng định rằng, cho đến nay, những kỹ thuật công nghệ chúng ta dùng từ 15 năm trước vẫn bảo đảm hiệu quả rất cao.

Với Đài phát sóng VN2, Đài TNVN đã thực hiện được nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Thủ tướng đã giao. Hiện nay, khu vực Tây Nam bộ và khu vực lân cận tràn ngập sóng phát thanh chất lượng cao.  Các chương trình phát thanh đối nội của Đài TNVN được phát trên 3 máy phát 500kw, bảo đảm đồng bào khu vực Tây Nam bộ, trong đó có đồng bào Khmer, hoàn toàn nghe tốt những sóng này.

Với hệ thống ăng-ten có thể chuyển được 4 hướng theo phần mềm định sẵn, các nước khối ASEAN có thể nghe rõ Tiếng nói Việt Nam từ VN2.

Qua việc xây dựng và vận hành VN2 đã khẳng định, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên của Đài TNVN làm chủ được những thiết bị hiện đại nhất, Đài TNVN đã đi đúng hướng phát triển của kỹ thuật phát thanh thế giới, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Không những thế, toàn bộ các máy PSPT tại đây, với chi phí thấp nhất, có khả năng chuyển đổi sang phát sóng phát thanh số mà không phải bỏ đi, thay mới.

Đài phát sóng VN2.

PV: Trong quá trình xây dựng VN2 thì ông cũng là một thành viên tham gia trực tiếp. Ông có thể cho biết mình đã tham gia vào những công việc gì?

Ông Đoàn Việt Trung: Hồi đó tôi là Trưởng ban Kỹ thuật, được lãnh đạo Đài TNVN tin tưởng giao cho hầu hết các công đoạn xây dựng dự án VN2. Từ nghiên cứu công nghệ, cấu hình kỹ thuật cho đến ứng dụng lắp đặt để thành lập đài PSPT VN2. Tôi được cử đi nước ngoài, tìm hiểu những đối tác hàng đầu thế giới nhằm chuẩn bị xây dựng đài như thế nào cho tốt nhất.

Cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì tham gia xây dựng đầu bài thầu, chúng ta tổ chức đấu thầu quốc tế, chào thầu tới những nhà sản xuất thiết bị phát thanh có uy tín và lớn nhất thế giới. Chúng tôi mời các chuyên gia hàng đầu, các giáo sư, tiến sĩ về kỹ thuật phát thanh trong nước cùng bàn bạc, xây dựng đầu bài thầu chặt chẽ; đúng với mô hình kỹ thuật mà chúng ta mong muốn.

Sau khi xét thầu, ký hợp đồng, mua thiết bị xong, tôi lại được giao nhiệm vụ phụ trách lắp đặt những thiết bị mua về. Tôi ở cả năm trời trong Cần Thơ, nơi xây dựng Đài, từ quá trình xây dựng đến lúc phát sóng. Quá trình lắp đặt cũng rất vất vả, chúng ta ký với nhà cung cấp chỉ có trách nhiệm giám sát kỹ thuật. Toàn bộ tất cả các khâu là do kỹ sư Việt Nam lắp đặt với sự giám sát và hướng dẫn của nước ngoài.

Sau khi lắp đặt xong, tôi được giao nhiệm vụ tiếp nhận hệ thống và quản lý, khai thác thiết bị cho đến bây giờ.

PV: Ông có thể cho biết kỷ niệm sâu sắc nhất của cá nhân ông khi tham gia xây dựng công trình này?

Ông Đoàn Việt Trung: Với tôi, việc được tham gia xây dựng Đài VN2 là một dấu ấn và cơ may mà không phải người làm kỹ thuật phát thanh nào cũng có được. Mới đó mà đã 15 năm nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ mọi sự kiện, con người, thậm chí là từng mũi khoan... ở công trình kỹ thuật khó, phức tạp với qui mô lớn chưa từng có ở Việt Nam này.

Có thể nói đấy là giai đoạn rất vất vả, cực nhọc. Để hoàn thành công trình đúng tiến độ, chúng tôi đứng trước rất nhiều sức ép, trong đó có sức ép về thời gian. Trong mùa khô, phải đẩy nhanh tiến độ vì sang mùa mưa (khoảng từ giữa tháng 7) thì chả làm gì được. Cho nên anh em kỹ thuật, công nhân luôn luôn phải làm tăng ca, trong điều kiện nắng nóng, oi bức nên ai cũng vất vả và kiệt sức.

Tôi nhớ có những buổi trưa, vì mệt quá, ăn xong, anh em đều nằm ngủ la liệt, đến giờ làm việc buổi chiều nhưng chả ai dậy nổi. Tôi rất sốt ruột, cứ đi sang rồi lại đi về 3-4 lần mà vẫn không nỡ đánh thức anh em dậy.

Cuối cùng, tôi đánh bài dùng kế động viên vật chất để khuyến khích anh em. Tôi cầm một triệu sang đánh thức anh đội trưởng lắp đặt dậy và nói: “Mình có chút bồi dưỡng anh em, cậu đánh thức mọi người dậy đi làm, đến giờ rồi…”. Chả ngờ anh ấy nổi nóng quát tôi: “Chúng tôi làm ở đây không phải vì tiền!”. Ngay sau câu đó, cả đôi bên đều …ngại. Nhưng mọi người đều dậy cả và lại tất bật ra công trường...    

Kỹ sư  Đoàn Việt Trung (bên phải) và đồng nghiệp tại công trình xây dựng Đài VN2.

PV: 15 năm đã trôi qua, câu chuyện xây đài VN2 bây giờ có thể mang lại cho những người làm kỹ thuật phát thanh ở Việt Nam những bài học, trải nghiệm gì?

Ông Đoàn Việt Trung: Tôi nghĩ, những người lắp đặt ở VN2 là những người rất may mắn. Họ được học và làm việc với công nghệ cao, với những chuyên gia nước ngoài có tác phong công nghiệp, có cách làm tiên tiến và khoa hoc. Tất cả kỹ sư hiện đang làm việc và khai thác đài VN2, khi tuyển dụng đều là kỹ sư thật nhưng là "dân" miệt vườn, chưa bao giờ tiếp xúc với công nghệ và nếp làm việc công nghiệp rất văn minh của nước ngoài. Nhưng họ tham gia ngay từ những ngày đầu, qua quá trình khuân vác, lắp đặt, cùng làm việc với chuyên gia nên bây giờ họ rất giỏi, tiếng Anh rất tốt và hoàn toàn làm chủ được thiết bị.

Sau khi lắp đặp xong, ông chủ dự án chuyên gia đã sang gặp lãnh đạo Đài TNVN và đề nghị: từ nay, tất cả những hệ thống thiết bị lắp đặt ở khu vực sẽ thuê kỹ sư Việt Nam. Qua đó chứng tỏ, kỹ sư của mình rất giỏi. Tôi cho rằng, bài học quan trọng nhất là người làm kỹ thuật phải có suy nghĩ công nghiệp và tác phong công nghiệp. Không phải chỉ những anh em kỹ sư mà bản thân tôi cũng đã trưởng thành lên rất nhiều từ công trình này.

PV: Nếu được nhắn gửi, tâm sự với những người làm kỹ thuật phát thanh hôm nay, ông sẽ nói điều gì?

Ông Đoàn Việt Trung: Kỹ thuật phát thanh khác với kỹ thuật khác ở chỗ: Ngoài khả năng hiểu biết, giỏi về kỹ thuật thì phải tuân theo quy trình, quy chế hết sức nghiêm ngặt. Làm việc như quân đội, đặc biệt ở những cơ sở PSPT.

Tôi có 2 điều nhắn nhủ.

Thứ nhất, khi đã làm kỹ thuật nói chung và kỹ thuật phát thanh thì phải say sưa với nghề, phải biết tự hào với nghề mà mình đã chọn. Chỉ có như thế  thì mình mới hết lòng vì nó được. Nếu không say sưa và thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thì sẽ mai một dần kiến thức.

Thứ hai, một nhược điểm thường có của những người làm kỹ thuật phát thanh đó là vốn kiến thức xã hội. Chúng ta làm ở trong khuôn viên được bảo vệ nghiêm ngặt và cách biệt nên bị thiệt thòi, cả ngày chỉ chăm lo phát sóng. Muốn làm tốt công việc, bên cạnh chuyên môn thì cần hiểu biết về kiến thức xã hội. Bây giờ mạng, thông tin nhiều, sách báo nhiều… hãy tận dụng nó. Cần tự tin hơn, giao lưu nhiều hơn và làm như thế nào để tận dụng tối đa những điều kiện, hoàn cảnh đang có để phát triển chính mình.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên