Đài Phát thanh giải phóng -vẹn tròn nghĩa tình đồng đội
Hàng năm cứ đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Ban Liên lạc Đài Phát thanh Giải phóng (CP90) lại tổ chức thăm lại chiến trường xưa.
Tri ân những chiến sĩ – nhà báo đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong cuộc khánh chiến chống Mỹ ác liệt, Ban Liên lạc Đài giải phóng (CP90) tại thành phố Đà Nẵng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên thân nhân gia đình các liệt sỹ.
Kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Ban liên lạc Đài Phát thanh Giải phóng (CP90) tại thành phố Đà Nẵng ngược chuyến xe về thăm lại chiến trường năm xưa.
Ông Lê Văn Thượng, ở xã Hòa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi là bố của Liệt sĩ Lê Văn Oanh năm nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, mắt mờ nhưng giọng nói vẫn hào sảng. Vậy mà khi nhắc đến con trai giọng Đại tá Thượng như trùng lại: Năm 1973, đang là sinh viên của trường Đại học Nông nghiệp, Lê Văn Oanh đã xung phong đi B. Mặc dù, gia đình đã có cha và anh trai đang chiến đấu ở chiến trường, nhưng anh vẫn quyết tâm nhập ngũ. Là người có khả năng viết lách, anh được Ban chỉ huy bố trí công tác tại Đài Phát thanh Giải phóng (CP90).
Suốt những năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Ngãi, phóng viên Lê Văn Oanh cùng các đồng nghiệp trong Đài Phát thanh Giải phóng đã kịp thời đưa những tin tức nóng hổi về cuộc chiến đấu anh dũng của của dân tộc trên khắp các mặt trận, được đồng bào, chiến sỹ đón nhận với niềm xúc động sâu sắc ... Thế rồi, trong một lần ngồi nghe đài giữa chiến trường, ông Thượng nhận được tin con trai hy sinh. Không thể tả hết niềm đau xót của người cha khi mất đi đứa con ruột thịt. 35 năm đã trôi qua, sự hy sinh của anh Lê Văn Oanh là nỗi đau nhưng cũng là niềm tự hào của gia đình.
Ban Liên lạc Đài Phát thanh giải phóng (CP90) thăm mẹ Liệt sĩ Lê Cường. |
Ông Nguyễn Văn Có, Trưởng ban Liên lạc Đài Phát thanh Giải phóng chia sẻ: Hàng năm cứ đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Ban Liên lạc Đài Phát thanh Giải phóng (CP90) lại tổ chức cho anh em về thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ những người đồng đội, đồng chí đã hy sinh và tri ân thân nhân gia đình của họ. Những món quà trao tay tuy ít ỏi nhưng là tấm lòng của những anh em may mắn còn sống sót. Rất nhiều người nay tuổi đã cao, sức yếu như cụ Hồng Mão vẫn không quản ngại đường xa cùng anh em tham gia vào chuyến đi nghĩa tình này.
Năm tháng qua đi, những trai thanh, gái tú của Đài Phát thanh Giải phóng miệt mài trên chặng đường dài chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, nay mái đầu đã bạc, hầu hết ở cái tuổi quên nhiều hơn nhớ. Nhưng trong họ, không bao giờ quên những người đồng chí, đồng đội đã một thời vào sinh ra tử còn đang nằm lại nơi chiến trường xưa./.