Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quyết định lịch sử
VOV.VN -Quyết định "đánh chắc, thắng chắc" đã làm thay đổi cục diện chiến dịch, yếu tố quyết định đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ.
Quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” được đưa ra chỉ vài giờ trước khi quân đội ta chuẩn bị nổ súng cho trận tấn công mở màn ở Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử. Quyết định này đã làm thay đổi cục diện chiến dịch, yếu tố quyết định để quân dân ta có được chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Có thể khẳng định rằng, không có quyết định thay đổi chiến lược này, chúng ta khó có thể có chiến thắng Điện Biên Phủ.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Ảnh: Huy Phương) |
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) co biết đã tìm hiểu về "tác giả" của phương châm "đánh chắc, thắng chắc".
Chúng tôi đã đi tìm hiểu và rất may mắn được biết, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã từng đọc được trong sách của Trung Quốc nói về câu chuyện này rất cụ thể.
Theo đó, ngày 20, 21/1/1954, khi chúng ta đang chuẩn bị cho phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”, phía Trung Quốc đã nhận thấy khả năng thực hiện theo phương án này khó có thể thành công. Họ có trao đổi trong đoàn cố vấn với nhau và đến ngày 24/1/1954 họ điện báo về xin ý kiến của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng ở Điện Biên Phủ nếu đánh theo phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ khó có khả năng giành thắng lợi. Và họ đề nghị Quân ủy cho ý kiến.
Về phía Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không hề biết việc làm này của các cố vấn Trung Quốc. Ông cũng suy nghĩ, trăn trở rất nhiều về phương án này. 11 ngày suy nghĩ là 11 ngày căng thẳng, đau đầu với các yếu tố có thể thấy rằng nếu tiến hành phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không thành công, Đại tướng đã đi tới quyết định phải thay đổi phương châm này.
Phân tích những yếu tố khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đã quyết định thay đổi phương châm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Yếu tố thứ nhất, quân đội ta trong 8 năm kháng chiến chưa bao giờ đánh thắng một tập đoàn cứ điểm nào của quân Pháp mà mới chỉ đánh được một cứ điểm, một tiểu đoàn của quân Pháp. Tập đoàn cứ điểm của quân Pháp lúc đó thời điểm cao nhất có tới 17 tiểu đoàn, ở 49 cứ điểm gần nhau có thể hỗ trợ nhau.
Yếu tố thứ hai, để đánh tập đoàn cứ điểm, đánh công sự vững chắc phải có pháo, chúng ta đã kéo được pháo vào nhưng một trung đoàn trưởng được Đại tướng rất tin tưởng đã gọi điện xin trả pháo vì không biết phối hợp bộ binh, pháo binh thế nào để đánh, điều này làm Đại tướng rất bất ngờ.
Yếu tố thứ ba, hầu như quân đội ta ta chưa đánh ban ngày bao giờ, mà chỉ đánh ban đêm, sẩm tối hoặc mờ sáng. Đánh ban ngày trên một địa hình trống trải, một chiều 15 cây số, một chiều từ 6-8 cây số, phơi lực lượng ra cho địch là không được.
Yếu tố thứ tư, chính người Pháp đã nắm được thông tin ngày giờ chúng ta nổ súng, khiến kế hoạch của ta mất đi yếu tố bất ngờ. Trong khi đó, về phía địch, quân Pháp đã có sự củng cố lực lượng, tăng cường phòng ngự và đặc biệt là họ rất muốn chúng ta đánh để rơi vào ý đồ của họ.
Bộ chỉ huy kiêm Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ họp tại sở chỉ huy Mường Phăng. Từ trái sang phải: Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh kiêm Bí thư Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu) |
Chính vì thế Đại tướng yêu cầu Đại tá Hoàng Minh Phương, người phiên dịch cho Đại tướng, đề nghị ông Vi Quốc Thanh, trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc sang trao đổi. 7h sáng ngày 26/1, khoảng 10 tiếng trước giờ quân đội ta nổ súng theo phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, Đại tướng và ông Vi Quốc Thanh đã có cuộc trao đổi rất nhanh trong chưa đầy nửa tiếng, và cùng đi tới thống nhất rằng phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không thể thắng lợi được.
Ông Vi Quốc Thanh khi đó cũng xác nhận “chúng tôi cũng băn khoăn về điều này và cũng có ý định xin ý kiến của Quân ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng chưa thấy trả lời, tôi đồng ý với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp phải thay đổi phương án này mới có thể thắng lợi. Tôi sẽ chịu trách nhiệm giải thích cho đoàn cán bộ cố vấn Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chịu trách nhiệm “đả thông” cho cán bộ Việt Nam”.
Ngay sau cuộc gặp đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận và công bố quyết định thay đổi phương châm vào phút chót.
Mãi sau này, báo chí Trung Quốc nói rằng sáng 27/1/1954, đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc mới nhận được ý kiến đồng ý cho thay đổi phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Trong khi Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư đã quyết định từ sáng 26/1.
Có thể khẳng định đây là một sự thực lịch sử mà các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận. Như vậy rõ ràng quyết định thay đổi phương châm là do phía Việt Nam đưa ra./.