Đắk Lắk: 30 năm không có điện, thôn nghèo chưa có lối thoát
VOV.VN - Định cư 30 năm, nhưng thôn Nà Ven, xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có điện.
Cũng vì chưa có điện, người dân không có điều kiện để phát triển kinh tế, khiến tỷ lệ hộ nghèo chiếm 93%, gần một nửa số hộ trong thôn đành bỏ nhà đi nơi khác.
Dù đã đầu tư 5 triệu để mua tấm pin mặt trời để sạc bình ắc quy
nhưng bà Thơm vẫn không đủ điện để xem truyền hình bằng ti-vi nội địa.
Năm 1988, gia đình bà Phạm Thị Thơm cùng 74 hộ rời quê Thái Bình vào định cư tại thôn Nà Ven, xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Tròn 30 năm lam lũ trên vùng đất mới, gia đình bà Thơm vẫn thuộc diện hộ nghèo, còn chồng bà thì đã qua đời khi chưa kịp nhìn thấy ánh sáng lưới điện quốc gia. Đã có 34 hộ ở thôn Nà Ven không đủ kiên nhẫn chờ điện lưới điện quốc gia, đành phải bỏ nhà đi nơi khác.
“Năm nào cũng nói là sắp có điện, cuối năm có điện, nhưng rồi chẳng có điện. Nước nôi sinh hoạt thì chúng tôi dùng giếng khoan quay tay. Nước ăn thì phải dùng nước mưa, hết nước mưa thì ăn nước sông nhưng bẩn lắm. Trước dân vào đây đông lắm, hơn 70 hộ, nhưng rồi họ cứ chuyển đi, chuyển đi. Khổ quá, họ không ở được thì phải đi ra ngoài. Người nào mà như chúng tôi thì trụ ở đây”.
Tròn 30 năm định cư trên vùng đất mới, từ 74 hộ ban đầu, đến nay thôn Nà Ven chỉ còn 40 hộ, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 93%. Cuộc sống của bà con rất khó khăn vất vả, bởi thiếu thốn những điều kiện thiết yếu nhất, đó là điện và nước.
Đã có nhiều hộ bỏ nhà đi khỏi thôn Nà Ven vì không đủ kiên trì chờ lưới điện quốc gia. |
Hơn 13 năm làm công tác Thanh tra nhân dân và Trưởng thôn Nà Ven, ông Nguyễn Đức Giang luôn trăn trở về cuộc sống của nhân dân còn quá khó khăn. Nhiều lần ông đại diện bà con phản ánh với Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp về nỗi khổ vì không có điện, đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm. Cách đây 4 năm, ông Giang cùng Trưởng ban Công tác Mặt trận trực tiếp lên Điện lực huyện Buôn Đôn xin ý kiến và tổ chức họp dân, huy động bà con đóng góp để kéo điện từ thôn bên cạnh; mọi người đồng tình, nhưng vì nghèo quá nên không thể thực hiện được.
Theo ông Nguyễn Đức Giang, vì không có điện, nên kinh tế – xã hội của thôn Nà Ven bị bó buộc mấy chục năm nay. Bà con chỉ canh tác được những cây có giá trị kinh tế thấp như sắn, ngô và lúa. Việc học hành của con em cũng bị ảnh hưởng. Trong thôn có trường tiểu học, nhưng chỉ học đến lớp 4, còn học sinh lớp 5 và bậc THCS thì phụ huynh phải đưa đón ra trung tâm xã khoảng 7km. Các hoạt động thông tin, giải trí rất hạn chế. Thậm chí, vì kinh tế quá khó khăn nên ảnh hưởng đến cả công tác phát triển Đảng.
“Trước có 5 đảng viên, nhưng rồi 3 đảng viên tự nguyện xin rút vì phải chạy ăn từng bữa. Nếu bây giờ có điện sẽ giảm bớt được cái nghèo, cái khó. Nước sinh hoạt sẽ thoải mái, về tưới tắm, chăn nuôi. Bà con muốn trồng các loại cây để cải thiện đời sống như cây cam cây quýt, cây xoài nhưng vì không có nước tưới nên đành chịu, bó tay. Nếu có điện về đời sống bà con sẽ khác đi. Người ta sẽ trồng những cây lâu năm như cây ăn trái, sẽ có thu nhập nhiều, nó giảm nghèo đi; có thể giảm được khoảng 50%”.
Cán bộ Điện lực Buôn Đôn đến thông báo với Thôn trưởng Nà Ven cuối năm 2018 sẽ có điện. |
Ông Lê Văn Bình, Phó Giám đốc Điện lực Buôn Đôn (Công ty Điện lực Đắk Lắk) cho biết, ở địa phương hiện chỉ còn duy nhất thôn Nà Ven, xã Ea Wel chưa có lưới điện quốc gia. Vấn đề này đã được đề cập nhiều tại các cuộc họp Hội đồng nhân,nhưng chưa bố trí được nguồn vốn. Mới đây, thôn Nà Ven đã được đưa vào Dự án cấp điện các huyện Buôn Đôn, nhưng nhanh nhất cũng phải cuối năm sau mới có điện.
Định cư 30 năm và chỉ cách vị trí cấp điện 4km, nhưng thôn Nà Ven, xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có điện là một sự thiệt thòi. Sự thiệt thòi đó kéo theo hàng loạt vấn đề về kinh tế – xã hội của 74 hộ dân (trong đó gần một nửa đã phải bỏ nhà ra đi), số còn lại hầu hết thuộc diện nghèo. Với dự án cấp điện cho huyện Buôn Đôn, hy vọng vài năm tới, thôn Nà Ven, xã Ea Wel sẽ có lối thoát nghèo./. EVN SPC nỗ lực kéo điện cho hải đảo, vùng sâu