Đắk Lắk: Nạn xe dù, bến cóc - bất lực hay thả lỏng?
VOV.VN -Nạn “xe dù – bến cóc” tràn lan, lộng hành khắp nơi nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý.
Ngay từ tờ mờ sáng, trước cổng Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện rất nhiều xe khách, từ nhỏ đến lớn, ngang nhiên tập kết thành hàng dài, rồi quần lui quần tới bắt khách dọc đường. Cùng với đó là các nhóm “cò mồi” ẩn nấp trong những lều quán, hễ thấy có khách là đua nhau lôi kéo, giành giật, gây náo loạn trước cổng bến xe.
Không chỉ những xe nhỏ, mà khu vực này còn xuất hiện nhiều xe lớn, loại “giường nằm chất lượng cao” chạy tuyến phía Bắc như: Hồng Ánh, Hùng Phi, Sỹ Hùng cùng hàng loạt các nhà xe chạy tuyến Gia Lai – Kon Tum, Đà Nẵng, Bình Định như: Anh Dũng, Lệ Thanh, Phúc Sinh, Anh Tuấn, Mỹ Thanh, Thiên Ân, Bảo Đạt, Vi Đạt, Toàn Phát, Hồng Anh, Hải Hòa, Thành… cũng tập trung trước cổng Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk, tự do bắt khách mà không vào bến.
Xe "dù” hoạt động theo kiểu chụp giật này không chỉ gây mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị quản lý bến xe và những nhà xe hoạt động đúng quy định.
Ông Nguyễn Dương - tài xế xe khách ở trong bến nói: “Từ 5 giờ sáng đến 7 - 8 giờ có một số xe hay đậu bên cây dầu, thêm số lượng cò mồi vây quanh, gây mất trật tự làm khách không vào bến được. Cò lôi kéo qua lại, giành giật khách của nhau từ bên này đường sang bên kia đường làm mất an toàn giao thông. Giữa nhà xe và cò cũng tranh giành nhau. Rồi xảy ra tình trạng cò đưa khách ra ngoài kia rồi móc túi và nhiều vấn đề khác”.
Tài xế Hồ Ngọc Ánh chạy tuyến Đắk Lắk – Nghệ An cũng bức xúc trước nạn “xe dù – bến cóc” ngang nhiên lộng hành ngay trước cổng bến xe liên tỉnh: “Các xe của công ty, xí nghiệp chấp hành tốt, có bến có bãi, đúng giờ xuất bến mà không có khách. Ngoài đường thì những xe dù, đậu đỗ ở cây dầu, bến cóc, tranh giành lấy khách ngoài đường thì trong này chúng tôi không còn khách nữa. Như vậy là cạnh tranh không lành mạnh”.
Đắk Lắk là đầu mối giao thông của cả khu vực Tây Nguyên, kết nối miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, nên nạn xe dù cũng theo đó mà lộng hành tứ phía. Cùng với hướng Bắc, đi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và miền Trung, xe "dù” còn tung hoành trên các tuyến Nha Trang, Phú Yên, Đà Lạt, với sự tham gia của các nhà xe như Thanh Hòa, Hương Khuê, Ái Ly, Việt Thanh, Tuấn Anh và rất nhiều xe khác không có bảng hiệu cũng đua nhau bắt khách, quần lui, quần tới trên các trục đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, đến các siêu thị, bệnh viện, trường học, thậm chí len lỏi vào các ngõ hẻm và tranh giành cả khách ở các trạm xe buýt.
Ông Đặng Văn Xiêm, từng nhiều lần bị cò mồi các của xe không vào bến lôi kéo, hành hạ, nói: “Xe ngoài đường nhiều lắm. Rắc rối nhất là nhiều khi cò lôi kéo, bắt lên xe này, xe khác, nhiều lúc không cho mình đi. Khi khách đứng chờ là bị chèo kéo mình, buộc mình phải đi xe của họ chứ không thể đi xe khác được. Mình muốn đàng hoàng vô bến xe mua vé đi chứ đón ngoài đường nhiều khi nguy hiểm, tai nạn, khổ lắm”. Còn bà Nguyễn Thị Lan đi tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang thì cho biết: “Các xe cứ lượn xuống đây bắt khách xong lại trở lên, trở lên rồi lại trở xuống nhiều lần”.
Bến phụ phía sau siêu thị mà bà Lan vừa nói chính là “bến cóc” do các nhà xe tự lập trái phép trên đường Ngô Gia Tự, cạnh siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột. Tại đây, nhiều xe khách chạy tuyến Nha Trang ngang nhiên đậu đỗ cả dưới lòng đường và lấn chiếm hết vỉa hè; tự do đón, trả khách mà vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý.
Một kiểu “bến cóc” khá phổ biến hiện nay ở tỉnh Đắk Lắk, đó là các nhà xe chạy tuyến phía Nam tự bán vé và xếp khách tại nhà riêng hoặc tại trụ sở công ty. Chỉ riêng ở thành phố Buôn Ma Thuột, có thể kể đến các nhà xe như Thu Đức, Năm Thùy, Anh Khoa, Kumho Samco, Dung Nghĩa… với lượng xe giường nằm, ghế nằm lên đến hàng trăm chiếc. Không chỉ vận chuyển hành khách, các nhà xe này còn lợi dụng chở thêm hàng hóa với số lượng lớn, lấn chiếm cả lòng, lề đường, gây mất trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông.
Điển hình như nhà xe Thu Đức, mỗi buổi sáng, hàng loạt xe giường nằm, xe tải nối đuôi nhau, đậu đỗ thành hàng dài trên đường Trần Hưng Đạo, bốc xếp hàng hóa ngổn ngang, chiếm hết cả một dãy vỉa hè. Hoặc như nhà xe Tuấn Anh độc quyền chạy tuyến Đà Lạt, vừa chở hàng hóa vừa tổ chức bán vé, nhồi nhét khách ngay tại căn nhà chật hẹp, sát mặt đường Nguyễn Văn Cừ có lưu lượng giao thông dày đặc, rất nguy hiểm.
Trong khi đó, Bến xe phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột được một doanh nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh lên đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng trên diện tích 2ha khá văn minh, hiện đại thì vẫn đìu hiu, không có hành khách nào. Hơn chục quầy bán vé chưa bao giờ hoạt động.
Ông Lâm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Điều hành Bến xe phía Nam cho biết: “Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột được xây dựng từ năm 2010 theo dự kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Đắk Lắk, nhằm ổn định trật tự an toàn giao thông. Nhưng từ khi xây dựng xong đến bây giờ, số lượng khách ra bến này rất ít, hầu như không có, vì hiện tại Sở giao thông Vận tải vẫn cho xe đậu trong phố để lấy khách. Cụ thể là xe của các đơn vị như Thu Đức, Năm Thùy, Anh Khoa, Kumho… lấy khách ở trong phố ra đây ký lệnh xuất bến đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nên khách họ không ra đây”.
Cũng bức xúc vì Bến xe liên tỉnh vắng khách, trong khi “xe dù – bến cóc” lộng hành, gây mất trật tự, bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, ông Trần Thường – Giám đốc Công ty Quản lý bến xe liên tỉnh Đắk Lắk nói: “Khi hành khách đến bến thì bị lực lượng “cò mồi” bắt khách cho nên hành khách không vào bến. Việc đó ảnh hưởng rất lớn đến những phương tiện chấp thuận tuyến khai thác trong bến và tạo hành lang mất an toàn đối với xã hội. Mà xe dù – bến cóc tràn lan như vậy rõ ràng ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách địa phương. Tôi kiến nghị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát, xử lý triệt để những lều quán tự mọc tự mở, lấn chiếm lòng lề đường, kiểm tra chặt chẽ những phương tiện không rõ nguồn gốc vòng vo bắt khách”.
Nạn “xe dù – bến cóc” tràn lan, lộng hành khắp phố phường, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng an ninh trật tự, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải hành khách, thất thu ngân sách nhà nước. Ông Lê Công Chức – Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận nạn “xe dù - bến cóc” đã tồn tại từ lâu nhưng lực lượng chức năng vẫn bất lực: “Nạn xe dù – bến cóc tập trung nhất vẫn ở hai đầu, đó là Bến xe phía Bắc và Bến xe phía Nam, trên thực tế thì đã và đang diễn ra. Quy hoạch của tỉnh thì có 2 bến, Bến xe phía Bắc và Bến xe phía Nam, quy định đón và trả khách tại bến xe phía Bắc và phía Nam, nhưng thực tế thì có một số nhà xe không chấp hành. Năm 2014, chúng tôi đã xử lý một số nhà xe đón trả khách không đúng quy định. Thứ hai là lỗi lập bến cóc thì phạt rất nặng, phạt đến cả chục triệu. Nhưng hình thức xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe”.
Tết Nguyên đán Ất Mùi đã cận kề, nhu cầu đi lại tăng cao, nếu lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục buông lỏng quản lý trong công tác vận tải hành khách, nạn “xe dù – bến cóc” và tình hình giao thông ở đây sẽ còn diễn biến phức tạp khó lường./.