Đắk Nông: Lùm xùm chuyện chi tiền làm thêm ở Chi cục Thuế ​

VOV.VN -Có người đi tập huấn, đi học cả hàng tháng trời nhưng vẫn có tên để hưởng khoản tiền làm thêm ngoài giờ.

Mượn chứ không phải… cuỗm

Tháng 2 năm 2017, ông Nguyễn Quốc Phong nhận quyết định bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông.

 Nhóm PV VOV làm việc với ông Phong (ngoài cùng bên phải).


Trước đó, khi còn đang là Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Tuy Đức, năm 2016, ông Phong đã chỉ đạo cho kế toán lập chứng từ ủy nhiệm chi, rút 260 triệu đồng (tiền làm ngoài giờ) của cán bộ, nhân viên Chi cục Thuế Tuy Đức. Tháng 6 năm 2018, sau khi bị phát hiện, tố cáo, ông Phong mới nhờ người mang số tiền đã trót “mượn” này đến Chi cục Thuế huyện Tuy Đức trả lại.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Bùi Hữu Nghị, Cục trưởng Cục thuế Đắk Nông (đang điều trị bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng: Đây chỉ là chuyện cá nhân với cá nhân. Ông Phong mượn tiền của anh em trong cơ quan để giải quyết công việc gia đình. Nay ông Phong đã trả lại đầy đủ.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tuy Đức cũng khẳng định: tại thời điểm ngày 1/6/2018, tất cả 18 cán bộ, nhân viên ở Chi cục Thuế Tuy Đức đã nhận đủ số tiền làm việc ngoài giờ năm 2016, tổng số là 260 triệu đồng.

Biên bản ghi nhận việc trả lại tiền có chữ ký, dấu đỏ của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tuy Đức là ông Nguyễn Hải Ninh và có chứng kiến của hai phó chi cục. Tuy nhiên, trong biên bản này vẫn còn 5 người không ký nhận, với số tiền là hơn 65 triệu đồng.

Ông Bùi Hữu Nghị, Cục trưởng Cục thuế Đắk Nông cho rằng đây chỉ là chuyện mượn tiền của cá nhân với cá nhân. Vậy hà cớ gì ông Nguyễn Hải Ninh lại ký biên bản chứng nhận cán bộ, nhân viên của mình đã nhận tiền? Chúng tôi chưa dám quy kết rằng ông Nghị, ông Ninh bao che cho ông Phong. Nhưng có đủ bằng chứng chứng minh rằng số tiền 260 triệu đồng không phải là ông Phong mượn của cán bộ dưới quyền.

Ông Nguyễn Quốc Phong-Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đắk R’lấp.


Ngày 22/12/2016, ông Nguyễn Quốc Phong mới ra quyết định về việc chi thưởng từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên năm 2016 cho cán bộ, công chức thuế Tuy Đức, với tổng số tiền là 260 triệu đồng. Thế nhưng trước đó, ngày 3/11/2016, đã lập chứng từ ký ủy nhiệm chi với nội dung “chuyển tiền bổ sung thu nhập và tiền thưởng năm 2016” với số tiền 448 triệu đồng. Trong đó có 190 triệu đồng là tiền lương, được trả vào tài khoản của cán bộ, nhân viên chi cục. Còn 260 triệu đồng được chuyển vào tài khoản của ông Võ Minh Luân (thủ quỹ Chi cục Thuế huyện Tuy Đức).

Để “mượn” 260 triệu đồng này, ông Phong đã cho lập danh sách làm việc ngoài giờ của cán bộ, nhân viên Chi cục Thuế Tuy Đức. Có cả bản kê danh sách nhận tiền, ký nhận tiền của mọi người trong cơ quan để hợp thức hoá chứng từ. Mãi đến tháng 5 năm 2018, khi sự việc vỡ lở, ông Phong nhờ người đưa 260 triệu đồng đến Chi cục Thuế Tuy Đức trả lại.

Nhiều cán bộ, nhân viên ở Chi cục Thuế Tuy Đức không đồng tình với việc làm này nên đã không ký vào danh sách nhận tiền. Đơn cử như ông Lê Trung Tín cương quyết không ký, không nhận khoản tiền mà theo ông Tín là mập mờ này. Ngày 1/6/2018, ông Phong và ông Nguyễn Khắc Thiết (nhân viên bảo vệ Chi cục thuế Tuy Đức) vượt gần 100 km từ Đắc RLấp đến Đắc Min để trả khoản tiền làm thêm ngoài giờ năm 2016 cho ông Tín. Ông Tín vắng nhà. Vợ ông Tín không biết đây là khoản tiền gì nên không dám nhận. Ngày 13/6/ 2018, tài khoản của ông Tín phát sinh đúng số tiền “ngoài giờ” năm 2016. Ông Tín cho rằng: đây là khoản tiền nuốt không trôi nên trả lại, chứ không phải là khoản tiền vay- trả, vì ông chưa bao giờ cho ông Phong mượn đồng nào.

Chiều ngày 24/7/2018, trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Phong nói là: Năm 2016, vì người thân ở quê có việc hệ trọng, cần tiền nên ông đã mượn của anh em trong cơ quan khoản tiền này. Và vì họ không đòi nên khi chuyển công tác đi nơi khác, ông vẫn chưa kịp trả. Ông Phong cũng khẳng định: hiện nay ông đã hoàn trả 260 triệu đồng cho cán bộ, nhân viên Chi cục Thuế Tuy Đức.

Diễn lại tuồng cũ?

Tháng 2/2017, ông Phong được điều chuyển từ Chi cục thuế Tuy Đức về Chi cục Thuế huyện Đắc RLấp, cũng giữ chức vụ chi cục trưởng. Năm 2017, chuyện “mượn” tiền ở Tuy Đức chưa bị phanh phui, nên tại Chi cục Thuế Đắk RLấp, ông Phong diễn lại tuồng cũ (!?). Nghĩa là lập danh sách cán bộ nhân viên làm thêm ngoài giờ để móc ruột nhà nước 257 triệu đồng.

Bằng hình thức tạo hồ sơ việc làm thêm ngoài giờ của tập thể cán bộ, nhân viên Chi cục Thuế huyện Đắk R’lấp năm 2017, ông Phong đã chỉ đạo lập chứng từ rút tiền 2 lần với tổng số tiền 257 triệu đồng.

Tờ biên bản ghi nhận trả lại 260 triệu đồng ông Phong đã “mượn” vào năm 2016.


Theo nguyên tắc tài chính, tiền làm thêm ngoài giờ là từ ngân sách Trung ương (giao cho ngành thuế) vì vậy khi chi trả cho cán bộ, nhân viên bắt buộc chi qua tài khoản ngân hàng cho từng cá nhân. Thế nhưng thay vì chuyển tiền trực tiếp qua thẻ ATM cho từng người, ông Phong lại cho lập hồ sơ chứng từ yêu cầu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Nông chuyển vào tài khoản ông Lê Ngọc Ánh (bảo vệ Chi cục Thuế huyện Đắk R’lấp) số tiền 257 triệu đồng.

Cụ thể, ngày 7/4/2017, tài khoản ông Lê Ngọc Ánh phát sinh hơn 112 triệu đồng với ghi chú Chi cục Thuế Đắk R’lấp chuyển phụ cấp thêm giờ. Cũng trong ngày hôm đó ông Ánh rút số tiền này khỏi tài khoản. Tiếp đó, ngày 19/6/2017, tài khoản ông Ánh lại được chuyển khoản với số tiền 145 triệu đồng với ghi chú Chi cục Thuế chi lương ngoài giờ.  

Vì sao 257 triệu đồng tiền làm thêm ngoài giờ của cán bộ nhân viên Chi cục Thuế Đắk R’lấp năm 2017 không chuyển vào tài khoản cá nhân từng người, mà chuyển vào tài khoản của ông Lê Ngọc Ánh? Ông Nguyễn Quốc Phong giải thích: do Công đoàn cơ quan yêu cầu lấy tiền mặt để đóng góp các khoản như đảng phí, công đoàn phí, các khoản hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ thiên tai… nên ông mới chỉ đạo chuyển tiền về một tài khoản cá nhân để rút tiền mặt về chi trực tiếp cho từng người.

Năm 2017, một số cán bộ nhân viên không hề, hoặc rất hạn hữu mới làm thêm ngoài giờ, nhưng họ cũng được chấm công hết công suất. Thậm chí có người đi tập huấn, đi học cả hàng tháng trời nhưng vẫn có tên để hưởng khoản tiền làm thêm ngoài giờ.

Ngoài chuyện lùm xùm chi tiền làm thêm giờ ở Chi cục Thuế huyện Tuy Đức và huyện Đắk RLấp liên quan đến ông Nguyễn Quốc phong, đơn tố cáo mà chúng tôi nhận được còn đề cập nhiều chuyện khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh khi đã xác thực chứng cứ./.


 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất bỏ giờ làm thêm, bảo hộ lao động khỏi bình chọn quy định tồi
Đề xuất bỏ giờ làm thêm, bảo hộ lao động khỏi bình chọn quy định tồi

VOV.VN - Đề xuất bỏ giờ làm thêm, bảo hộ lao động khỏi bình chọn quy định tồi sau khi tập hợp từ ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. 

Đề xuất bỏ giờ làm thêm, bảo hộ lao động khỏi bình chọn quy định tồi

Đề xuất bỏ giờ làm thêm, bảo hộ lao động khỏi bình chọn quy định tồi

VOV.VN - Đề xuất bỏ giờ làm thêm, bảo hộ lao động khỏi bình chọn quy định tồi sau khi tập hợp từ ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. 

Đi công tác vào ngày nghỉ có được tính làm thêm giờ?
Đi công tác vào ngày nghỉ có được tính làm thêm giờ?

Ngoài chế độ phụ cấp lưu trú, cán bộ, công chức còn được thanh toán chế độ trả lương làm thêm giờ theo quy định hiện hành.

Đi công tác vào ngày nghỉ có được tính làm thêm giờ?

Đi công tác vào ngày nghỉ có được tính làm thêm giờ?

Ngoài chế độ phụ cấp lưu trú, cán bộ, công chức còn được thanh toán chế độ trả lương làm thêm giờ theo quy định hiện hành.