Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các trường bán trú vùng cao
VOV.VN - Đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang là một trong những giải pháp quan trọng để thầy và trò huyện vùng cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu hướng tới nâng cao chất lượng dạy và học.
Trường Tiểu học Tả Phìn, huyện vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu) có hơn 400 học sinh là con em đồng bào Mông, Dao tại địa phương đang theo học, trong đó, gần một nửa số học sinh này ăn, ở bán trú.
Nhằm khắc phục tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, nhất là khu vực bếp ăn, nhà trường đã đầu tư hệ thống bể lọc; các đồ dùng, dụng cụ phục vụ ăn uống trước và sau khi ăn đều được vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm.
"Nhà trường đã chuẩn bị một cái nồi to để hàng tuần, hàng ngày các cô đun nước và tráng qua những bát đĩa mà các em đã rửa. Bát đĩa sau khi ăn hàng ngày các em đều rửa sạch sẽ, đảm bảo phơi khô ráo trước khi các em ăn", thầy giáo Trần Đức Hoan, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Cũng như trường Tiểu học Tả Phìn, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ luôn chú trọng thực hiện kiểm soát thực phẩm ngay từ đầu vào. Ngoài lựa chọn những nhà cung cấp thực phẩm có uy tín, thường xuyên kiểm tra trước khi nhận, trường còn tận dụng những khoảnh đất nhỏ quanh trường để trồng rau sạch, phục vụ bữa ăn cho hơn 200 học sinh bán trú.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do khó khăn về kinh phí, nên nhà trường không có điều kiện thuê riêng nhân viên nấu ăn. Vì vậy, các thầy, cô giáo vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa phải trực tiếp tham gia quản lý, nấu ăn hàng ngày cho các em.
"Nhà trường đã tổ chức các tổ, nhóm giám sát về quá trình cung ứng, chế biến cũng như chia bữa ăn cho học sinh. Trong đó, nhà trường đặc biệt lưu ý để đảm bảo về dinh dưỡng cũng như an toàn thực phẩm", cô Thắm nói.
Năm học này, huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có trên 1.000 lớp học, với hơn 25.000 học sinh; trong đó, 2/3 là học sinh bán trú. Dù còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng các nhà trường đã từng bước khắc phục, tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn chưa xảy ra vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm.
"Các đơn vị trường học phải thực hiện lưu cũng như chế biến thực phẩm theo đúng quy tắc lưu mẫu thực phẩm 3 bước. Rồi ngành cũng chỉ đạo các trường tăng cường công tác giám sát của các tổ chức đoàn thể, cũng như của các bậc phụ huynh trong nhà trường. Chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân cũng như trong công tác ăn uống tại các đơn vị trường", bà Nguyễn Thị Giang, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nhấn mạnh.
Cũng theo bà Giang, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các bếp ăn bán trú cũng luôn được lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu và huyện Sìn Hồ chú trọng, mục tiêu là hạn chế thấp nhất các nguy cơ ngộ độc thực phẩm, từ đó giúp nâng cao thể chất, trí tuệ, cũng như chất lượng học tập cho học sinh./.