Đảm bảo ATGT trên cao tốc: Việc anh, việc tôi?
VOV.VN - Sau gần một tuần thực hiện phân luồng xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên từ cao tốc Cam Lộ-La Sơn sang Quốc lộ 1, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN xem xét lại phương án này.
Trước đó, cả Ban ATGT Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng không đồng tình với việc phân luồng từ cao tốc Cam Lộ-La Sơn sang Quốc lộ 1. Từ các ý kiến ngược chiều nhau giữa Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN và các địa phương cho thấy, việc đưa vào khai thác và phân luồng lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn dường như chưa có sự bàn bạc, thống nhất giữa Bộ chủ quản và địa phương.
Theo phản ánh của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, sau 1 tuần phân luồng xe khách trên 30 chỗ, xe tải từ 6 trục từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn cho thấy, lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 1, đoạn qua TP. Đông Hà tăng đáng kể.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho hay: Trên tuyến cao tốc này chưa có hệ thống camera giám sát, các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát chưa đầy đủ, nhiều trường hợp phóng nhanh, vượt đẩu, dẫn đến tai nạn. Việc phân luồng lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ- La Sơn không chỉ làm gia tăng một lượng đáng kể phương tiện có tải trọng lớn đi vào TP. Đông Hà, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, không khác gì việc đẩy rủi ro cho người dân và địa phương.
Đặc biệt, theo ông Hà Sỹ Đồng, khi phân luồng lại giao thông trên tuyến cao tốc này, Bộ GTVT, Cục Đường bộ lại không tham khảo ý kiến của địa phương nơi có cao tốc đi qua: "Cấm xe khách trên 30 chỗ và xe tải trên cao tốc Cam Lộ như vậy chưa đủ căn cứ khoa học và chưa căn cứ tình hình thực tế của địa phương. Trước khi cấm cái này thì chưa lấy ý kiến của các địa phương, và chưa đánh giá các yếu tố vì sao nó gây ra tai nạn, do yếu tố con người hay do quy trình kỹ thuật, cơ sở khoa học ở đâu để mà cấm, mà lại đẩy khó khăn từ bên này sang bên khác?"
Ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Bảo trì, Cục Đường bộ VN thừa nhận, trước khi chính thức phân luồng và đến thời điểm này, ngoài 6 cơ quan đồng tình với việc phân luồng, gồm: Cục CSGT, Hiệp hội vận tải ô tô VN, Hội An toàn giao thông VN, Ban Quản lý đường HCM, Khu Quản lý đường bộ 2… thì có 2 ý kiến không đồng tình, đều rơi vào các địa phương có cao tốc đi qua và chịu tác động mạnh mẽ, trực tiếp từ việc phân luồng là Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Tuy vậy, ông Điệp cho rằng, việc phân luồng trên cao tốc này vì mục tiêu ATGT của cả nước chứ không riêng địa phương nào: "Địa phương cũng chưa ủng hộ lắm, tuy nhiên chúng ta phải tính đây là đường cấp quốc gia, Quốc lộ 1 cũng là đường quốc gia để đảm bảo năng lực vận tải chúng. Chứ xét trong một cục bộ nào đấy thì có khi cũng khó, bởi vì đáp ứng được yêu cầu của vùng, khu vực thì lại không đáp ứng được yêu cầu vận tải chung quốc gia".
Trước những ý kiến của doanh nghiệp, của các địa phương, đặc biệt là của tỉnh Quảng Trị, một lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay, sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu lưu lượng giao thông trên các tuyến cao tốc và Quốc lộ qua Quảng Trị để xem xét, báo cáo Bộ GTVT quyết định:
"Dự kiến 20 tháng này sẽ có một đánh giá sơ lược xem việc phân luồng này có hợp lý hay không, nó có tăng cho Quốc lộ 1 lớn hay không. Thật ra con số tính toán thì có rồi, chứ không phải Cục Đường bộ vội vàng hay gì đâu. Đặc biệt đối với tuyến cao tốc phân kỳ thì phải dựa theo tình hình thực tế và Cục Đường bộ cũng không phải muốn chuyển rủi ro tai nạn về Quốc lộ vì Quốc lộ cũng do Cục Đường bộ quản lý"
Tuy vậy dưới góc độ ATGT, TS Đào Huy Hoàng, Viện KHCN GTVT cũng cho rằng, khi hàng loạt phương tiện tải trọng lớn bị đẩy từ cao tốc sang Quốc lộ, nhất là việc đi qua khu đông dân cư thì đó là giải pháp không hợp lý về mặt tổ chức giao thông và ATGT:
"Khi đẩy tất cả các xe chở khách và xe có tải trọng lớn quay trở lại hoạt động trên Quốc lộ đi qua địa phận, địa bàn tỉnh Quảng Trị như thế thì về mặt tổ chức giao thông tổng thể thì đấy là quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước thôi. Còn về quản lý khai thác và ATGT thì việc tự nhiên đẩy một loại phương tiện siêu trường siêu trọng hoặc phương tiện chở khách lớn quay trở lại, đẩy hết vào Quốc lộ mà không được đi trên cao tốc thì đấy là vấn đề bất hợp lý trong việc tổ chức giao thông"
Ở góc độ đầu tư, theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án mới đưa vào khai thác hơn một năm đã chạm ngưỡng mãn tải cho thấy tầm nhìn quy hoạch giao thông có vấn đề, tính toán sai về lưu lượng giao thông và nhu cầu gia tăng hàng năm. Đó cũng là nguyên nhân khiến cao tốc phân kỳ đầu tư vừa khai thác đã phải nâng cấp, mở rộng:
"Cái kết quả như hiện nay chúng ta thấy, tức là mới chạy có một năm rưỡi, 2 năm đã quá tải rồi thì nó là câu trả lời rõ rệt là các anh ấy tính toán sai, dự báo nhu cầu lưu lượng giao thông là tính toán sai. Về nguyên lý nó còn khái niệm là nhu cầu tăng lên, ví có đường đấy nên tự nhiên nhu cầu tăng lên, đường càng mở rộng lại càng đông ngoài dự kiến. Các nhà hoạch định, dự báo tăng trưởng phải biết được lý thuyết đấy"
Với những ý kiến nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, cần nghiêm túc nhìn lại việc đầu tư cao tốc phân kỳ, chứ không thể hơn 1 năm đưa vào khai thác đã quá tải, bởi trước đó, đã có những tuyến cao tốc vừa mới đưa vào khai thác đã mãn tải như cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông cần có sự thống nhất trên cơ sở dữ liệu khoa học và cập nhật, để đưa ra phương án phân luồng hợp lý; đồng thời, cần rà soát lại tổng thể các nguyên nhân khách quan, chủ quan, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phòng ngừa tai nạn giao thông trong thời gian tới.