Đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi
Khi có 1 trong 3 loại giấy tờ gồm giấy khai sinh, giấy chứng sinh, chứng nhận của địa phương, bệnh viện cũng như giám định viên thường trực của cơ quan bảo hiểm xã hội tại bệnh viện phải tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi cho trẻ được khám, chữa bệnh
Trẻ em dưới 6 tuổi là đối tượng ưu đãi đặc biệt, là một trong 3 nhóm đối tượng được hưởng những quyền lợi cao nhất về giáo dục, nước sạch - vệ sinh môi trường, y tế…Từ ngày 28/11/2008, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 3 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Lương Sơn, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về nội dung này.
** Thưa ông, hiện nay còn 3 triệu trong số 8,5 triệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế, vậy ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân của sự chậm chễ này?
Ông Phạm Lương Sơn: Còn khoảng trên 3 triệu trẻ chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là một số địa phương, các ngành chức năng chưa chuyển hồ sơ, danh sách của trẻ em dưới 6 tuổi sang cơ quan bảo hiểm xã hội. Vì vậy, chưa có căn cứ, chưa có danh sách để tiến hành cấp thẻ.
Nguyên nhân thứ hai, nhiều cháu, đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên, Tây Bắc, bản thân cha mẹ các cháu khi sinh con ra không làm thủ tục khai sinh hay đăng ký danh sách cho các cháu, thậm chí có nơi ở Tây Nguyên trẻ đến 5 tuổi rưỡi vẫn chưa có giấy khai sinh. Chính vì vậy, rất khó khăn trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Cũng có thông tin cho biết một nguyên nhân nữa là do các Sở Tài chính cấp tiền cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi căn cứ vào số lượng thẻ do cơ quan bảo hiểm xã hội phát hành ra. Vấn đề này đang được Bộ Y tế, Tài Chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi để đi đến sự thống nhất.
Tuy nhiên, trong thực tế đang diễn ra tình trạng nhiều trẻ đi khám chữa bệnh bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh, giấy giới thiệu, giấy xác nhận của Uỷ ban Nhân dân cấp xã. Vì vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thống kê toàn bộ các chi phí khám, chữa bệnh của các cháu khi khám và chữa bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế để đề nghị với cơ quan tài chính các tỉnh căn cứ vào số đó xác minh thêm việc các cháu sinh ra ở địa phương nào để có căn cứ chuyển phần kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho các cháu theo quy định.
** Thực trạng chậm trễ này có ảnh hưởng như thế nào đến việc khám và chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện nay?
Ông Phạm Lương Sơn: Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải đảm bảo việc khám và chữa bệnh cho các cháu một cách thuận tiện nhất và không liên quan đến việc có hay không có nguồn kinh phí đối với những trường hợp dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Việc có hay không có nguồn kinh phí từ ngành tài chính chuyển sang, cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Tài Chính, Bộ Y tế phải cùng nhau giải quyết. Việc này chỉ ảnh hưởng đến khâu thanh quyết toán giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với cơ sở khám chữa bệnh, không ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền lợi cho các cháu.
** Trước mắt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam làm thế nào để bảo đảm quyền lợi cho số trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế khi khám và chữa bệnh?
Ông Phạm Lương Sơn: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là trao đổi, làm việc với Bộ Y tế, Bộ Tài chính; đồng thời chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh làm báo cáo gửi ngay Uỷ ban Nhân dân các tỉnh. Luật Bảo hiểm Y tế quy định rõ nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước của Uỷ ban Nhân dân các tỉnh trên địa bàn về bảo hiểm y tế. Vì vậy, sau khi có báo cáo của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo cho các ngành chức năng như Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính khẩn trương chuyển đổi danh sách các cháu đã được cấp thẻ miễn phí, thống nhất thủ tục để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các cháu mới sinh; thống nhất việc chuyển kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách nhà nước sang bảo hiểm xã hội để bảo đảm cho ngành Tài chính thanh toán cho các bệnh viện.
Để đảm bảo quyền lợi cho các cháu, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã xin ý kiến liên bộ. Trong Thông tư hướng dẫn của liên bộ và sau đó được cụ thể hoá bằng Quyết định số 82 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có quy định: Các cháu khi chưa có thẻ bảo hiểm y tế chỉ phải xuất trình giấy khai sinh khi khám và chữa bệnh. Nếu chưa có giấy khai sinh, có thể xuất trình giấy chứng sinh. Trong trường hợp không có cả giấy khai sinh và giấy chứng sinh, có thể lấy xác nhận của Uỷ ban Nhân dân cấp xã để có thể khám và chữa bệnh. Khi có 1 trong 3 loại giấy tờ đó thì bệnh viện cũng như giám định viên thường trực của cơ quan bảo hiểm xã hội tại bệnh viện phải tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi cho các cháu giống như các cháu đã có thẻ./.
** Xin cảm ơn ông./.