Tái định cư vùng sụt lún An Dân - Phú Yên:

Dân “dài cổ” chờ dự án

Đã 4 tháng trôi qua kể từ khi dỡ nhà, bàn giao đất cho dự án, người dân nơi đây vẫn phải sống trong những túp lều tạm bợ, chưa biết ngày mai ra sao

Gần 4 tháng kể từ khi tháo dỡ nhà cửa để nhường đất cho xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua xã An Dân, những người dân nằm trong vùng giải toả xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ, thậm chí có hộ phải sống trong chuồng bò, chuồng heo, trong khi khu tái định cư thì vẫn đang là vũng sâu với cây cỏ um tùm. Mùa mưa đã cận kề, không biết tính mạng của những người dân này sẽ ra sao?

Bà Đỗ Thị Mai trong túp lều tạm

Quốc lộ 1A đoạn qua dốc Vườn Xoài, thuộc địa phận xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên) là điểm nóng của tình trạng sụt lún, sạt lở vào mùa mưa. Do cấu tạo địa chất và địa hình khu vực này không bền vững, nên khi mưa lớn xảy ra, tuyến đường Quốc lộ 1A qua dốc Vườn Xoài bị nứt, gãy nghiêm trọng. Năm 2009, UBND tỉnh Phú Yên có thời điểm phải ban bố tình trạng khẩn cấp về tình trạng sụt lún tại đây. Những nhà dân sống phía Đông Quốc lộ 1A cũng bị uy hiếp tính mạng và tài sản do sạt lở làm hư hại nhà cửa.

Năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua dốc Vườn Xoài, huyện Tuy An. Để phục vụ cho việc xây dựng tuyến tránh này, từ cuối tháng 4/2011, 10 trong tổng số 13 hộ dân sống phía Tây Quốc lộ 1A có nhà cửa nằm trong khu vực giải toả đã được Nhà nước đền bù và tháo dỡ nhà để phục vụ dự án.

Theo kế hoạch, 10 hộ này cùng với 22 hộ phía Đông Quốc lộ 1A có nhà bị ảnh hưởng do sụt lún sẽ được tái định cư tại địa điểm mới nằm phía Nam dốc Vườn Xoài, sau trường tiểu học An Dân. Tuy nhiên, người dân đã dỡ nhà gần 4 tháng, nhưng đến nay khu vực dự án tái định cư vẫn đang là một vũng sâu, cây cỏ um tùm. Ông Lê Văn Duyệt, Phó Ban nhân dân thôn Cần Lương cho biết: “Cả làng cứ ngóng cổ chờ dự án mà chờ hoài chẳng thấy ai cấp đất cho dân. Bản thân tôi là cán bộ thôn cũng chỉ biết động viên bà con ráng chờ đợi. Nay mai mưa bão đến, không biết bà con chạy đi đâu để ở cho an toàn”.

Con và cháu ông Trần Văn Lộc phải chung sống cùng trâu bò

Người một bên… bò một bên

Chưa có nơi để làm nhà, trong khi chờ dự án tái định cư, người dân bị giải toả phải che lều sống tạm gần nơi vừa dỡ nhà đi. Khu vực giải toả giữa trưa nóng  hầm hập. Trên các đỉnh dốc cheo leo là những túp lều được che bằng tôn, bằng bạt tạm bợ của người dân. Phía dưới là xe xúc, xe ủi đang rầm rập đào, ủi, đất đá đổ ầm ầm làm bụi tung mù mịt, cùng với đó là khói bụi của hàng nghìn lượt xe mỗi ngày qua lại.

Những hộ đã giải toả, nhưng vẫn còn lại chuồng bò thì người và súc vật sống chung với nhau theo kiểu: “người một bên và trâu bò một bên”. Bà Đỗ Thị Mai nước mắt ngắn nước mắt dài chỉ về phía chiếc giường nơi có đứa con gái và cháu ngoại đang nằm bảo: “Đấy cô xem, mẹ con bà cháu tui mấy tháng nay phải ở với bò như vậy. Nơi đặt chiếc giường trước đây là nơi để cất phân bò” Bà Mai chỉ tay về phía bên phải cách đó vài bước chân là chuồng heo, dưới mái tôn thấp lè tè là chiếc võng nơi mà chồng bà ngả lưng 4 tháng nay.

Những túp lều chênh vênh trên vách núi

Người dân cũng phải chấp nhận điều kiện sống thiếu thốn trăm bề, không điện, không nước, không đường đi, lối lại và đặc biệt là phải chịu đựng sự ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Hay cho biết: “Dỡ nhà xong, tôi tận dụng mấy tấm tôn cũ che tạm túp lều để vợ chồng và mấy đứa nhỏ sống qua ngày. Do ảnh hưởng của bão, ban đêm đang ngủ, trời nổi gió, tôn bay vèo vèo, căn lều trống trơn. Giờ có muốn ở trong lều cũng không ở được vì nóng quá, mỗi lần muốn lên được nơi ở tạm thì phải bò lên”.

Không những phải chịu cảnh sống tạm bợ, những hộ dân này còn có nguy cơ bị uy hiếp tính mạng, bởi tình trạng sạt lở thường xuyên xảy ra tại khu vực này khi mùa mưa đến. Ông Trần Văn Lộc than thở: “Gần 4 tháng nay, sống với bụi bặm tôi chịu hết nổi, nhưng nhà người thân không có nên đành chấp nhận chờ… và chờ”.

Những hộ trong diện giải toả cũng cho biết, khi giải toả mà chưa có khu tái định cư, đơn vị đền bù cam kết sẽ hỗ trợ 400.000 đồng/hộ/tháng để thuê nhà ở. Tuy nhiên, với bà con ở khu vực nông thôn, ngoài việc mỗi gia đình có 5 - 7 nhân khẩu, còn lợn, gà, trâu bò, dụng cụ sản xuất... nên việc thuê nhà là không thể.

Bài toán tái định cư An Dân

Ông Trần Hữu Hiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đã rất nhiều lần có văn bản kiến nghị lên huyện và Ban Quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Tuy An, đề nghị sớm thi công khu tái định cư để nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân trong diện giải toả và nhân dân bị uy hiếp do sạt lở. Ngày 3/8, UBND xã An Dân tiếp tục có văn bản đề nghị về vấn đề này, tuy nhiên mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Dân thì sống lay lắt, địa phương thì ngồi chờ dự án. “Nếu khu tái định cư An Dân không được triển khai xây dựng sớm để ổn định cuộc sống nhân dân, tôi e rằng nhiều người dân sẽ gặp nguy hiểm trong mùa mưa này”, ông Trần Hữu Hiệu bức xúc.

Khu tái định cư hiện vẫn là bãi cỏ um tùm

Khi chúng tôi làm việc với UBND huyện Tuy An, ông Lê Hoàng Sang, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đây là dự án được đầu tư từ nguồn vốn của tỉnh. Ngày 2/6, UBND huyện Tuy An đã ký Tờ trình kèm theo hồ sơ về phương án xây dựng khu tái định cư An Dân gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư thẩm định trước khi trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt và bố trí vốn để triển khai. Theo đó khu tái định cư này có diện tích 8.100m2, tổng vốn đầu tư là 2,8 tỷ đồng, phục vụ tái định cư cho 10 hộ bị giải toả và 22 hộ bị uy hiếp do sụt lún, sạt lở ở phía Đông”. Tuy nhiên, đến nay đã 2 tháng kể từ ngày gửi hồ sơ, ông Lê Hoàng Sang cho biết, hồ sơ này vẫn đang được Sở Kế hoạch & Đầu tư thẩm định và đang trình UBND tỉnh Phú Yên.

Với đà này, không biết đến bao giờ khu tái định cư An Dân mới được triển khai.  Một mùa mưa lũ nữa đã cận kề, sau những ngày sống chung với súc vật và khói bụi. Khi mùa mưa đến, nước lớn cộng với điều kiện địa chất tại Vườn Xoài, không biết liệu chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn những người dân nơi đây sẽ không có được một mùa đông bình yên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên