Dân Hà Nội bức bối với chợ tạm, chợ cóc gây ô nhiễm môi trường
VOV.VN - Việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ cóc là công việc khó khăn, nhưng cần triển khai ngay và cần có sự phân cấp rõ ràng.
Hiện nay, ngoài các chợ được phép hoạt động, Hà Nội còn có hàng trăm khu chợ tự phát (hay còn gọi là chợ tạm, chợ cóc). Mỗi ngày, các khu chợ này thải ra lượng rác, nước thải rất lớn, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tại khu tập thể cũ Thành Công (Ba Đình), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), phường Ngọc Lâm (quận Long Biên)…, ai cũng dễ dàng nhận thấy ở đâu cũng có chợ cóc, chợ tạm. Vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, đường vào các khu tập thể, trong các ngõ nhỏ, người dân tận dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng nên không khó để nhìn thấy những đống rác lớn, bé ở khắp mọi nơi. Thậm chí, nhiều người bán gà, vịt, cá còn tùy tiện giết mổ ngay tại chỗ, xả trực tiếp nước bẩn ra mặt đường, gây mùi tanh, hôi rất khó chịu. Điều đáng nói là tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, cả người bán hàng và người mua đều thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Hình ảnh chợ tạm, chợ cóc tại khu tập thể phường Thành Công. |
Ông Vương Quang Long, người dân ở phố Pháo Đài Láng (quận Đống Đa) nói: “Theo tôi môi trường ở các khu vực chợ tạm, vệ sinh, nước thải từ mổ cá, thịt gà dẫn đến nước thải chảy xuống cống rãnh nên gây ô nhiễm. Từ một chợ đến nhiều chợ gộp lại hòa theo nước thải của từng gia đình nên không được thu gom, phân loại dẫn đến ứ đọng, chảy vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố, thành ra sống chung với ruồi muỗi”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 200 điểm là các khu chợ tạm, chợ cóc với tổng lượng rác thải phát sinh trong khu vực nội thành khoảng 4 nghìn tấn/ngày.
Nghị định 155/2016 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/02/2017 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính rất cao đối với các hành vi vứt rác thải, đổ nước thải ra môi trường song một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa chấp hành pháp luật về giữ gìn vệ sinh môi trường. Tình trạng người dân xả rác ở những nơi công cộng, đặc biệt là tại các chợ vẫn khá phổ biến.
Hình ảnh chợ tạm, chợ cóc ở phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai). |
Ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công, quận Ba Đình cho biết, hiện nay ý thức của người dân với môi trường chưa tốt nên ngoài việc nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý thì cũng cần tăng cường nhận thức cho người dân trong các khu đô thị, khu dân cư: “Các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa rồi rất tích cực phối hợp với chính quyền các cấp nên khi chúng tôi đeo thẻ đến nhắc là người dân chấp hành ngay. Thấy cơ quan chức năng là không dám xả rác bừa bãi. Tôi cho rằng, ý thức không thể một sớm một chiều chuyển đổi được, nhưng mà tôi mong muốn các cơ quan truyền thông hãy thường xuyên tuyên truyền đẩy mạnh vấn đề môi trường, giúp chính quyền cơ sở có hành lang pháp lý để người dân dựa vào đó chấp hành”.
Mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thời gian tới sẽ dần xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc. Trước mắt, thành phố Hà Nội sẽ rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn, chọn những tụ điểm gây bức xúc nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm để kiên quyết xóa bỏ.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc xóa bỏ các chợ tạm, chợ cóc là công việc khó khăn, nhưng cần triển khai ngay và cần có sự phân cấp rõ ràng để đạt hiệu quả: “Chợ cóc xả rác bừa bãi nên không đẹp về mặt hình ảnh của thành phố. Tôi nghĩ cần có biện pháp nâng cao nhận thức, cùng với Hà Nội trong các đợt ra quân tuyên truyền vận động người dân. Nâng cao kỹ năng, khả năng của các cán bộ quản lý môi trường để thực hiện tốt hơn”.
Để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân được thuận lợi, dễ dàng, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, thời gian tới, thành phố Hà Nội cũng cần tăng cường đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng những chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ./. Xả rác bừa bãi: Phạt hay đe?