"Dân là tai mắt phòng, chống tội phạm ma túy"
(VOV) -Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Quần chúng nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến này.
Thời gian qua, Cục Phòng chống tội phạm ma túy (Bộ đội Biên phòng) và Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (Bộ Công an) đã tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, đặc biệt tại các điểm nóng phức tạp trên địa bàn biên giới Lào-Việt và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam.
PV: Thưa Thiếu tướng, sự phối hợp giữa hai lực lượng nòng cốt của Bộ đội Biên phòng và Bộ Công an được triển khai như thế nào trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy?
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền: Thời gian vừa qua, sau khi rà soát lại toàn bộ tình hình hoạt động buôn bán ma túy trên các tuyến biên giới nổi lên địa bàn trọng điểm nhất vẫn là ở Xuân La và bản Hủa Phăn của Lào. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Tổng cục cảnh sát của Bộ công an đã chỉ đạo Cục phòng chống tội phạm của hai bên phối hợp tỉnh Sơn La, tỉnh Hủa Phăn của Lào xây dựng kế hoạch 1048 để tổ chức triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ các biện pháp đấu tranh có hiệu quả và giải quyết trọng điểm ở chỗ này. Trong 1 năm thực hiện, có thể nói kết quả chúng ta đạt được rất là tốt.
Các loại tội phạm này liên kết các địa bàn, liên kết cả trong nội địa, ở biên giới và ở phía ngoại biên. Chính vì vậy, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, giữa các lực lượng là một yêu cầu cấp thiết. Có thể nói từ ngày có quy chế phối hợp, đó là cơ sở pháp lý để cho hai bên căn cứ vào 5 nội dung trong đó để phối hợp đấu tranh có hiệu quả.
Không những phối hợp đối với lực lượng chuyên trách trong nước mà chúng ta phải có sự hợp tác quốc tế, với các lực lượng chức năng và chính quyền của các huyện, tỉnh có chung đường biên giới với ta.
PV: Bài học kinh nghiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt là ở vùng biên giới là gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền: Thứ nhất, phải tuyên truyền vận động trong quần chúng nhân dân để cho mỗi người hiểu rõ tình hình tội phạm và tác hại của ma túy đối với cộng đồng dân cư.
Thứ hai, chúng ta phải tập trung công tác nghiệp vụ cơ bản của các lực lượng chức năng và công tác hoạt động trong quần chúng nhân dân để phát giác tội phạm. Sau đó ta kết hợp cả hai vấn đề này để lập danh sách, lên đường dây, đối tượng và tìm các giải pháp để “đánh” có hiệu quả.
Thứ ba, chúng ta phải gọi hỏi và trong nhận thức mỗi người trước hết cần coi họ ở đó là một công dân, chưa phải là một tội phạm. Như vậy, chúng ta mới chuyển hóa được họ. Gọi hỏi là một động tác tấn công chính trị để cho tội phạm có tật giật mình, nếu vẫn vi phạm sẽ bị bắt. Gọi hỏi xong đưa ra cho nhân dân góp ý, phê bình, giáo dục.
Biện pháp đó là biện pháp có tình và tính nhân văn để họ không hoạt động, buôn bán ma túy nữa. Cái này cần già làng, trưởng bản, người đứng đầu họ, người có uy tín với gia đình, với bản thân họ để họ khuyên răn.
Ngoài ra, đấu tranh bằng chuyên án, vụ án là cần thiết. Đó là những biện pháp cứng rắn để chúng ta tấn công. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc một cách quyết liệt thì lúc đó chúng ta phải đẩy lùi được hoạt động này.
PV: Thiếu tướng đánh giá như thế nào về vai trò của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm?
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền: Có nhân dân là có tất cả. Tất cả mọi việc đều ở nhân dân. Quần chúng nhân dân đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến này. Mỗi một người dân trong một cộng đồng nếu họ đồng thuận cộng tác, hợp lực để đấu tranh thì chắc chắn sẽ có hiệu quả. Không có một việc gì trong địa bàn đó mà nhân dân không biết cả. Chính vì vậy, trong kế hoạch của chúng ta phải phát huy sự phát giác, tố giác là như vậy.
Chúng tôi đưa ra hơn 4.000 lá phiếu phát giác, tố giác thì đã có gần 3.000 phiếu là có nội dung phát giác và tố giác về các hoạt động tội phạm, kể cả tội phạm ma túy, kể cả nghiện, trồng cây thuốc phiện, phát giác cả hoạt động về buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới.
Khêu gợi ở trong dân và có cơ chế để bảo vệ cho dân thì dân họ sẽ là tai mắt rất tốt. Đó là bài học kinh nghiệm rất quý báu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới nói chung và đấu tranh chống các loại tội phạm nói riêng.
PV: Vâng, xin cảm ơn Thiếu tướng./.