Dân văn phòng hiến máu những ngày “vắng bóng sinh viên“
VOV.VN -Khi học sinh, sinh viên - đối tượng chính đi hiến máu tình nguyện, nghỉ hè về quê, dân văn phòng lại tổng lựcđ hiến máu
Chuẩn bị bước vào thời điểm những tháng nghỉ hè, tình trạng kho máu tại các bệnh viện để cứu chữa, duy trì sự sống của bệnh nhân lại ở tình trạng đáng báo động. Đây là đặc thù mỗi năm khi học sinh, sinh viên - đối tượng chính trong cơ cấu những người đi hiến máu tình nguyện, nghỉ hè về quê.
Phần lớn người hiến máu là học sinh, sinh viên
Học sinh, sinh viên là đối tượng chủ yếu phát động, tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện, đóng góp lượng máu không nhỏ vào kho máu cứu người. Nếu ai đã từng sống trong môi trường sinh viên, chắc hẳn đã ít nhiều cảm nhận được những chương trình hiến máu đầy nhiệt huyết, máu lửa. Hình ảnh sinh viên mặc những chiếc áo tình nguyện viên, đeo băng rôn kêu gọi hiến máu trong và ngoài trường học, thậm chí trên chiếc xe hiến máu lưu động đã trở nên quá quen thuộc.
Bạn Nguyễn Hữu Hoàn – sinh viên trường Đại học Thương Mại HN chia sẻ: “Hiến máu tình nguyện là chương trình rất thiết thực để toàn dân chung tay chia sẻ vì bệnh nhân đang cần máu điều trị. Là một sinh viên thuộc thế hệ thanh niên, trẻ khỏe và nhiệt huyết, em cùng các bạn khác rất mong muốn có thể đóng góp chút sức, chúng em không có tiền bạc để tài trợ nhưng chúng em có máu để chia sẻ!”
Anh Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu của Viện Huyết học – truyền máu TW cho hay, hiện nay sinh viên là lực lượng chủ yếu tham gia hiến máu tình nguyện, không chỉ vậy, đây còn là lực lượng nòng cốt truyền lửa, vận động tuyên truyền các chương trình hiến máu thường niên.
Cũng không khó để bắt gặp những bạn sinh viên nhiều lần đi hiến máu, vài lần cho tới hơn chục lần là “quá bình thường” với tinh thần của tuổi trẻ. Thậm chí có những bạn số lần hiến máu lớn hơn cả tuổi đời, đơn cử như tấm gương trẻ tuổi nhất được tuyên dương trong 100 người hiến máu nhân đạo tiêu biểu năm 2015 Đỗ Đình Quyền, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Nội vụ Hà Nội đã 30 lần tham gia hiến máu tình nguyện.
Vắng bóng sinh viên, cần dân văn phòng hỗ trợ
Mặc dù lượng người hiến máu có tăng qua từng năm, tuy nhiên, lượng máu đáp ứng cho nhu cầu hiện tại vẫn còn thiếu thốn trầm trọng. Theo thống kê từ Viện Huyết học truyền máu TW, ngân hàng máu chỉ an toàn khi tỷ lệ dân số tham gia hiến máu khoảng 2%. Trong khi đó, tính trong năm 2015 mới có khoảng 1,53% dân số Việt Nam tham gia hiến máu, mới đáp ứng được hơn 76% nhu cầu. Ngay cả lượng máu nhận được từ Lễ hội Xuân Hồng - lễ hội hiến máu lớn nhất Việt Nam cũng chỉ đủ dùng trong vòng nửa tháng.
Một thực tế đáng buồn, phần lớn lượng người hiến máu hiện nay lại vẫn là sinh viên. Những đối tượng dân văn phòng, người đi làm có thể có thời gian hay điều kiện về kinh tế, cuộc sống tốt hơn lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ và không đáng kể. Có đến hơn 70% người hiến máu nằm trong nhóm học sinh – sinh viên hoặc vừa mới tốt nghiệp. Tỷ lệ hiến máu giảm dần khi mọi người đi làm.
Với thực trạng này, năm 2015, công ty CP Công nghệ DKT đã phát động phong trào Dân văn phòng hiến máu kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia. Sự kiện đã được Viện Huyết học và Truyến máu TW quyết định tham gia cùng tổ chức và hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp để phong trào “Dân văn phòng hiến máu” trở thành một sự kiện hằng năm trên toàn quốc thông qua trang web toihienmau.com. Năm 2016, chủ đề được lựa chọn là “Dân văn phòng hiến máu vì bệnh nhân Thalassemia” (bệnh tan máu bẩm sinh). Ngày hội năm nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội như Giaohangnhanh, BRAVO, ITEC, Vinades… BTC dự tính sẽ kêu gọi được hơn 1000 đơn vị máu (gấp 5 lần so với 2015) cho những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh thông qua sự kiện lần này.
Thông tin về ngày hội “Dân văn phòng hiến máu” 2016
Chủ đề: Dân văn phòng hiến máu vì bệnh nhân Thalsemia
Thời gian: 8h ngày 05/06/2016
Địa điểm: Tầng 1 - Viên Huyết học và Truyền máu Trung Ương – 14 Trần Thái Tông, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: Toihienmau.com
Mỗi ngày Trung tâm Thalassemia tiếp nhận 800 - 900 bệnh nhân cần tương đương 800 - 900 đơn vị máu, lúc cao điểm lên tới gần 2.000 bệnh nhân. Tình trạng thiếu máu diễn ra thường xuyên và cấp bách, “khốc liệt” hơn đặc biệt trong khoảng thời gian 3 tuần vào dịp Tết, 3 tuần vào dịp hè và 2 tuần vào dịp đầu năm học mới.