Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao theo yêu cầu xã hội

Theo đánh giá của một số chuyên gia, số tiến sĩ ở Việt Nam có trình độ đạt chuẩn rất thấp, nhất là chuẩn quốc tế, đặc biệt là Việt Nam đang rất thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao

Ngày 1/7 tới, Luật Công nghệ cao có hiệu lực. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành giáo dục và đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Vì cho đến nay, Việt Nam chưa làm chủ bất kỳ công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao, mà chỉ dừng lại ở mức làm chủ một được một vài công đoạn. Vậy các viện, trường sẽ làm gì để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế?

Hiện nay, ở nước ta có 321 trường đại học, cao đẳng có đào tạo các ngành công nghệ cao. Việt Nam có 10.000 tiến sĩ. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia thì số tiến sĩ có trình độ đạt chuẩn rất thấp, nhất là chuẩn quốc tế. Và các ngành công nghệ cao mà Việt Nam đang tập trung đầu tư phát triển là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và công nghệ liệu mới đang rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao.

Riêng ngành công nghệ thông tin, trung bình mỗi năm các trường đại học trong cả nước cung cấp cho cho thị trường 110.000 kỹ sư,  nhưng chỉ có 10% đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Phương pháp đào tạo của các trường còn nặng tính hàn lâm, thiếu thực hành và chưa kịp thời cập nhật những tiến bộ khoa học của thế giới. Đồng thời, nội dung giảng dạy của các trường chưa sát với yêu cầu của doanh nghiệp. Chưa kể các trường còn hạn chế trong việc đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ giảng dạy.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: Chi phí đầu tư trang thiết bị thí nghiệm cho ngành công nghệ cao rất lớn, nguồn lực của trường không đủ, mức học phí hiện nay chỉ đủ trả lương, chứ không thể tái đầu tư cho thiết bị thực hành. Các trường đang gặp khó khăn trong vấn đề này.

Để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu xã hội, nhiều trường đã thực hiện hợp tác với các doanh nghiệp. Trong 2 năm qua, có 600 thỏa thuận được ký kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong việc hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Trường Đại học Quốc tế Đông Nam Bộ tại tỉnh Bình Dương. Trường liên kết với các doanh nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Trong chương trình học có 40% số tiết thực hành tại các doanh nghiệp. Xu hướng này đang được các trường đại học và doanh nghiệp rất quan tâm.

Ông Yoshida Takashi, Trưởng đại diện văn phòng của  Panasonic cho biết: “Việt Nam rất có tiềm  năng về nguồn nhân lực công nghệ cao và chúng tôi rất muốn tham gia vào việc đào tạo nguồn ngân lực này. Thời gian qua, Panasonic đã tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao của Việt Nam  ở bậc đại học và sau đại học, chúng  tôi đã đưa nhiều kỹ sư của Việt Nam sang Nhật học thạc sĩ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham gia đào tạo với các trường”.

Bên cạnh đó, một số trường đại học mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình giảng dạy. Đồng thời, một số trường đại học cũng mở rộng hợp tác với các công ty công nghiệp lớn của nước ngoài để tiếp cận được những thành tựu công nghệ cao. Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chương trình cấp quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Riêng chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ dành một số lượng kinh phí đầu tư thích đáng cho việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Phương châm của Bộ là tiếp cận nhanh và phổ biến rộng rãi những thành tựu khoa học công nghệ của thế giới để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Trong đó, Việt Nam sẽ hình thành những chuỗi các phòng thí nghiệm công nghệ cao.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: “Khi chuyển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam thì có một đầu mối tiếp nhận. Đầu mối đó tiếp nhận thì phổ biến rộng ra, một trường, một viện tiếp nhận tri thức rồi thì trong một thời gian phải phổ biến rộng rãi cho tất cả các trường và  các trường phải nghiên cứu để đào tạo theo nhu cầu xã hội”. 

Những giải pháp vừa nêu trên  cho thấy khả năng giải bài toán nguồn nhân lực công nghệ cao hiện nay. Nhưng đáp số của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào tính tích cực và đột phá  của các kế hoạch đào tạo cụ thể của từng trường cũng như của toàn hệ thống giáo dục nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên