Đào tạo tại chức: Mục đích dạy, học bị sai lệch
Theo GS Phạm Minh Hạc, chúng ta đang làm trái quy định khi tuyển học sinh tốt nghiệp THPT không trúng tuyển hệ chính quy đi học tại chức.
Trong thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố lần lượt từ chối nhận hồ sơ dự tuyển vào công chức Nhà nước đối với những người có bằng đại học tại chức. Về vấn đề này, phóng viên Đài TNVN đã phỏng vấn GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về việc nhiều tỉnh, thành phố đã nói không trong tuyển dụng công chức đối với người tốt nghiệp hệ tại chức?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Theo chủ trương của Đảng và các văn kiện của Nhà nước, trong đó có cả Luật Giáo dục đại học mà Quốc hội mới thông qua, chủ trương tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên hay là phi chính quy để mọi người muốn học đều được đi học, hay tư tưởng thời đại là: Học suốt đời.
Nhưng trong thực tế thì có chuyện về đầu ra, Quảng Nam và nhiều tỉnh không nhận người tốt nghiệp hệ tại chức, giáo dục thường xuyên phi chính quy vào làm việc. Như thế là trở thành một vấn đề xã hội lớn và vấn đề quản lý Nhà nước đối với hệ đào tạo tại chức.
PV: Vậy theo giáo sư, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn của hệ đào tạo tại chức hiện nay?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Có nhiều nguyên nhân, từ đầu vào cho đến đầu ra.
Đầu vào đại bộ phận quá thấp, những người vào đây hầu hết không trúng tuyển vào hệ chính quy. Trong vấn đề đầu vào lại có một điều không đúng, đó là người ta tổ chức ra hệ tại chức để cho những người lao động có điều kiện đi học, nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề để về làm việc tốt hơn, hay là vừa làm vừa học. Nhưng chúng ta lại tuyển cả các em tốt nghiệp THPT không trúng tuyển hệ chính quy đi học tại chức, tức là không đúng quy định.
Khâu đào tạo thì việc dạy quá ít giờ, tài liệu quá ít, thầy dạy từ xa đến, dạy xong thầy lại về. Hầu như việc tổ chức thảo luận, giải đáp thắc mắc không có điều kiện thực hiện. Nhưng quan trọng hơn, việc học của lớp tại chức, người thực sự đi làm đi học thì họ ít thời giờ.
Còn đầu ra, ít có ai đi kiểm tra chất lượng của những này. Ngay cả các trường chính quy gần đây cũng chỉ công bố kiểm định được khoảng 20 trường. Đã có lần một cán bộ chuyên môn theo dõi ngành này nói: May ra 10 em thì có 1 em sau khi học 4 năm đạt được chuẩn tối thiểu của bậc đại học.
PV: Có thể nói quy luật cung - cầu đã dẫn đến việc các trường đại học đào tạo hệ tại chức một cách tràn lan. Giáo sư nhận định thế nào về điều này?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Trong xã hội ta còn một tâm lý nặng nề, phổ biến là học để đi thi, nói đơn giản học chỉ để cốt lấy mảnh bằng đại học.
Cho nên, các tỉnh đều đua nhau mở các trường đại học, thế rồi các trường từ Bắc vào Nam đua nhau dạy tại chức. Mục đích học tập đã hoàn toàn sai lệch. Cũng là đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng ở đây là tấm bằng.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta không vượt qua được tâm lý xã hội sai lệch, nặng nề và phổ biến này thì ngành giáo dục cũng khó thực hiện được chức năng của mình.
Trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước phải chấn chỉnh, tổ chức lại hệ này theo đúng yêu cầu của nhân dân, theo đúng thực chất của việc đi học, theo đúng các văn kiện, văn bản của Đảng, Nhà nước thì mới xứng đáng với lòng mong mỏi của mọi người, ngay cả người đi học.
PV: Đối với công tác tuyển dụng, vì nghi ngờ về chất lượng mà các địa phương đã loại tấm bằng tại chức ngay từ vòng đầu. Giáo sư có ủng hộ chủ trương này không?
Giáo sư Phạm Minh Hạc: Không nên có thái độ kì thị đối với những người tốt nghiệp chính quy hay không chính quy. Không nên phân biệt đối xử, coi thường hệ này, coi trọng hệ kia.
Vấn đề ở chỗ chất lượng. Người ta phải tuyển được người vào để làm việc. Thế thì việc tổ chức tuyển nên công khai, minh bạch cho tất cả mọi người có bằng đại học.
Bằng đại học hiện nay đều do các trường đại học cấp, mà các trường đều là chính thống. Ngay cả tốt nghiệp chính quy cũng có khi không trúng tuyển, tùy theo nhu cầu của từng nguồn nhân lực. Chỉ có điều, cần tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch và không có tiêu cực.
PV: Xin cảm ơn giáo sư!./.