60 năm Ngày Truyền thống Vĩnh Linh:

Đất lửa Vĩnh Linh: 7 tấn bom đạn trên một vẫn sống

VOV.VN -Thời ấy, 7 vạn người dân Vĩnh Linh phải hứng chịu nửa triệu tấn bom đạn tàn phá, tính trung bình mỗi con người phải chịu 7 tấn bom đạn

Lời tác giả: Bài này có ba từ khóa: bảy nghìn (7000) một (1) và sống.

1.     Bắt đầu từ con số 1

Người viết bài này là một trong gần 5 vạn dân Vĩnh Linh thời kỳ 1954.

Năm ấy tôi lên 8, cái tuổi đã biết nhớ những gì đập vào mắt, in vào óc, chưa biết phân tích, nhưng cho đến nay chưa bao giờ nguôi ngoai.

Ngày 20/7/1954, theo Hiệp định Geneva, nước ta tạm chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17, chạy dọc theo sông Bến Hải làm đường ranh giới quân sự. Từ đấy con sông Bến Hải trở thành dòng sông Tuyến. Vĩnh Linh là huyện duy nhất của Quảng Trị được giải phóng, có hòa bình, nhưng phải bị chia cắt bởi một phần gồm cả xã Vĩnh Liêm và mấy thôn thuộc xã Vĩnh Sơn nằm bờ Nam sông với hơn 13.000 dân. Vậy là vĩ tuyến 17 tự nhiên bao đời của đất trời, cây cỏ hiền hòa bỗng chốc trở thanh con dao lạnh lùng chia cắt hai miền Bắc - Nam, cắt chia một xã, mấy thôn, đem ly tán đến tận gia đình đầm ấm của người dân hai bờ sông tuyến.

Cũng theo Hiệp định Geneva ngày 25/8/1954, tại thị trấn Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp phải ký vào biên bản, rút người lính cuối cùng và phương tiện chiến tranh giết người ra khỏi Vĩnh Linh. Đó cũng là ngày mở đầu cho đồng bào, chiến sỹ mãnh đất này vào cuộc sống xây dựng, chiến đấu mới, nhận lãnh trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử là làm tiền đồn Miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn Miền Nam. 25/8 trở thành ngày truyền thống.

Hai bên bờ Bến Hải (Ảnh KT)
Ngày ấy, lũ trẻ làng Thượng Lập chúng tôi rủ nhau lên dốc “sáu độ”, Truông Nhà Hồ xưa, vắt qua đường số 1 để đếm xe. Người lớn gọi là xe hơi, xe vận tải, “cam nhông”, chúng tôi chỉ biết ngồi chờ từng đoàn xe qua và đếm, đếm nhanh, đếm chính xác, nhớ, nhớ thật kỹ để về làng kể lại cho người lớn nghe, nhất là những đứa con nít không được đi, cứ há hốc mồn hóng chuyện. Ấy là những đoàn xe tải nối đuôi nhau chạy vào Nam mang theo những người dân “đi nhà thờ”. Trên xe có cụ già râu tóc bạc phơ, cổ đeo thánh giá khóc sụt sùi: “Chúa vào Nam rồi. Theo Chúa các con ơi” Mấy chục người chạy bộ theo xe, Mạ tôi nhận ra người trên Ba Bình, Hòa Lạc có nhà thờ to lắm.

Ngày sau, tôi theo Mạ cùng mấy chú, mấy O lên Ba Bình, Hòa Lạc đuổi trâu ăn lúa đang thì đứng cái. Mạ bảo không biết ai xui khiến mà cả làng công giáo hè nhau đi một đêm, sạch trơn, để lại nào là ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa, trâu bò, tan hoang lắm. Sau này tôi mới biết đấy là mưu kế hiểm độc của Mỹ và tay sai lôi kéo hàng triệu giáo dân Miền Bắc nhẹ dạ bỏ quê hương, xứ sở vào Nam.

Lũ trẻ chúng tôi chạy theo đoàn xe cuốn theo bụi cát, hát vang bài ca “Hòa bình tưng bừng từ Liên Xô về bốn phương” mà không biết rằng có chạy mãi cũng chỉ đến bờ Bắc cầu Hiền Lương. Bờ Nam sông đã là thế giới khác biệt.

Mùa hè năm 1960, những thiếu niên Bác Hồ của xã tôi được chọn đến tham quan Hiền Lương. Ngày ấy thủ tục vào khu phi quân sự ngặt nghèo lắm, như ra nước ngoài vậy. Chúng tôi được các anh chị phụ trách dặn dò kỹ càng khi gặp, nói chuyện với cảnh sát bờ Nam. Khu đồn Công an liên hợp có ba nhà:  A, B và C. Chúng tôi được các chú công an dẫn vào nhà A, gọi là nhà Liên hợp và cũng là nơi tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm hay đưa đơn khiếu nại lên Ủy ban quốc tế. Căn nhà cấp bốn rộng chừng bảy chục mét vuông thoáng mát, rộng rãi, nhưng lũ trẻ chúng tôi cứ dồn ra phía bờ sông để nhìn sang bờ Nam. Một bên là lô cốt, một bên là cụm loa kết hình tam giác, chính giữa là con đường đất chạy xuyên qua cánh đồng nắng hạn, lúa loi thoi rồi mất hút vào Dốc Miếu. Đường vào Nam không bóng người. Hoang vắng.

Anh phụ trách kể cho chúng tôi nghe có chú cán bộ Công an đứng gác nhìn sang bờ Nam thấy vợ ra giặt quần áo. Thỉnh thoảng cô ngẩng mặt nhìn chồng rồi kéo nón che kín, sợ cảnh sát bờ Nam trông thấy. Nhưng họ đã nhận ra, liền xua người vợ trẻ vào làng. Người chồng bồng súng đứng yên như tượng cho dòng nước mắt chảy dài trên má.Những ngày tháng ấy phải nuốt nước mắt vào trong. Một thời mà cái gì ở mảnh đất này cũng cắt chia. Mãi sau này tôi mới thấm thía câu thơ da diết: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị / Tận chân trời mây núi có chia đâu?”

Lịch sử ghi lại: phán đoán trước tình hình, cuối năm 1963, đồng chí Trần Nam Trung từ Trung ương Cục Miền Nam trên đường ra Hà Nội đã ghé thăm làng chiến đấu Vĩnh Giang, gợi ý Vĩnh Linh nên đào địa đạo như Củ Chi. Năm 1964 quân dân Vĩnh Linh thực hiện triệt để “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực.” Lúc ấy, lũ trẻ chúng tôi đang học năm đầu cấp 3. Tinh thần sẵn sàng chiến đấu như thanh niên, nhưng sức vóc chỉ là thiếu niên mới lớn. Học nửa ngày, nửa ngày đào hầm, nhiều đêm chúng tôi lên tận Tân Định, Khe Lương, Cổ Kiềng, dưới chân dãy Trường Sơn đào trận địa cao xạ pháo. Đến giữa năm 1966, ngày chúng tôi rời đất Tuyến với dòng sông Tuyến đi bộ hơn 600 cây số ròng rã hơn 20 ngày đêm dưới nắng gắt và bom đạn dày đặc đến Thái Nguyên, vào giảng đường đại học Tổng hợp Văn khoa thì Vĩnh Linh đã đào được 1.300 cây số giao thông hào, bằng một nửa chiều dài đất nước, hơn 130 000 hầm trú ẩn.

2.    Bảy nghìn

Đầu trần, chân đất, đi dưới nắng lửa và bom đạn, cả sáu đứa trong đoàn học sinh cấp 3 Vĩnh Linh chúng tôi đều nhớ về đầu giờ chiều ngày ấy, mùng 8/2/1965, 82 lượt máy bay địch lao qua bầu trời Bến Hải dội bom xuống trường cấp 3 Vĩnh Linh thân yêu. 8 học sinh và thầy giáo bị bom Mỹ chôn vùi trong hầm sâu mà năm trước chúng tôi đã khổ công đào đắp để phòng tránh.

Một ngày bắt đầu một chuỗi ngày ăn ở, học hành, làm việc, cưới hỏi, sinh con đẻ cái trong tiếng gầm rú của máy bay, đạn pháo, dưới mưa bom của địch. Một chuỗi ngày mà ngày bình yên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kẻ thù không từ một thủ đoạn giết người nào: bom rải thảm, bom tọa độ, bom đào, bom sát thương, bom bi, bom napan, bom lân tinh, pháp bầy, pháo chụp, thủy lôi, rocket. Chúng huy động một đàn máy bay ném bom một lần, nhiều lần trong một ngày, nhiều ngày vào một xã, một làng. Pháo hạng nặng từ trong Nam bắn ra, từ hạm tàu bắn vào, bom từ trên trời dội xuống, từ Cồn Cỏ vào bãi biển Cửa Tùng, chân cột cờ Hiền Lương đến tận biên giới Việt Lào. Không một mãnh vườn, thửa ruộng, trảng cát, con đường nào của Vĩnh Linh không bị bom đạn ít nhất một lần hủy diệt. Chín thôn của xã Vĩnh Thủy mà một ngày chịu 37 lần chiếc B 52 rải thảm 700 tấn bom. Làng Thượng Lập của tôi bé nhỏ vậy mà chúng huy động B 52 đến trút bom xuống như mưa. Cậu mợ tôi cùng con gái đầu phải chết tức tưởi. Có một đêm như đêm 1/7/1968, xã Vĩnh Giang phải chịu một lúc 3 vạn quả đại bác hạng nặng. Các nhà báo, nhà văn trong nước và quốc tế đến đây phải thốt lên: nơi đây “một phần là đất, ba phần còn lại là sắt thép.”

Một cửa của Địa đạo Vịnh Mốc, đã được tu bổ để giới thiệu cho du khách (Ảnh KT)
Ngày ấy Vĩnh Linh có 7 vạn dân sống trên dải đất 800 cây số vuông mà phải chịu nửa triệu tấn bom đạn tàn phá. Tính ra một đầu dân phải chịu hơn 7 tấn bom hủy diệt. Từ đứa trẻ thơ đến cụ già sắp kề miệng lỗ phải chịu sức tàn phá của chiến lược “Phải biến đất này trở về thời kỳ đồ đá” của mưu đồ “ kéo biên giới Hoa Kỳ đến tận vĩ tuyến 17”.

3.    Phải sống

Mặt đất bị san phẳng, đào xới thì đào sâu vào lòng đất để bảo tồn sự sống. Còn người còn của. Còn người sẽ làm nên chiến thắng và xây dựng lai xóm làng. Mỗi người dân Đất lửa đều hiểu như vậy và làm như thế.

Không thể tưởng tượng nổi, trong ba năm từ 1966 đến 1968, người dân Vĩnh Linh chủ yếu bằng hai bàn tay chai sạn đã đào hơn 3.759.270.000 mét khối đất đá, làm nên 114 làng hầm với chiều dài 40 cây số, có hầm địa đạo như Vịnh Mốc sâu 30 m dưới lòng đất. Một hệ thống giao thông hào dài hơn 2.000 km, liên gia, liên thôn, liên xã. Một nhà báo nước ngoài đã ví làng Hầm của Lũy thép Vĩnh Linh là “Lâu đài cổ dấu kín biết bao điều kỳ lạ của con người đã làm ra nó và của thời đại mà nó được sinh ra.”

Thời mà Làng Hầm Vĩnh Linh được sinh ra đã ngót nửa thế kỷ, nhưng ai đến địa đạo Vịnh Mốc lúc này vẫn thấy nhiều điều kỳ diệu lấp lánh trong mỗi tầng đất đá. Trong lòng hầm này đã sinh ra 60 em bé. Từ trong hàng trăm làng Hầm, làng nổi của Vĩnh Linh, hơn 3 vạn em nhỏ, học sinh đã vượt qua pháo sáng, bom na pan, bom bi, bom đào, sơ tán ra Nghệ An, Hà Tình, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hà Bắc để bảo toàn tính mạng, bảo toàn lực lượng mai sau.  Dưới mái trường cấp 3 Vĩnh Linh, nhiều người tham gia dân quân tự vệ chiến đấu tại chỗ, nhiều người trong đội quân “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”, nhiều người đi chiến đấu trên chiến trường B, C, K. Nhiều người đi mãi không về.

Để chuẩn bị xây dựng lại quê hương sau chiến tranh, nhiều người được cử đi đại học trong nước và quốc tế. Nhiều người trong số họ đã thành đạt, thành danh, là giáo sư, tiến sỹ, nhà báo, nhà văn, lãnh đạo trong các bộ ngành ở Trung ương, đầu ngành, đầu tỉnh ở địa phương.

25/8 hàng năm, nhớ về Truyền thống đất lửa Vĩnh Linh, ai cũng hướng về quê nhà, nhớ đến những người bạn đã ngã xuống nơi chiến trường cho sự sống hôm nay.

Một trong những người thầy tận tụy vì đàn em, đưa các em K 8 sơ tán đến nơi an toàn là thầy giáo Hà Văn Lạc, từng là Hiệu trưởng trường cấp hai Long Chấp và trường cấp 2 Vĩnh Quang. Những ngày này, tuổi ngoài 80, ở thành Vinh, thầy nghĩ về đàn em học sinh Vĩnh Linh giữa những ngày nắng lửa cách đây nửa thế kỷ:

“Lửa nung sôi sục tuyến đầu

Vành đai cháy bỏng, chí cao chẳng sờn

Còn trời, còn nươc, còn non

Em đi sơ tán, xe bon nhớ hoài.

Dân Tuyến lửa thường gọi những người còn sống qua chiến tranh là “hột gạo côi sàng” (Hạt gạo trên sàng).

Chiến tranh đã đi qua mảnh đất Vĩnh linh nửa thế kỷ, đã có nhiều đổi thay kỳ diệu, nhưng đâu đó vẫn còn nhiều hộ nghèo, vẫn còn nhiều người khổ, vẫn còn lời thở than. Nhưng từ trong mảnh dất đá sỏi, gió lào cát trắng, nắng chang chang, bão sầm sập này vút lên lời ca dung dị từ thuở khai thiên lập địa, ngấm vào địa tầng, chảy theo năm tháng, nuôi dưỡng niềm tin của sự sống.

“ Đừng than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.”/.

                                           Làng Mai – Hà Nội 23/8/2014                                                         

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên