Đất xây dựng khách sạn ở Hà Nội không phải đất công viên

Quan điểm của UBND thành phố Hà Nội là vẫn tiếp tục cho thực hiện dự án  này nhằm đảm bảo cam kết quốc tế, quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trước việc dư luận cho rằng, một phần "lá phổi xanh" của công viên Thống Nhất đã bị cắt đi để xây dựng công trình khách sạn; chiều 13/2, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Văn phòng UBND thành phố Hà Nội chính thức khẳng định: Khách sạn SAS Hanoi Royal không ăn vào đất của công viên Thống Nhất. 

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, căn cứ vào bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2000 mới nhất (năm 2000) của quận Hai Bà Trưng thì toàn bộ diện tích đất hơn 10.000 m2 để xây dựng khách sạn 4 sao SAS Hanoi Royal thuộc loại đất công cộng, nằm cạnh công viên Thống Nhất, không thuộc đất công viên. Quan điểm của UBND thành phố Hà Nội là vẫn tiếp tục cho thực hiện dự án  này nhằm đảm bảo cam kết quốc tế, quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời không làm mất vẻ đẹp cảnh quan kiến trúc của khu vực, tránh gây những bức xúc không cần thiết trong dư luận. Cũng theo ông Nguyễn Văn Thịnh, dự án  khách sạn 4 sao SAS Hanoi Royal không phải vấn đề mới, mà đã được đề cập tới từ năm 1990 và đã được sự đồng ý của các cấp chính quyền lúc đó. Mọi thủ tục pháp lý của dự án đều đáp ứng đầy đủ, và đã được sự thống nhất phê duyệt của UBND thành phố Hà Nội.

Về việc dự án kéo dài đến nay, ông Nguyễn Minh Chung, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Du lịch Hà Nội cho biết, dự án này đã được bắt đầu từ cuối năm 1989, đầu 1990, khi Nhà nước ta đang tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Mỹ chưa bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Tuy nhiên, cho mãi tới tháng 6/2008 mới khởi công. Lý do chủ yếu làm chậm dự án là do công tác giải phóng mặt bằng, quỹ nhà tái định cư gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng Hà Nội chỉ giao được 10.300 m2/15.300 m2 cho đối tác Thụy Điển. Tổng vốn điều lệ (vốn pháp định) là 12 triệu USD, trong đó phía nước ngoài góp 8,4 triệu USD (bằng 70%), và phía Việt Nam góp 3,6 triệu USD (30%), bằng quyền sử dụng hơn 10.000m2 đất gần công viên Thống Nhất, trong 20 năm.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Chung, thời kỳ đầu đàm phán là phía Việt Nam góp 1,8 triệu USD, bằng 15.300 m2 đất sử dụng trong 20 năm, nhưng sau nhiều lần đàm phán lại, mức vốn đóng góp của Việt Nam đã được tăng lên gấp đôi, bằng 3,6 triệu USD với 10.300 m2 đất sử dụng trong 20 năm. Đây cũng là một thắng lợi trong đàm phán của phía Việt Nam.  Tổng Cty Du lịch Hà Nội là Cty 100% vốn nhà nước nên việc liên doanh xây khách sạn 4 sao SAS Hanoi Royal của đơn vị chính là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố giao, theo đúng chỉ đạo, không hề phục vụ cho một mục đích tư túi nào.

Khách sạn SAS Hanoi Royal tiêu chuẩn 4 sao với gần 400 phòng, liên doanh giữa Tổng Công ty du lịch Hà Nội và đối tác SIH Investment Limited, Thụy Điển. Tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, vốn pháp định 12 triệu USD. Dự kiến khi hoàn thành vào cuối năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, khách sạn sẽ là một điểm nhấn, tạo bước đột phá cho ngành Du lịch Thủ đô, góp phần đạt mục tiêu thu hút 6 triệu khách quốc tế vào năm 2010 của Việt Nam. Ngoài ra, khách sạn cũng sẽ đáp ứng kịp thời một phần sự thiếu hụt nguồn cung về cơ sở lưu trú chất lượng cao cho Hà Nội, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên