Báo Tiếng nói Việt Nam tròn 20 tuổi

VOV.VN -Với tuổi 20 tràn đầy sức sống, trên bệ đỡ vững chắc và truyền thống huy hoàng của VOV, tờ Tuần báo TNVN sẽ có bước phát triển mới mạnh mẽ.

Ngày tháng đầu nhớ lại

1- Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng CSVN năm 1996, tôi trúng cử BCH Trung ương Đảng và được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Đấy là thời điểm tròn 10 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đó cũng là chặng đường 10 năm đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước với bước phát triển mạnh mẽ của nền báo chí nước nhà; từ đổi mới về quan niệm thông tin, cách thức thông tin, chất lượng thông tin tới phương tiện thông tin. Nhiều cơ quan báo chí mới ra đời, nhiều ấn phẩm báo chí mới xuất hiện.

TGĐ Trần Mai Hạnh, thay mặt Lãnh đạo Đài TNVN báo cáo với Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm về Chương trình hành động của Đài Quốc gia. 
Cuộc cách mạng về công nghệ thông tin, đặc biệt sự xuất hiện của internet và bước phát triển mạnh mẽ của truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam mở thêm nhiều kênh mới, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có đài truyền hình... Cùng với đó, là sự mở cửa hội nhập, với luồng thông tin quốc tế tràn vào. Tình hình đó đặt ra những thách thức gay gắt mà Đài TNVN phải vượt lên để giữ vững vị trí là một trong những cơ quan báo chí, truyền thông quan trọng nhất, hoàn thành vai trò và sứ mạng chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

2. Tháng 2/1997, tại Hội nghị tổng kết năm 1996 và bàn phương hướng chặng đường sắp tới của Đài TNVN, lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết của Hội nghị, trong phát biểu tổng kết tôi đã nêu rõ những thách thức gay gắt và quyết tâm cùng phương hướng mà Đài TNVN phải vượt lên để xứng đáng với truyền thống huy hoàng của mình. Tại Hội nghị của Ban Lãnh đạo Đài TNVN ngay sau đấy, tôi đưa ra chủ trương cần xây dựng Đài TNVN trở thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện. Thực chất là xây dựng một tập đoàn truyền thông. Nhưng vì thời điểm đó, khái niệm “Tập đoàn truyền thông” chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp nhận, nên tôi dùng khái niệm “Tổ hợp truyền thông đa phương tiện”. Tập thể Ban Lãnh đạo Đài đã thảo luận rất kỹ và thống nhất rất cao với phương hướng được xác định là: Tập trung nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền trên sóng phát thanh, coi tuyên truyền trên sóng phát thanh là quan trọng nhất, “cốt tử” nhất, đồng thời mở ra các phương tiện truyền thông mới để hỗ trợ cho sóng phát thanh. Hai phương tiện truyền thông mới được Lãnh đạo Đài TNVN quyết định mở ra đầu tiên là: Xuất bản tờ Tuần báo Tiếng nói Việt Nam; Đưa chương trình phát thanh lên internet và xuất bản tờ Báo điện tử của Đài TNVN VOVNEWS, sau đổi tên là VOV.VN.

TGĐ, Tổng biên tập Trần Mai Hạnh chủ trì cuộc họp tại Tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam. 
Đồng thời Lãnh đạo Đài cũng quyết định nhanh chóng mở thêm 2 cơ quan thường trú phát thanh ở trong nước, một ở khu Tây Bắc đặt tại Sơn La, một tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Cần Thơ và xúc tiến ngay việc nghiên cứu, xin phép mở cơ quan thường trú Đài TNVN ở nước ngoài. Mục đích mở thêm cơ quan thường trú trong nước và lần đầu tiên mở cơ quan thường trú phát thanh ở nước ngoài với đầy đủ ý nghĩa, chức năng, nhiệm vụ của nó là nhằm tăng nguồn thông tin phong phú, hấp dẫn (cả chữ viết và âm thanh) cung cấp cho các chương trình trên sóng phát thanh và các phương tiện thông tin mới của Đài là Tuần báo Tiếng nói Việt Nam và Báo điện tử VOV.VN.

Kết quả là, ngay trong năm 1998, Tờ Tuần báo Tiếng nói Việt Nam đã ra mắt độc giả cả nước; các cơ quan thường trú Đài TNVN tại Sơn La, Cần Thơ, Thái Lan và Pháp đã làm lễ khai trương, và một thời gian ngắn sau đó - ngày 3/2/1999, tờ Báo điện tử VOV.VN cũng chính thức ra mắt và là một trong những tờ báo điện tử đầu tiên ở nước ta.

3. Cái mới và chưa có tiền lệ (như Đài TNVN lại xuất bản báo in, đi tiên phong xuất bản báo điện tử, mở cơ quan thường trú Đài TNVN ở nước ngoài…) thường bên cạnh thuận lợi có không ít khó khăn. Riêng về tờ Tuần báo Tiếng nói Việt Nam, khó nhất chính là việc xin giấy phép xuất bản. Lúc đầu các đồng nghiệp báo bạn, nhất là Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Bộ Văn hoá - Thông tin chưa đồng tình và thấy khó chấp nhận việc Đài TNVN lại xuất bản báo in.

Vì tôi từng làm báo viết hơn 30 năm, từng làm Phó Tổng biên tập thường trực và Tổng biên tập các báo: Tuần Tin Tức, Tin Tức Buổi Chiều của Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Người làm báo và Báo Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam nên Ban Lãnh đạo Đài TNVN phân công tôi viết Đề án xây dựng và tờ trình xin phép xuất bản và trực tiếp làm Tổng Biên tập Tuần báo Tiếng nói Việt Nam. Lập luận chính trong tờ trình xin giấy phép tôi nêu lên là, hằng ngày Đài TNVN phát 24/24 giờ trên nhiều hệ phát thanh, cả sóng AM, FM với nhiều bài vở rất giá trị, đặc biệt có nhiều điển hình tốt, nhiều kinh nghiệm quý, nhiều cách làm ăn mới rất hiệu quả mà bạn đọc, đặc biệt là bà con nông dân cả nước muốn tìm hiểu, học và làm theo nhưng không có văn bản nội dung. Hằng tuần Ban bạn nghe Đài nhận được hàng trăm thư bạn đọc cả nước gửi về xin nội dung các bài đã phát thanh trên Đài. Đáp ứng nhu cầu chính đáng đó, đã đến lúc Ban Lãnh đạo Đài TNVN thấy thật sự cần thiết xin phép xuất bản một tờ tuần báo để in lại những bài có giá trị nhất, thiết thực nhất đã phát thanh trong tuần.

Sau một thời gian không ngắn kiên trì trình bày, thuyết phục, Đài TNVN được phép xuất bản tờ tuần báo. Tôi nhớ, vào đầu giờ một buổi chiều, anh Đỗ Quý Doãn, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Bộ Văn hoá - Thông tin gọi điện mời tôi sang cơ quan anh về vấn đề giấy phép xuất bản tờ tuần báo. Tôi sang ngay. Tiếp tôi, anh Phan Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT và anh Đỗ Quý Doãn cho biết, sau khi có ý kiến của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Bộ VH-TT ủng hộ và quyết định cấp giấy phép để Đài TNVN xuất bản tờ Tuần báo. Nhưng Bộ trưởng Bộ VH-TT Nguyễn Khoa Điềm có ý kiến về tên gọi của tờ tuần báo; cụ thể là, không dùng tên Tuần báo Tiếng nói Việt Nam như Đài đề nghị mà sửa là: Tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam. Thêm chữ “Đài” cho rõ nghĩa Tuần báo của Đài TNVN, nếu chỉ dùng Tiếng nói Việt Nam thì nghĩa rộng và trùm phủ quá.

Tôi rất tiếc không giữ được tên báo Tiếng nói Việt Nam rất hay, nhưng nghĩ có giấy phép xuất bản là quan trọng, sau này trong quá trình phát triển, đến lúc thích hợp sẽ xin đổi lại tên báo cũng được. Tôi đồng ý, và ngay lúc đó Giấy phép xuất bản Tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam được Vụ Báo chí - Xuất bản, Bộ VH-TT soạn thảo, trình Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm ký, đóng dấu và xuất bản ngay trong buổi chiều đó.

4. Cầm được Giấy phép rồi nhưng việc xuất bản tờ tuần báo rất không đơn giản. Báo nói và báo viết rất khác nhau, không dễ dàng gì chuyển một bài trên sóng phát thanh sang văn bản để in trên tờ tuần báo. Chương trình phát trên sóng ào qua tức thì, có sơ xuất gì thì dễ dàng xin lỗi hay sửa lại. Nhưng báo giấy in ra, văn tự là còn lại mãi đó. Phóng viên bản đài lại hầu hết quen tác nghiệp bằng loại hình báo nói. Để bước đầu giải quyết bất cập này, Lãnh đạo Đài khi đó quyết định chọn một số phóng viên không chỉ giỏi về làm báo phát thanh mà còn giỏi về báo viết, đã có nhiều bài viết in trên các báo về làm cán bộ, phóng viên, biên tập của tờ tuần báo.

Ngày 5/8/1998, tôi ký Quyết định thành lập Tòa soạn Tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam do tôi làm Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập là chị Nguyễn Thị Kim Cúc (Phó TGĐ Đài) và anh Hoàng Trọng Đan (Trưởng Ban Thời sự của Đài). Ban Phóng viên - Biên tập là các nhà báo Trần Sơn Ngọc, Đoàn Quang, Phạm Trung Tuyến. Để chặt chẽ và chuẩn mực về câu chữ, Lãnh đạo Đài khi đó quyết định mời ba nhà báo, nhà văn có tiếng của Đài mới nghỉ hưu làm “cố vấn” về câu chữ để biên tập,... rà soát lại tất cả các tin, bài trước khi chuyển họa sĩ trình bày và đưa đi nhà in. Đó là nhà thơ Trần Nhật Lam, Trưởng Ban Văn nghệ, nhà văn Trần Phương Trà (Trần Nguyên Vấn) và nhà báo Trần Thiên Nhiên, phóng viên kỳ cựu của Ban Thời sự.

Tôi chỉ đạo họa sĩ thiết kế măng-séc báo, trình bày các chuyên mục, dàn trang in thử 2 số báo, mỗi số đầy đủ 20 trang, khuôn khổ như hiện nay và đưa ra các buổi tọa đàm để tranh thủ ý kiến của cán bộ, phóng viên chủ chốt của toàn Đài đóng góp cho tờ tuần báo…

5. Ngày 2/11/1998, Tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam số 1 ra mắt trong sự đón đợi nồng nhiệt của bạn đọc. Nhờ uy tín của Đài TNVN và mối quan hệ mật thiết, rộng khắp của phóng viên bản Đài, đặc biệt là của Ban Kinh tế và Ban Thời sự nên tờ Tuần báo không những được bán với số lượng lớn mà còn thu hút được rất nhiều quảng cáo. Nhiều số báo phải in thêm từ 4 tới 8 trang phụ quảng cáo màu mới đảm bảo được hợp đồng. Nhiều bài báo hay, giàu tính phát hiện, đặc biệt là các bài điều tra công phu chống tham nhũng, tiêu cực đăng trên tờ Tuần báo đồng thời được đọc trang trọng trong chương trình thời sự của Đài đã gây chấn động dư luận, góp phần làm nên uy lực của sóng phát thanh. Ví dụ bài “Kỳ án bà Dương Thị Nga” đã giành giải A (giải nhất) Giải báo chí Hội Nhà báo Việt Nam, được nêu lên tại Phiên họp toàn thể của Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án Toà án nhân dân Hà Nội có chỉ thị và ý kiến hoan nghênh sự việc và vấn đề mà bài báo nêu lên…

Còn nhiều giải thưởng báo chí và nhiều bài báo xuất sắc khác mà Báo Đài Tiếng nói Việt Nam đã gặt hái được trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của mình, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của Đài TNVN mà trong phạm vi một bài viết ngắn tôi không nêu hết được.

Kỷ niệm 20 năm Ngày Tuần báo Tiếng nói Việt Nam xuất bản số đầu tiên, chúng ta ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Lãnh đạo Đài TNVN qua các thời kỳ, ghi nhận sự đóng góp tâm sức, trí tuệ của các đồng chí Tổng biên tập, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Đài TNVN và các cộng tác viên cả nước vào chặng đường xây dựng và phát triển của tờ tuần báo.

Với tuổi 20 tràn đầy sức sống, trên bệ đỡ vững chắc và truyền thống huy hoàng của Đài TNVN, chắc chắn tờ Tuần báo Tiếng nói Việt Nam sẽ có bước phát triển mới mạnh mẽ, vượt qua thách thức, tiến lên phía trước. Trong cơn bão thông tin toàn cầu, trong sự chạy đua tin tức từng phút, từng giây của báo điện tử, trong sự bùng nổ và tương tác của mạng xã hội với số lượng khổng lồ người tham gia, thật sự đã đến lúc nghĩ đến việc cần thiết có một tờ báo điện tử (Tiengnoivietnam online) bên cạnh tờ tuần báo in Tiếng nói Việt Nam và một tờ Tạp chí xuất bản hằng tháng (thêm một ấn phẩm của tờ Tuần báo). Tại sao không?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Báo Tiếng nói Việt Nam: Tuổi hai mươi - Nâng tầm nhìn và dáng vóc
Báo Tiếng nói Việt Nam: Tuổi hai mươi - Nâng tầm nhìn và dáng vóc

VOV.VN - "Đến hôm nay, lật giở những trang báo vẫn thấy điều gì đó mới mẻ, lại nhuốm màu thời gian, lòng người không khỏi xao xuyến, bồi hồi".

Báo Tiếng nói Việt Nam: Tuổi hai mươi - Nâng tầm nhìn và dáng vóc

Báo Tiếng nói Việt Nam: Tuổi hai mươi - Nâng tầm nhìn và dáng vóc

VOV.VN - "Đến hôm nay, lật giở những trang báo vẫn thấy điều gì đó mới mẻ, lại nhuốm màu thời gian, lòng người không khỏi xao xuyến, bồi hồi".

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 73 năm ngày thành lập VOV
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 73 năm ngày thành lập VOV

VOV.VN - Sáng 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự lễ kỷ niệm 73 năm thành lập Đài TNVN (VOV) và trao danh hiệu Anh hùng cho Đài PT Giải Phóng.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 73 năm ngày thành lập VOV

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 73 năm ngày thành lập VOV

VOV.VN - Sáng 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự lễ kỷ niệm 73 năm thành lập Đài TNVN (VOV) và trao danh hiệu Anh hùng cho Đài PT Giải Phóng.