Cánh sóng từ hang Ngườm Chiêng

VOV.VN - Suốt 12 năm (1966-1978), Đài A3 đặt tại khu vực hang Ngườm Chiêng, xóm Bình Lang, xã Đình Minh (nay là xóm Bó Đa, thị trấn Trùng Khánh) huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng nối mạch sóng Đài TNVN vững vàng qua mưa bom, bão đạn.

 

Nhân lễ đón nhận Di tích Đài TNVN tại hang Ngườm Chiêng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia tổ chức tại Cao Bằng ngày 30/3/2022, phóng viên VOV đã gặp gỡ những nhân chứng lịch sử từng góp phần giữ cho cánh sóng TNVN vang xa từ di tích hang Ngườm Chiêng.

“Lúc máy bay Mỹ đánh vào Đài Mễ Trì, chúng tôi được lệnh lên máy và phát. Trước đấy chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị, khi được điện báo viên báo, chúng tôi lên máy luôn. Bấm lên cao áp, từ lên cao áp, chuẩn máy các kiểu được có tiếng “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội…” là 9 phút, tôi trực tiếp ở máy. 2 chị em trực chúng tôi ôm nhau reo lên, xúc động, lúc ấy cảm giác sung sướng lắm”....

Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Tâm (79 tuổi, cựu cán bộ kỹ thuật của Đài A3 hiện đang sống ở thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) thì thời khắc Đài A3 lên sóng lần đầu  mãi vẹn nguyên trong ký ức.

Năm 1966, trước việc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, khu vực hang Ngườm Chiêng thuộc xóm Bình Lang, xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh, cách biên giới Việt –Trung chừng mười cây số đã được Đài TNVN chọn làm nơi đặt Đài phát sóng dự phòng. Từ những năm 1966 đến năm 1968, hàng chục nghìn lượt cán bộ, nhân dân Cao Bằng đã cùng nhau phá đá, mở núi, xây dựng nhà cửa, lắp đặt thiết bị với tên gọi Công trường K50. Trong đó, riêng hệ thống máy thu, phát đã được đặt trong hang Ngườm Chiêng, một hang đá lớn xuyên qua núi Cò Mạ. Năm 1968, viêc xây dựng Đài A3 cơ bản hoàn thành, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

5h5' ngày 19/12/1972, Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì trúng bom B52, nhưng chỉ 9 phút sau, A3 cùng các Đài dự phòng khác đã đồng loạt phát sóng, nối lại "Tiếng nói Việt Nam". Để có được kỳ tích ấy không chỉ là sự chuẩn bị chu đáo của Đảng, Nhà nước, của Đài TNVN mà còn có sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của những cán bộ Đài A3 cùng nhân dân Cao Bằng.

Ông Nông Thế Hải, chồng bà Nguyễn Thị Tâm và cũng là một trong 6 cán bộ khung của A3 kể lại: khi hoàn thành, Đài có khoảng 70-80 cán bộ, trong đó quá nửa là nữ và hầu hết là những người từ miền xuôi lên công tác, gắn bó với mảnh đất này. 

“Sau khi Đài Mễ Trì bị đánh bom, ngừng phát sóng, chúng tôi nhận được lệnh chuẩn bị lên sóng. Máy móc đều đã sẵn sàng, nguồn điện là khó khăn nhất thì cũng đã sẵn sàng. Chúng tôi lên sóng đúng kịp thời gian, sau 9 phút Đài phát sóng Mễ Trì tắt do trúng bom thì Đài A3 cùng các Đài dự phòng đã kịp thời lên sóng. Sau đó chúng tôi phát sóng liên tục. Tôi cho rằng ý nghĩa lớn nhất là chúng tôi đã bảo vệ được tiếng nói của Đảng và góp phần xây dựng nên lịch sử của Đài TNVN”- ông Hai nói.

Nhớ lại sự kiện này, Trung tá Nguyễn Quân, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng, Trường Đảng Tổng cục Hậu Cần, Quân đội Nhân dân VN cho biết: Năm 1972, ông là Phó Chính ủy một Trung đoàn xe vận tải, thuộc Đoàn 559 tại chiến trường miền Nam, khi đó, Đài TNVN là một kênh thông tin quan trọng, góp thêm niềm tin chiến thắng cho những người chiến sỹ: Trung tá Quân kể: “Khi máy bay Mỹ đánh Đài phát sóng Mễ Trì, tưởng rằng giặc phá được sóng phát thanh của mình, nhưng Đài TNVN chỉ mất có 9 phút, rồi lại tiếp tục có những tin tức phát đi. Qua đó, chúng tôi rất phấn khởi, bởi chúng ta đã không chỉ thắng trên chiến trường mà còn chiến thắng cả trên mặt trận truyền thông, tin tức, chúng ta vẫn duy trì để cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội”.

Đài A3 đã hoạt động liên tục suốt ngày đêm cho đến khi Đài phát sóng Mễ Trì khôi phục hoàn toàn. Sau đó, Đài A3 tiếp tục nhiệm vụ phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đi Châu Âu và một số khu vực. Năm 1978, Đài A3 được lệnh rút về Hà Nội.

Ngày 29/6/2021, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký quyết định công nhận Di tích Đài TNVN tại hang Ngườm Chiêng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Vẫn còn đó dấu tích của những công trình như nhà kho, nhà máy, khu nhà ăn, nhà tập thể. Đặc biệt là hang Ngườm Chiêng xuyên qua núi Cò Mạ như minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đáng tự hào nơi mảnh đất biên cương này. Đồng thời, di tích Ngườm Chiêng cũng hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trên tuyến đường tham quan Công viên địa chất toàn cầu và thác Bản Giốc.

Bà Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Đài TNVN đóng ở đây là một vinh dự cho huyện Trùng Khánh, người dân nơi đây rất tự hào, bây giờ được công nhận là di tịch Lịch sử Quốc gia thì lại càng tự hào thêm. Phát triển du lịch là một trong 3 chương trình trọng tậm của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ này, với di tích Ngườm Chiêng chúng tôi sẽ quan tâm đầu tư. Hiện huyện đã thành lập Ban Quản lý khu di tích để giữ cảnh quan môi trường và  phát triển du lịch”.

Từ Ngườm Chiêng, vượt qua bom rơi đạn nổ, làn sóng Tiếng nói Việt Nam đã vững vàng vượt qua gian khó, nối dòng tin tức đến mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hình ảnh di tích Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán trong kháng chiến
Hình ảnh di tích Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán trong kháng chiến

VOV.VN -Hang Trầm là địa điểm sơ tán đầu tiên của VOV khi rời Hà Nội để tiếp tục công tác phát thanh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hình ảnh di tích Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán trong kháng chiến

Hình ảnh di tích Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán trong kháng chiến

VOV.VN -Hang Trầm là địa điểm sơ tán đầu tiên của VOV khi rời Hà Nội để tiếp tục công tác phát thanh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Khánh thành Bia di tích Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Trầm
Khánh thành Bia di tích Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Trầm

VOV.VN - Sáng nay (23/8) đã diễn ra lễ khánh thành Bia di tích Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Khánh thành Bia di tích Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Trầm

Khánh thành Bia di tích Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Trầm

VOV.VN - Sáng nay (23/8) đã diễn ra lễ khánh thành Bia di tích Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.