Đã đến lúc VOV phải thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt
VOV.VN - Tư duy cần phải thay đổi… Thay đổi ở đây là thay đổi về cách tiếp cận thông tin và đưa thông tin đến thính giả, khán giả, độc giả.
Dịp này năm ngoái, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2015), chúng tôi được mời về thủ đô Hà Nội dự lễ. Đài còn tặng món quà ý nghĩa: một chiếc radio dáng xưa.
Các biên tập viên VOV chuẩn bị cho một buổi lên sóng |
Bồi hồi xúc động về lịch sử 70 năm vẻ vang của Đài mà bản thân mình đã tham gia gần 40 năm… Lại ngẫm nghĩ về cách làm đài bây giờ. Chợt nảy ra vế đối: "Đài tặng đài không để nghe đài”. Xướng lên cho các đồng nghiệp cùng nghe, có người cười mỉm, có người đối lại, có người hẹn về sau…tri âm tri kỷ.
Năm nay, tháng Chín lại đến, vẫn nghĩ nhiều về Đài ta
Thực ra vế đối năm ngoái chỉ chất chứa một ý: Ngày nay không nhiều người còn nghe đài bằng radio nữa. Người nghe đã khác xưa. Tặng 1 radio dáng cổ gợi lại cái thời nhà nhà ôm đài, người người ôm đài, là một vật kỷ niệm đáng giá. Nhưng tư duy thì cần phải thay đổi… Thay đổi ở đây là thay đổi về cách tiếp cận thông tin và đưa thông tin đến thính giả, khán giả, độc giả.
Trước hết, cần gác sang một bên lời khẳng định hào nhoáng: Đài là cơ quan duy nhất có đủ 4 loại hình báo chí. Cần thẳng thắn xem lại các loại hình đó thu hút được bao nhiêu thính giả, khán giả, độc giả. Cần có một cuộc điều tra, nghiên cứu khách quan về số lượng thính giả, khán giả, độc giả và chất lượng phục vụ thực chất của đài ta và tác động chi phối dư luận đến đấu. Xin đừng chung chung rằng Đài đã phủ sóng 99%,…khu dân cư, để rồi tiếp tục “yên tâm công tác”. Hãy đặt mình là một thính giả hàng ngày phải lo sinh kế, bên cạnh đó lại phải chịu sự tác động của những dòng thác thông tin ngoài luồng thì chúng ta cần làm gì để “xin quý vị đừng rời máy thu thanh…..” .
Cần phải đối diện với thực tế về số lượng người nghe, cách nghe đài hiện nay ở các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp, vùng nông thôn đang đô thi hóa, vùng sâu vùng xa…và biên giới hải đảo, các ngành nghề mới xuất hiện… Ta vẫn thường nói: Đối tượng phục vụ của đài là toàn dân. Nhưng chắc chắn “toàn dân” bây giờ khác hẳn “toàn dân" thời kháng chiến. Phải xác định cho được những "khác" đó.
Bên cạnh đó phải dám xác định "thị phần” mà Đài ta đang có và phấn đấu để có trong hệ thống báo đài hiện nay. Muốn hay không thì hiện nay vẫn phải cạnh tranh. Chúng ta có dám đặt mình vào hoàn cảnh tồn tại hay không tồn tại nếu Đài phát thanh, phát hình, in báo ra mà số người nghe, người xem, người đọc không đáp ứng được yêu cầu? Gay gắt như thế là để không chần chừ đổi mới nữa.
Bây giờ xin nói một số điểm cụ thể hơn
Trước hết về thời lượng phát thanh. Thời lượng như hiện nay cần xem lại có dư dả quá không? Giả sử như còn lại một nửa thì có tập trung và chắt lọc hơn không? Theo chúng tôi nên mạnh dạn điều chỉnh lại theo hướng cái gì thính giả thật cần (và sẽ cần) thì củng cố đầu tư nâng cao chất lượng. Cái gì có cũng được không có cũng chẳng sao, trùng lắp với mình và với người thì kiên quyết bỏ. Cũng không nên tiếc những chỗ mà đài yếu thế. Rà soát lại các chuyên mục, tiết mục, tiểu mục với yêu cầu thường xuyên đổi mới cách dẫn, cách đọc, cách cấu tạo chương trình.
(Thông tin để cùng chia sẻ: Tiêu chí để đánh giá làm đài của chúng ta đã từng khẳng định là: nhanh-đúng-trúng-hay. Thử hỏi trong các yếu tố đó thì cái nào cơ bản nhất? Rằng trong thực tiễn tác nghiệp thì ưu tiên nào nổi lên? Ở vị trí của Đài ta thì nội hàm "đúng" là thế nào? Phải chăng đúng là phải đảm bảo thông tin đúng bản chất sự việc và chuyển tải được tư tưởng có tính định hướng? Thực ra trong 4 tiêu chí trên thì 3 yếu tố: nhanh-trúng-hay là tương đối, đúng là tuyệt đối.
Lại có một có ý kiến cho rằng chất lượng đài ta phải là chất lượng trung ương. Nghĩa là các sản phẩm chương trình của đài phát ra phải đảm bảo chuẩn mực công tác tư tưởng của Trung ương. Ví dụ như: đài cần có biên tập viên đủ sắc sảo để diễn giải giản dị cho quảng đại thính giả hiểu được thế nào là “nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại”, hay chủ trương của chúng ta là “kiên trì, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”... Xin các bạn đồng nghiệp chỉ giáo. Người viết bài này chỉ đoán chắc một điều rằng một bài báo viết ra nếu không chứa đựng được một tư tưởng thì cũng tầm thường mà thôi!)
Về đội ngũ: Với sự thực thà vốn có của người Đài ta, thử rà soát lại hiện nay số lượng những người làm đài chưa rành việc có còn đông không? Những người có tài, có khả năng được được bao nhiêu người thành đạt? Không phải cho cá nhân mà cho thương hiệu của Đài. Rằng đến giờ đó, mục đó có cô phóng viên A, anh biên tập viên B nói về vấn đề đang được chờ đợi… Nhân đây cũng xin nói luôn: Cần xem lại cách tổ chức Hệ phát thanh, nay cũng đã đươc chục năm rồi. Cần tổng kết cái gì được cái gì chưa được.
Thoạt đầu nói tổ chức theo Hệ để phát huy tính chủ động. Nhưng còn việc đi sâu trong tổ chức theo dõi thông tin, sản xuất các sản phẩm phát thanh, các chuyên mục mang tính chuyên sâu, chuyên biệt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thể thao, văn hóa nghệ thuật. Nếu trong các hệ lại tổ chức theo mô hình để theo dõi các lĩnh vực này thì nhân sự bao nhiêu cho đủ.
Đó chưa kể là sự liên thông trong đài, và mâu thuẫn với yêu cầu trung tâm tin là ngân hàng tin, bài cho các Hệ. Điều mà mô hình tổ chức theo kiểu Bộ biên tập- Ban biên tập đã đáp ứng được tính chuyên sâu kể trên.
Đó là chưa kể là để thực hiện tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí thì đội ngũ lãnh đạo cơ quan đó phải xác lập được quan điểm thông tin, phong cách, giọng điệu thông tin, hình thức chuyển tải thông tin đến các đối tượng, đặc biệt là ở các sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Những quyết định đó lại cần thông qua nghiên cứu thực tiễn và phản biện của tập thể những người làm báo.
Mô hình tổ chức nào thì cũng có mặt mạnh mặt yếu, nhưng nên dứt khoát với mô hình hành chính áp đặt cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.
Thôi, nói cũng đã nhiều, xin được dừng lời. Kẻ “Lão giả an chi này” xa việc ở Đài cũng đã lâu rồi. Nhưng cứ mỗi dịp tháng Chín về, nhẩm câu: "Đây là Tiếng Nói Việt Nam" lại xiết bao thương nhớ. Một thời tráng niên của các bạn và tôi. Xin ngả mũ trước những người muôn năm cũ của ĐÀI TA./.