Đài Phát thanh giải phóng-Niềm tự hào CP 90
VOV.VN -Với những đóng góp của mình, Đài phát thanh Giải Phóng vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Đây là Đài phát thanh Giải Phóng”, là lời xướng, niềm tự hào của những người đã từng làm việc cho Đài phát thanh Giải Phóng. Vào ngày 01/02/1962, tại cánh rừng Căn cứ Mã Đà, thuộc Chiến khu D, Đài Phát thanh Giải phóng - cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (mật danh là CP 90) chính thức phát đi những tiếng nói đầu tiên đến đồng bào cả nước và thế giới.
Được xây dựng trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, từ sự nỗ lực của lực lượng tại chỗ và đặc biệt là có sự hậu thuẫn tích cực của cán bộ nhân viên Đài Giải phóng A ở miền Bắc (56 Quán Sứ, Hà Nội), chỉ trong thời gian ngắn, đài đã phát 10 giờ mỗi ngày và bằng 5 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa và Khmer phục vụ đồng bào và chiến sĩ, phát qua phía đối phương và truyền đi nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển vượt bậc của báo chí cách mạng trên chiến trường miền Nam.
Một số PV, BTV Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: tư liệu của VOH) |
Với tinh thần của một người chiến sỹ cách mạng, phóng viên Đài Giải phóng luôn làm việc với tinh thần đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, đảm bảo bí mật. Tin tức từ mặt trận đưa về phải kịp thời, chính xác, thông tin nhanh nhất, Đài Phát thanh giải phóng A và B đã hỗ trợ cho nhau, tạo nên một làn sóng phát thanh giải phóng, khi phát lên thì không phân biệt đâu là A, đâu là B, mối quan hệ Bắc Nam hết sức chặt chẽ. Tin tức từ chiến trường đưa về qua điện báo viên được đảm bảo tuyệt mật.
Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Giải Phóng cho biết: “Mục tiêu của Đài phát thanh giải phóng là chính nghĩa, giác ngộ, làm cho thế giới hiểu về mình. Sức mạnh của phát thanh là sức mạnh cổ vũ khi nói về Đài phát thanh giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói “Đài Phát thanh giải phóng có đóng góp quan trọng như một sư đoàn mạnh để làm nên chiến thắng”. Còn theo sự đánh giá của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình “Đài Phát thanh giải phóng” có sức mạnh ngoại giao, hỗ trợ trên bàn đàm phán. Sức mạnh lớn hơn nữa là làm thức tỉnh lương tâm những người chưa hiểu về Việt Nam trên thế giới, kể cả người Mỹ”.
Phóng viên Kim Thanh (VOV1) phỏng vấn nhà báo Trần Đức Nuôi- nguyên phóng viên, biên tập viên Đài Phát thanh Giải Phóng. |
Trong ký ức của những người từng làm ở Đài phát thanh giải phóng, những kỷ niệm về Đài, về những đồng nghiệp, về những gian khổ, hiểm nguy không thể kể hết. Nhà báo Nguyễn Yến Tuyết bồi hồi nhớ lại, là người con của Quảng Ngãi, gia đình tập kết ra Bắc khi bà mới 5 tuổi. Suốt thời gian sống và học tập ở Hà Nội, bà luôn đau đáu hướng về quê hương, nơi đang phải chịu đạn bom của giặc Mỹ. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn-Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1969, bà Yến Tuyết nhận quyết định về CP 90, làm ở phòng A1, (phòng Thời sự).
Những năm tháng tuổi trẻ, bà đi nhiều nơi, viết nhiều bài về cuộc sống người dân, về những thương bệnh binh. Năm 1972, bà xung phong vào chiến trường miền Nam dự lễ trao trả tù binh khi vừa mới lập gia đình. 3 tháng vào chiến trường là khoảng thời gian vất vả, gian khổ và nhiều hiểm nguy rình rập, có những lúc cái chết cận kề nhưng tin tức từ chiến trường vẫn được thường xuyên cập nhật về Đài qua bộ phận kỹ thuật.
“Nói thật là chúng tôi không nghĩ đến cái chết bởi đã xung phong đi rồi thì sinh tử là lẽ tất nhiên. Thời đó, không chỉ đưa tin về miền Nam mà chúng tôi còn đi công tác nhiều nơi. Có những lần đến các đơn vị bộ đội, vào quân y viện, gặp những thương binh bị cụt cả 2 chân hoặc 2 tay, tội lắm. Tôi suy nghĩ, tại sao người ta có thể hy sinh nhiều đến vậy, mình lành lặn thế này thì không có gì là mình không làm được”- Bà Yến Tuyết chia sẻ.
Hơn 14 năm hoạt động, dù phải di chuyển nhiều nơi tránh sự phá hoại của giặc Mỹ nhưng Đài Phát thanh Giải phóng đã luôn giữ ổn định làn sóng, thông tin kịp thời tin tức chính xác theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Trong suốt những năm tháng gian khổ ấy, 24 cán bộ, phóng viên của Đài đã anh dũng hy sinh ngoài chiến trường. Đến ngày 31/8/1976, Đài chính thức giải thể, tuy nhiên, đó không phải là sự kết thúc, tập thể những người từng công tác ở Đài tỏa đi các đài địa phương và trung ương, tiếp tục phát huy tinh thần nhà báo chiến sỹ.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, từng làm ở phòng A1 (Phòng thời sự) Đài phát thanh Giải phóng A chia sẻ, vô cùng xúc động và tự hào khi hay tin, Đài Phát thanh Giải phóng được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đài phát thanh Giải phóng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng VTND
“Đài Phát thanh Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình từ năm 1976 nhưng giá trị tinh thần cũng như những chiến công, thành tích mà Đài Phát thanh Giải phóng đã gặt hái được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc còn vọng mãi đến ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào về những gì chúng tôi đã làm trong những năm công tác ở Đài Phát thanh Giải phóng. Những đóng góp, những thành tích và những chiến công đó sẽ trường tồn mãi cũng dân tộc để khẳng định vị thế của Đài trong công tác tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”- nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc chia sẻ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Đài phát thanh Giải phóng là vũ khí sắc bén, luôn luôn góp phần cổ vũ quân và dân ta trên các chiến trường; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu dũng cảm và mưu trí, đánh bại đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối, Nam - Bắc sum họp một nhà”.
Những chiến công mà các chiến sỹ làm báo nói năm xưa mãi mãi được các thế hệ sau ghi nhớ và học tập. Họ chính là những con người sống mãi cùng lịch sử ngành phát thanh Việt Nam và lịch sử dân tộc. Khi tuổi đã cao, họ vẫn ý thức giữ được truyền thống tốt đẹp, tiếp tục truyền lửa cho những thế hệ kế cận./.
Cuộc gặp mặt đầm ấm của các thế hệ Đài Phát thanh Giải phóng