Đài Phát thanh Giải phóng trong lòng bạn nghe đài
VOV.VN -Nhớ lại những thời khắc được cập nhật thông tin chiến trường từ Đài phát thanh Giải phóng, nhiều người đã không khỏi bồi hồi, xúc động.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, từ 1/2/1962 đến năm 31/8/1976, Đài Phát thanh Giải phóng với mật danh là CP 90 đã đóng góp quan trọng trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam. Đài như là người bạn cung cấp thông tin tuyên truyền, phản ánh tinh thần chiến đấu, nổi dậy đánh chiếm căn cứ địch, mở rộng vùng giải phóng tới các chiến sỹ và nhân dân. Những thông tin trên Đài phát thanh Giải phóng giúp các chiến sỹ và người dân phấn khởi, tin tưởng và quyết tâm chiên đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng. (Ảnh: Tư liệu VOH) |
Bác sỹ Bùi Xuân Quang, ngày ấy là quân y ở đoàn 26 Tăng thiết giáp Đông Nam bộ nhớ lại: Những năm kháng chiến, mỗi tiểu đoàn chỉ được cấp 1 chiếc đài của Hungary hay đài pin của Nhật. Là cán bộ quân y nên ông có thời gian nghe đài nhiều hơn, đặc biệt là vào lúc đêm khuya. Mỗi khi có thời gian và được nghe đài, nghe thấy tiếng phát thanh viên cất lên, ông và các chiến sỹ chen nhau, nín lặng để nghe tin. Đó là những bản tin chiến đấu, tin chiến thắng từ các vùng lân cận, tin về sản xuất ở vùng giải phóng. Tin trên Đài phát thanh giải phóng thời ấy là những thông tin sớm nhất.
“Nghe Đài giải phóng như là bữa ăn, thiếu radio nên khi nghe thì như uống từng lời phát thanh viên. Đưa tin sốt dẻo, chính xác. Đối với miền Nam, những tin thắng trận nào hầu như được chuyển ra phát ngay ở đài giải phóng, cán bộ chiến sỹ và đồng bào miền nam nghe phấn khởi, giúp chúng tôi tin tưởng quyết tâm chiến đấu để giải phóng miền nam thống nhất đất nước”- bác sỹ Bùi Xuân Quang xúc động kể.
Không chỉ đưa những bản tin về chiến đấu, chiến thắng ở vùng kháng chiến, Đài phát thanh Giải phóng còn phát chương trình đọc truyện đêm khuya, chia sẻ những câu chuyện thực tế ở chiến trường mà quân và dân phải trải qua, có những bản tin đọc chậm để dân có thể nghe chậm hiểu sâu và có thể chép lại… Đặc biệt là chương trình ca nhạc sau mỗi bản tin, phát những bài hát khích lệ tinh thần chiến đấu, yêu quê hương đất nước của các chiến sỹ và nhân dân.
Bà Hồ Thủy ở TP HCM nhớ lại: Bà theo cha làm giao liên từ năm 14 tuổi, vì cha làm trong ngành quân báo nên mới có đài để nghe tin thời sự. Hồi đó còn trẻ nên ngoài việc cập nhật tin thời sự để có ý thức về lòng yêu nước, hiểu rằng ai là kẻ thù thì bà thích nhất là nghe chương trình ca nhạc. Những bài hát như: Tự nguyện, Dậy mà đi, Bài hát người mẹ bàn cờ… đã giúp khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ, thúc đẩy phong trào sinh viên học sinh yêu nước sôi nổi.
“Hồi đó ở Sài Gòn phong trào sinh viên học sinh rất sôi nổi. Do những bài hát nghe qua sóng Đài phát thanh Giải phóng mà phong trào học sinh sinh viên cũng lớn mạnh. Những bài hát thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn. Bài hát “Tự nguyện” hầu như sinh viên, học sinh nào cũng thuộc”- bà Hồ Thủy kể.
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, làn sóng của Đài phát thanh Giải phóng không chỉ thân thuộc với người dân và các chiến sỹ ở chiến trường miền Nam mà còn là người bạn với người dân và chiến sỹ miền Bắc.
Với mỗi tin chiến thắng ở chiến trường phát trên Đài khẳng định thêm cho người dân và các chiến sỹ niềm tin tưởng ngày miền Nam giải phóng đang đến gần. Bởi nhiều gia đình ở miền Bắc có con đang tham gia chiến đấu trong chiến trường miền Nam nên họ cũng thường xuyên cập nhật thông tin, ngóng chờ từng tin chiến thắng của chiến trường, mong ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Vì vậy, buổi sáng ngày 30/4/1975, khi nghe trên Đài Phát thanh Giải phóng phát đi liên tục tuyên bố đơn phương của Tổng thống Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn và chờ cách mạng vào để bàn giao chính quyền, người dân đã xuống đường chào đón cách mạng và kỷ niệm ngày trọng đại: Bắc - Nam sum họp một nhà…
Phóng viên Kim Thanh (VOV1) phỏng vấn Nhà báo Đình Khải. |
Nhà báo Đình Khải, khi đó đang là phát thanh viên của Đài TNVN kể lại: khi người dân nghe tin trên Đài giải phóng thì vỡ òa hạnh phúc. Đây là hạnh phúc của một đất nước nhưng cũng là hạnh phúc của từng gia đình, bởi ngày đoàn tụ đến thật gần.
“Hôm ấy khi nghe tin giải phóng Miền nam, cán bộ chúng tôi tại Đài TNVN ở 58 Quán Sứ reo hò vang dội mừng cho đất nước giải phóng. Giải phóng ở Sài Gòn là buổi trưa, khi nghe tin giải phóng, người dân tràn ra đường, họ hò hét vui sướng, thống nhất đất nước là nguyện vọng chung của toàn dân tộc và liên quan đến nhiều gia đình khi con em của họ đang là chiến sỹ ở chiến trường ấy, đất nước thống nhất hòa bình giải tỏa mọi việc, phấn khởi từng nhà”- nhà báo Đình Khải nói.
Đài phát thanh Giải phóng đã hoàn thành sứ mệnh của mình sau 14 năm 7 tháng (1/2/1962-31/08/1976). Đây là khoảng thời gian không dài nhưng làn sóng của Đài như là một người bạn thân thiết với các chiến sỹ và người dân trên cả nước, giúp khích lệ tinh thần của người dân và các chiến sỹ có thêm động lực để chiến đấu, với niềm tin sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
Đài Phát thanh Giải phóng - Những năm tháng không quên