Khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển đảo qua làn sóng phát thanh
VOV.VN - Ngày 1/9/2021, Đài phát sóng khu vực Nam Trung bộ bắt đầu phát sóng cho khu vực Biển Đông và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Đây là một dự án của Đài TNVN hoàn thành “mục tiêu kép”; vừa đảm bảo mục tiêu về kinh tế xã hội, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng.
Làm đảo xa và đất liền xích lại gần nhau
Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh Ninh Thuận, sau gần 1 năm thi công, Đài phát sóng khu vực Nam Trung bộ đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và kỷ niệm 76 năm thành lập Đài TNVN.
Trước đây, Đài TNVN đã phủ sóng trên khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước và nhiều khu vực trọng điểm trên thế giới. Tuy nhiên, các khu vực biển đảo thì còn nhiều hạn chế. Nếu như trong đất liền không có phát thanh thì sẽ có truyền hình hay internet và nhiều thiết bị nghe, xem khác. Nhưng khi cách đất liền hàng trăm hải lý, do giới hạn về mặt địa lý, công nghệ, các loại hình truyền thông khác không phủ sóng đến các khu vực này mà chỉ có sóng phát thanh phủ sóng từ tầm xa trong đất liền mới đáp ứng được.
Trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự và chủ quyền quốc gia trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc tăng cường năng lực phát sóng các chương trình phát thanh của Đài TNVN để tuyên truyền chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là việc làm cấp thiết, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khẳng định chủ quyền Quốc gia trên biển thông qua làn sóng phát thanh.
Đảo Trường Sa và đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa là 2 đảo đầu tiên bắt sóng Đài TNVN với tần số mới qua Đài phát sóng Khu vực Nam Trung bộ. Thượng tá Đinh Văn Cường, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, trước đây, hệ thống ăng-ten phát sóng FM của Đài TNVN xây dựng trên đảo Trường Sa đã nối dài cánh sóng “Tiếng nói Việt Nam” đến với quân dân trên đảo. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ngoài đảo nên đôi khi không thể bắt sóng được các chương trình. “Từ 5h45 sáng 1/9, trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã thu được sóng của Đài TNVN phát trên tần số 1071 từ trong đất liền qua thiết bị radio và nghe rất rõ giúp cho cán bộ, chiến sĩ cập nhật được tin tức một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn”, Thượng tá Đinh Văn Cường chia sẻ.
Thượng tá Lê Trọng Thông, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết, hiệu quả hoạt động của việc phát sóng Đài TNVN tại đảo rất tốt, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo nghe được các thông tin thời sự quan trọng, đồng thời ngư dân cũng biết được những thông tin bổ ích trong quá trình đánh bắt trên biển: “Qua thời gian phát sóng thử nghiệm và chính thức từ ngày 1/9, chất lượng phát sóng đảm bảo tốt, các phương tiện thu phát trên đảo thu được rõ nét. Công trình này là cầu nối làm cho đảo xa và đất liền xích lại gần nhau hơn, góp phần cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng trên đảo, kể cả ngư dân đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa nắm và hiểu rõ hơn về đường lối chủ trương của Đảng”.
Nâng cao ý thức của chiến sĩ và ngư dân trong việc bảo vệ biển, đảo
Trong nhiều năm qua, Đài TNVN đã nỗ lực phủ sóng Biển Đông bằng hai phương thức: Phát sóng SW từ trong đất liền ra các khu vực trên Biển Đông, có vùng phủ rộng nhưng do đặc điểm truyền sóng của loại hình này là sóng không ổn định, tần số thay đổi theo mùa, chất lượng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thay đổi theo cả ngày và đêm, do đó, bà con ngư dân rất khó thu và thu với chất lượng thấp; Phát sóng FM tại đảo Trường Sa lớn, nhưng do công suất nhỏ, vùng phủ sóng hẹp, lại thêm khí hậu khắc nghiệt, muối mặn làm cho thiết bị thường xuyên hư hỏng. Vì thế, cả hai phương thức phủ sóng này hiệu quả không cao.
Để khắc phục nhược điểm của hai loại hình phát sóng nói trên, Đài TNVN đã khởi công xây dựng Đài Phát sóng AM/DRM khu vực Nam Trung bộ, đặt tại tỉnh Ninh Thuận, công suất 400kW/tần số 1071kHz. Đây là một đài phát sóng AM công suất lớn, trước mắt phát sóng theo phương thức truyền thống và sẵn sàng chuyển đổi sang phát sóng số mặt đất chuẩn DRM khi người dân được trang bị máy thu thanh số. Khi phát DRM sẽ có nhiều tính năng vượt trội so với phát sóng truyền thống hiện nay như: Chất lượng âm thanh cao hơn, ổn định hơn, có thể phát đến tối đa 4 chương trình trên cùng một máy phát, cùng một tần số, hiệu quả đầu tư khai thác cao hơn, ngoài ra, còn có các tính năng cảnh báo khi xảy ra thiên tai, địch họa, hướng dẫn giao thông trên biển…
Đài phát sóng khu vực Nam Trung bộ có thể phủ sóng 8 tỉnh khu vực ven biển Nam Trung bộ với khoảng hơn 4,5 triệu ha, chiếm tỷ lệ 13,6% tổng diện tích cả nước, với trên 14 triệu dân, ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển, chiếm tỉ lệ 14,58% dân số cả nước; cho khoảng 110.950 tàu cá, trong đó có hơn 2.000 tàu khai thác và dịch vụ được thụ hưởng thông tin về đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, giáo dục, giải trí… Đây là nỗ lực rất lớn của Đài TNVN góp phần thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, 2045 và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Sau khi phủ sóng ra quần đảo Trường Sa nói riêng và biển Nam Trung bộ nói chung, chúng ta đạt được 2 mục tiêu chính. Thứ nhất, nhiều triệu ngư dân và các lực lượng lao động làm việc trên biển được nghe chương trình của Đài TNVN với nhiều các thông tin như: thời sự, chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội với chất lượng âm thanh rõ nét như trong đất liền. Trong đó có nhiều thông tin rất hữu ích cho ngư dân như những thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, hướng dẫn các cách đánh bắt cá một cách hiệu quả và bảo vệ môi trường biển, không vi phạm luật pháp quốc tế về biển và phòng chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp.
Thứ hai, về mặt an ninh quốc phòng, hằng ngày luôn có rất nhiều các đài nước ngoài phát sóng với công suất mạnh và thời lượng lớn vào khu vực Biển Đông, trong đó có cả những thông tin không chính thống. Do đó, Đài phát sóng Nam Trung bộ đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong việc giữ gìn, bảo vệ biển đảo Tổ quốc và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền Quốc gia trên biển đảo qua làn sóng phát thanh./.