Người tiếp sức cho ngành kỹ thuật phát thanh

VOV.VN - Trong ký ức của các thế cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên, ông Huỳnh Ngọc Ấn luôn là người “anh cả” trong công tác chuyên môn và cuộc sống

Ông Huỳnh Ngọc Ấn đã từ trần vào hồi 5h41 phút ngày 23/8/2018 (tức ngày 13 tháng 7 năm Mậu Tuất), hưởng thọ 84 tuổi. Trong ký ức của các thế cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên, ông Huỳnh Ngọc Ấn luôn là người “anh cả” trong công tác chuyên môn và cuộc sống.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn (thứ 5 từ trái sang) cùng các thế hệ lãnh đạo Đài TNVN trong buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đài TNVN.

Ông Huỳnh Ngọc Ấn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì, Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Nhì, huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Gần 40 năm gắn bó với ngành kỹ thuật phát thanh, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, ông Huỳnh Ngọc Ấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN cùng các kỹ sư Cục Kỹ thuật phát thanh góp phần đảm bảo sự liên tục của làn sóng trước sự bắn phá của kẻ thù, từng bước đưa ngành kỹ thuật phát thanh ngày một lớn mạnh.

Không để một phút mất sóng

Tôi có dịp gặp ông Huỳnh Ngọc Ấn cách đây mấy năm. Khi đó dù đã ở tuổi 80 nhưng ông còn rất minh mẫn. Ông nhớ từng cột mốc quan trọng trong nghề, nhớ cả những chi tiết nhỏ trong công việc mà ông đã từng gắn bó. Đặc biệt, tôi cảm nhận được ở ông tình yêu với làn sóng phát thanh chưa lúc nào ngơi nghỉ. Khi tôi nhắc đến kỹ thuật phát thanh như khơi nguồn cảm xúc để ông có thể say sưa nói về nó hằng giờ mà không biết chán.

Theo ông Huỳnh Ngọc Ấn, giai đoạn từ năm 1955 - 1975 là thời kỳ hào hùng nhất, vẻ vang nhất của những người làm phát thanh. Lực lượng cán bộ kỹ thuật phát thanh lúc đó đủ lớn mạnh để đảm nhiệm tốt công việc. Đó là những kỹ sư đã được tôi luyện qua 9 năm chiến tranh ở miền Bắc và được bổ sung lực lượng nòng cốt từ miền Nam. Họ có chuyên môn cao và đặc biệt tâm huyết với nghề. Bằng chất giọng trầm ấm xứ Quảng, ông đã kể cho tôi nghe về những ngày gian khó ấy: 

“Thời kỳ máy bay Mỹ bắn phá ở miền Bắc, bộ phận kỹ thuật bao giờ cũng ở những nơi heo hút nhất để đảm bảo bí mật, an toàn. Chúng tôi thường trong tình trạng cơm không đủ ăn, vất vả, thiếu thốn đủ đường. Thời gian ở Đài V3 trên Lào Cai (đài tiếp âm cho Đài Giải phóng), hay ở Đài CK2 (Chương Mỹ, Hà Tây cũ), tiêu chuẩn tem phiếu của anh em mỗi tháng được 3 lạng thịt nhưng đi mua không có thịt. Mậu dịch bán mắm tôm thay thịt cũng phải mua về cải thiện bữa ăn. Gọi là cải thiện cho sang chứ bữa ăn hôm đó có chất hơn những bữa cơm khác là có món canh bầu mua được của bà con dân tộc nấu với chút mắm tôm. Anh em có khi 6 tháng trời không biết đến miếng thịt, tôi thương anh em lắm nhưng chẳng biết làm sao. Vất vả, khó khăn là thế nhưng không ai lơ là với công việc. Chúng tôi làm việc với khẩu hiệu: Không để một phút mất sóng” - ông Ấn chia sẻ.

Ông Ấn kể rằng, những lúc tếu táo anh em thường nói vui với nhau là nghe tin cha mất và máy móc trục trặc cùng lúc thì cha phải đắp chiếu để đấy mà đi sửa máy, quyết không để mất sóng. “Trách nhiệm của những người làm kỹ thuật phát thanh khi đó gắn liền với vận mệnh đất nước, gắn chặt với phong trào xây dựng CNXH miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam” - ông Ấn nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Ngọc Ấn cho biết, quy chế các đài phát sóng phát thanh thời đó quy định, nếu máy hỏng bộ phận trực ca phải xử lý ngay trong phút đầu. Quá 1 phút chưa xử lý được phải báo động gọi kỹ thuật viên trực ca vào xử lý. Quá 2 phút kỹ thuật viên trực ca chưa xử lý được phải báo động đến bộ phận kỹ thuật của Đài. Như vậy chỉ trong 3 phút, lãnh đạo phụ trách kỹ thuật phát thanh phải xử lý xong hỏng hóc. Bởi thế, làm lãnh đạo thời đó phải miệng nói tay làm, phải am hiểu tất cả những thiết bị kỹ thuật mà đài mình quản lý.

Được kỹ sư Mỹ đánh giá cao

Trong câu chuyện buổi chiều năm ấy, tôi vẫn nhớ nguyên niềm tự hào của vị “tướng” trong ngành kỹ thuật phát thanh ở thời kỳ quan trọng của đất nước. Đó là niềm tự hào chính đáng bởi trong những lúc gian khó nhất, đội ngũ người làm kỹ thuật phát thanh bằng tài năng, lòng nhiệt tình, bằng trách nhiệm với đất nước đã luôn đảm bảo cho làn sóng thông suốt và đưa ngành kỹ thuật phát thanh ngày càng phát triển. Bản thân ông Ấn, bằng tài thao lược của vị “tướng”, ông đã lên phương án và các biện pháp để đảm bảo an toàn cho các đài phát sóng mà ông được giao phụ trách, từ Đài Giải phóng A, Đài V3, Đài CK2… Hơn nữa, trình độ của ông còn khiến cho một hãng cung cấp thiết bị phát thanh của Mỹ phải nể phục. 

Năm 1995 khi đang ở vị trí Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, ông Huỳnh Ngọc Ấn cùng một số kỹ sư, chuyên gia Hội Điện tử Việt Nam, GS.TS một số trường đại học chuyên ngành điện tử viễn thông qua Mỹ để mua sắm trang thiết bị. Quá trình làm việc với đối tác kéo dài 6 tháng trời. Ông Ấn cùng với các thành viên trong đoàn đã đặt ra cho phía đối tác nhiều câu hỏi để tìm hiểu, biết rõ các thiết bị mà Hãng Haris (Mỹ) gửi cho Đài TNVN để chào hàng.

Ngày ông Ấn cùng đoàn đến làm việc tại nhà máy của họ, thấy nhà máy treo cả cờ Mỹ và cờ Việt, đồng thời rất đông kỹ sư đứng đón. Vào đến phòng làm việc, ông Ấn hỏi họ tại sao lại dành cho đoàn một buổi đón tiếp long trọng như vậy? Họ trả lời là buổi đón tiếp vừa để chào mừng đoàn đến với nhà máy, nhưng cũng bởi các kỹ sư nhà máy muốn biết mặt ông Ấn, người đã đặt ra cho họ những câu hỏi khó.

Trong buổi đón tiếp đó, lãnh đạo nhà máy hỏi ông Ấn cùng đội ngũ kỹ sư kỹ thuật phát thanh Việt Nam tốt nghiệp ở trường nước ngoài nào? Ông Ấn trả lời ông và phần lớn kỹ sư của ngành kỹ thuật phát thanh Việt Nam đều học ở những trường tại Việt Nam, bản thân ông còn chưa có bằng kỹ sư vì đang học dở.

Đại diện Hãng Haris chia sẻ, họ đã làm việc, cung cấp thiết bị cho nhiều nước ở châu Âu, châu Á nhưng chưa gặp đối tác nào mà đội ngũ kỹ sư có trình độ và khả năng nắm bắt kỹ thuật nhanh như đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Vì thế, họ không tin ở Việt Nam có những trường có thể đào tạo ra những kỹ sư thành thạo về công nghệ kỹ thuật như vậy.

Khi đó ông Ấn đã trả lời: “Chính cuộc chiến tranh đã tôi luyện cho chúng tôi. Khi Mỹ đưa máy bay bắn phá miền Bắc, những người làm kỹ thuật phát thanh chúng tôi đã phải đi nhặt nhạnh những gì còn sót lại để tự sửa chữa, lắp ráp máy móc để đảm bảo sự liên tục của làn sóng. Cái gì không biết, chúng tôi phải tự mày mò cho ra, nhờ thế mà tay nghề của các kỹ sư và công nhân kỹ thuật được nâng cao”.

 Gắn bó với kỹ thuật phát thanh gần 40 năm, tháng 1/2000, ông Ấn về hưu khi bước sang tuổi 64.

Vinh dự có được khoảng thời gian dài làm việc cùng ông Huỳnh Ngọc Ấn, ông Đoàn Việt Trung - nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN cho rằng, ông Huỳnh Ngọc Ấn là người làm tốt nhất về kỹ thuật phát thanh thời đó. Khó có ai có thể hoàn thành công việc một cách hoàn thiện và trọn vẹn như ông. “Trong suốt quãng thời gian làm việc dưới quyền ông Huỳnh Ngọc Ấn, hình ảnh đọng lại trong tôi là một vị “tư lệnh” kỹ thuật phát thanh nghiêm khắc với những mệnh lệnh, chỉ thị ngắn gọn, dứt khoát và đúng lúc” - ông Đoàn Việt Trung chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giữ vững làn sóng phát thanh- Hồi ức của phóng viên Đài PT Giải phóng
Giữ vững làn sóng phát thanh- Hồi ức của phóng viên Đài PT Giải phóng

VOV.VN -Thế hệ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài Phát thanh Giải phóng đã cống hiến hết mình cho nền báo chí cách mạng.

Giữ vững làn sóng phát thanh- Hồi ức của phóng viên Đài PT Giải phóng

Giữ vững làn sóng phát thanh- Hồi ức của phóng viên Đài PT Giải phóng

VOV.VN -Thế hệ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài Phát thanh Giải phóng đã cống hiến hết mình cho nền báo chí cách mạng.

Ký ức về bản tin ngày 30/4/1975 của cựu nhà báo Đài Phát thanh Giải phóng
Ký ức về bản tin ngày 30/4/1975 của cựu nhà báo Đài Phát thanh Giải phóng

VOV.VN -Chương trình phát thanh đặc biệt ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử phát thanh, là niềm tự hào của những người từng làm tại Đài Phát thanh Giải phóng.

Ký ức về bản tin ngày 30/4/1975 của cựu nhà báo Đài Phát thanh Giải phóng

Ký ức về bản tin ngày 30/4/1975 của cựu nhà báo Đài Phát thanh Giải phóng

VOV.VN -Chương trình phát thanh đặc biệt ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử phát thanh, là niềm tự hào của những người từng làm tại Đài Phát thanh Giải phóng.