Trong suốt chặng đường đã qua, các nhà ngoại giao Ai Cập luôn dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt nhất vì Việt Nam chiếm một vị trí rất đặc biệt trong trái tim và sự nghiệp ngoại giao của họ.
|
Cựu Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam Reda-Al-Taify tích cực giới thiệu văn hóa Việt Nam với người dân Ai Cập. |
Tiến sĩ Abdel Kader Khalil là Đại sứ Ai Cập đầu tiên tại Việt Nam. Ông đã tới Việt Nam năm 1973 khi chiến tranh đang ác liệt nhất bởi ông muốn được đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Đại sứ Abdel Kader Khalil đã mất nhưng trong căn nhà của gia đình ông vẫn dành một phòng riêng để lưu giữ các kỷ vật về Việt Nam. Những đồ trang trí bằng khảm trai, tích nước, ủ ấm, bộ ấm chén sứ Bát Tràng, tranh thêu và cả tủ gỗ trang trí hoa văn đặc sắc Á Đông.v.v…được cất giữ cẩn thận và trang trọng bởi nó là biểu tượng cho tình yêu Việt Nam của Đại sứ Khalil.
Bức ảnh ông chụp chung với Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong căn phòng.
Bà Sherine Khalil - con gái Đại sứ Khalil chia sẻ “Việt Nam chiếm một vị trí rất đặc biệt trong trái tim và trong sự nghiệp ngoại giao của cha tôi và bản thân tôi cũng rất ấn tượng về đất nước Việt Nam. Cha tôi rất vinh dự được phục vụ tổ quốc ở bất cứ nơi đâu và ông cảm thấy tự hào khi được đại diện cho Ai Cập đến Việt Nam với tư cách là Đại sứ nước Cộng hòa Ả-rập Ai Cập đầu tiên đến Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, và cha tôi cũng là Đại sứ của nước Ả-rập thứ hai đến Việt Nam, sau nước Algeria.
Vào thời điểm đó, cha tôi làm việc tại Hà Nội và chiến tranh vẫn còn tiếp diễn ở miền Nam Việt Nam và chúng tôi không cảm nhận thấy nỗi sợ hãi của chiến tranh. Cha tôi rất tự hào về đất nước và con người Việt Nam. Trước khi đến Việt Nam, cha tôi đã rất ngưỡng mộ Việt Nam và ông cảm thấy tự hào là người được cử đến Việt Nam để củng cố và phát triển mối quan hệ ngoại giao hai nước”.
|
Bà Sherine Khalil - con cái cựu Đại sứ Ai Cập đầu tiên tại Việt Nam Abdel-Kader-Khalil kể lại những kỷ niệm và tình yêu Việt Nam của cha bà. |
Bà Sherine Khalil cho biết, trong sự nghiệp ngoại giao cha của bà có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và ông luôn dõi theo sự phát triển của Việt Nam, cũng như lưu giữ nhiều kỷ vật rất đời thường của Việt Nam, nhất là những đặc trưng về văn hóa.
Bà nói: “Cha tôi và tôi rất yêu thích về Việt Nam, nhất là nền văn hóa và kiến trúc của Việt Nam. Tôi yêu trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. Tôi rất thích trang phục áo dài truyền thống của các bạn, nhất là vào buổi sáng sớm, tôi nhìn thấy tà áo dài trắng thướt tha cùng chiếc quần đen mềm mại của các cô nữ sinh Việt Nam. Một điều nữa mà cha tôi và tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam là ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc tái chế các vật liệu đã qua sử dụng”.
“Việt Nam luôn trong trái tim tôi và tôi luôn nỗ lực xây đắp tình hữu nghị hai nước”. Đó là tâm sự của Đại sứ Reda Al Taify – Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam những năm 2010-2014. Với tình cảm đó, Đại sứ Taify luôn tích cực đưa các thông tin, hình ảnh của Việt Nam đến công chúng Ai Cập bằng cách tổ chức các sự kiện văn hóa hay đặt sách, báo, ảnh về Việt Nam tại các thư viện công của Ai Cập.
Trong những năm qua, Đại sứ Al Taify đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tổ chức hàng chục sự kiện văn hóa, giới thiệu và tặng sách Việt Nam tại nhiều thư viện công trên khắp Ai Cập.
“Tôi ngưỡng mộ kinh nghiệm người Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, cũng như cách thức mà người Việt Nam hưởng thụ văn hóa, lịch sử và sự sẵn sàng hợp tác với người nước ngoài.
Tôi cảm nhận được một nước Việt Nam thân thiện, những con người hiếu khách và cũng như cả chính phủ và nhân dân Việt Nam. Cá nhân tôi ủng hộ việc tổ chức các hoạt động văn hóa ở mỗi nước, vì đây là những cơ hội nhằm quảng bá thông tin văn hóa tới người dân mỗi nước”, Đại sứ Taify nói.
|
Căn phòng lưu giữ nhiều kỷ vật Việt Nam của gia đình Đại sứ Khalil. |
Theo Đại sứ Al Taify, Việt Nam và Ai Cập có một lịch sử đáng tự hào, bắt nguồn từ bình minh của loài người. Cả hai nước có nhiều giá trị có thể chia sẻ với thế giới, nhất là những kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Taify cho rằng: “Hai nước nên tổ chức các hoạt động văn hóa ở cả Việt Nam và Ai Cập. Về quan hệ thương mại, hai bên cần xúc tiến hoạt động thương mại song phương.
Do đó, hai bên có thể tổ chức các cuộc triển lãm thương mại vì qua đó hai bên sẽ biết được về các mặt hàng được sản xuất và xuất khẩu của mỗi nước. Người Ai Cập sẽ biết được về các mặt hàng và dịch vụ của Việt Nam và người Việt Nam có thông tin về các mặt hàng và dịch vụ của Ai Cập.”
|
Đại sứ Reda-Taify. |