Đầu năm đổ dồn đi khám bệnh

Số bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu là bệnh về đường hô hấp, sốt xuất huyết và tiêu chảy.

Do kiêng cữ không đi khám bệnh trong 3 ngày đầu năm nên sang các ngày 4, 5 Tết Nguyên đán (6 và 7/2), nhiều người dân đổ dồn đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, do ngày 6/2 trùng vào Chủ nhật nên ngày 7/2, nhiều bệnh viện bắt đầu quá tải trở lại.

Tại bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 TP HCM, riêng ngày 7/2 có tới khoảng 700 bệnh nhi đến khám và điều trị.

Điều đáng nói đa phần các cháu từ 2-4 tuổi, sức đề kháng yếu nhưng không được người nhà chăm sóc và xử trí bệnh ban đầu.

Ngoài các bệnh cảm sốt thông thường, nhiều bệnh nguy hiểm khác như viêm thanh quản cấp, viêm phổi cấp, tai nạn thương tích, tiêu chảy cũng được tiếp nhận xử lý nhiều.

Nhiều trẻ em bị bệnh đường hô hấp phải xông mũi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM

Trong khi đó, tại Khoa Nhiễm D- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM hôm qua vẫn còn nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết phải tích cực điều trị. Trong đó, số trẻ mắc sốt xuất huyết đang được theo dõi ở đây vẫn chưa giảm so với tháng trước…

Theo các bác sĩ, mặc dù hiện không phải là thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết nhưng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp với số ca mắc tăng cao, tập trung chủ yếu tại quận 1, 4, 7, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, Thủ Đức.

Từ đầu năm đến nay, thành phố có bình quân mỗi tuần 200-300 ca mắc sốt xuất huyết và đã có thêm 1 trường hợp tử vong do dịch bệnh này.

Bên cạnh đó, dịch tiêu chảy cấp ở trẻ em lẫn người lớn đang có xu hướng tăng cao trong những ngày Tết vừa qua.

Theo bác sĩ Khoa Tiêu hóa, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, ăn uống không hợp lý trong 3 ngày Tết vừa qua khiến không ít trẻ nhỏ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy cấp.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu không cải thiện vệ sinh ăn uống trong những ngày sau Tết (do thực phẩm dư thừa ngày Tết không được bảo quản, chế biến tốt mà vẫn sử dụng), tình hình mắc tiêu chảy cấp chắc chắn sẽ gia tăng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên