Đầu năm mới, tín dụng đen lại bủa vây người lao động
VOV.VN - Nạn tín dụng đen một lần nữa lại bủa vây các công nhân, đặc biệt là người lao động gặp khó khăn tại các khu trọ, khu công nghiệp.
Dù lực lượng chức năng nỗ lực dẹp bỏ nhưng những loại hình cho vay phi chính thống này vẫn như chiếc “vòi bạch tuộc” len lỏi, bủa vây cuộc sống của người dân gặp khó khăn.
Dọc theo tuyến đường Hồ Học Lãm, Quốc lộ 1 đoạn gần khu trọ công nhân PouYuen, Quận Bình Tân, TP.HCM, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ‘ngân hàng cột điện’ xuất hiện trên phố. Câu quảng cáo ‘Chỉ cần alo là có tiền, không phải thế chấp’ đã thu hút được sự chú ý của nhiều công nhân khó khăn.
Anh Trần Hoàng Sơn, công nhân PouYuen chia sẻ: "Thấy nó quảng cáo này kia, nói là trong vòng 15 đến 20 phút là có tiền ngay rồi không cần thế chấp gì hết nên dễ, rất là nhanh".
Dễ vay nhưng không hề dễ trả, chị Ngô Thuý Hồng, ngụ tại Quận Bình Tân cho biết, ban đầu chỉ vay với số tiền 10 triệu đồng, nhưng rồi ‘lãi mẹ đẻ lãi con’, giờ đây số tiền chị phải trả lên đến cả trăm triệu, mất việc làm vì bị khủng bố, giờ đây chị phải làm đủ mọi nghề để có thể mưu sinh.
Chị chia sẻ: "Mới đầu vay chỉ có 10 triệu rồi chồng lên riết rồi cũng gần cả trăm triệu, khi nào có tiền thì ra trả, trả rồi còn phải năn nỉ người ta để được yên thân mà đi làm kiếm tiền để chi trả nợ nần, nhưng mà đến bây giờ cũng còn vướng cảnh khó khăn".
Chính vì sự tiện lợi như cho vay trong ngày, cho vay lấy ngay mà những người công nhân khó khăn về mặt tài chính sẽ trở nên chủ quan hơn, dễ dãi hơn và không thể lường trước được những hệ lụy khi lãi suất phải trả hàng năm hơn 200%, một cái giá cắt cổ được mời gọi bằng những tờ rơi dán ở khắp mọi nơi, hay những ứng dụng cho vay được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Phóng viên VOVGT đã gọi thử vào một số điện thoại cho vay nóng, không cần thế chấp. Với số tiền hỏi vay 15 triệu thì phía cho vay thông báo: "15 triệu một ngày góp 600 nghìn/ngày, góp trong vòng 31 ngày anh nhé, anh chỉ cần căn cước công dân là được anh nhé".
Để dẹp bỏ nạn tín dụng đen, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Hội luật gia TP.HCM cho rằng bên cạnh việc cơ quan chức năng cần thắt chặt kiểm soát, xử lý nghiêm thì từ phía các ngân hàng nên tạo điều kiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các khoản vay tín chấp.
"Chúng ta phải có những điều chỉnh những chế tài đối với những đơn vị cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay này là vi phạm pháp luật. Khi cho vay, đơn vị cho vay được cho phép thì thủ tục quá nhiêu khê, nhiều các thủ tục rườm rà nên họ phải chọn lựa. Về phía ngân hàng nhà nước cần có những cơ chế thông thoáng hơn, nếu ta làm tốt chuyện này thì những ứng dụng vay tiền qua app qua online sẽ giảm bớt và người dân không dễ bị mắc lừa", luật sư Hậu cho hay.
Biết rõ những tác hại của tín dụng đen cũng như sự khó khăn của một bộ phận người lao động trên địa bàn thành phố, Tổ chức tài chính vi mô CEP đã chủ động phối hợp cùng với công đoàn các công ty, cũng như các địa phương có người lao động đang sinh sống nhằm cung cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản.
Ông Nguyễn Tấn Đạt – Phó tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP cho biết: "CEP phải phối hợp chặt chẽ với công đoàn cơ sở tại đơn vị, hoặc là chính quyền địa phương tại nơi mà người lao động đang sinh sống, khi có nhu cầu vay vốn thì công nhân chỉ cần đăng ký với công đoàn cơ sở để được hướng dẫn và tất cả các khoản vay của CEP cung cấp cho công nhân và người lao động nghèo đều là khoản vay tín chấp với lãi suất vay bình quân là 0,55% - 0,67%".
Tín dụng đen là vấn đề tồn tại nhiều năm cho dù đã bị triệt phá mạnh mẽ. Nếu người dân vì cả tin, đặc biệt là chủ quan với những thủ tục vay nợ dễ dàng thì việc gặp rắc rối phiền phức khi đáo hạn là điều khó tránh khỏi./.