ĐBQH nêu câu hỏi: “Tại sao mua vaccine bằng tiền Nhà nước lại không được?”
VOV.VN - Trao đổi về thực trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng tái diễn nhiều lần từ đầu năm 2023 mà không được giải quyết, đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến bức xúc.
Vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước lại đang tái diễn tình trạng cạn kiệt. Đáng chú ý, tại TP.HCM, vaccine tiêm chủng mở rộng sẽ “hết sạch” trong những ngày tới, trong khi tại Hà Nội, nhiều loại vaccine đã hết từ tháng 9, tháng 10/2023, vaccine 5 trong 1 chỉ còn cầm cự được đến tháng 12.
Song nghịch lý là vaccine tiêm chủng mở rộng cạn kiệt, thì vaccine dịch vụ vẫn không thiếu loại nào. Nhiều cơ sở tiêm chủng đã khuyên bố mẹ cho con tiêm dịch vụ để đảm bảo sức khỏe, không bỏ sót mũi tiêm nhắc lại.
“Tại sao mua vaccine bằng tiền Nhà nước lại không được?”
Là một trong những đại biểu đặt rất nhiều câu hỏi, nêu vấn đề về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, thiếu vaccine trong các kỳ họp Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) đánh giá, Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo, tới việc thực hiện của Bộ Y tế. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, do vậy, tình trạng thuốc vẫn còn thiếu, vaccine nhiều nơi đã hết.
“Chúng ta thường chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Mỗi lần như vậy đều khẳng định giải quyết “quyết liệt, quyết liệt…” nhưng cuối cùng vẫn thiếu thuốc”, bà Phong Lan nói.
Phân tích cụ thể hơn, bà Phong Lan cho rằng, về khách quan, có thể coi khó khăn đã đi qua, có thể coi vấn đề đã được giải quyết khi dịch bệnh đã kết thúc do vậy nguyên nhân là đứt đoạn về cung ứng đã đỡ rồi, kinh tế bắt đầu hồi phục rồi…
Về chủ quan, đại biểu đánh giá là do giải quyết chưa đủ: “Tại sao lại chưa đủ? Bởi vì, chúng ta có khuynh hướng cái gì cũng đấu thầu, mà Luật đấu thầu các đại biểu đã đấu tranh, tranh luận rất nhiều, nhưng hầu như không có gì khác biệt cho y tế. Do vậy, vẫn chưa thể giải quyết tận gốc được vấn đề. Người làm trong ngành y tế khi thực hiện đấu thầu đã gặp rất nhiều cản trở. Cái chính là họ cũng lo sợ bị xử lý nếu làm sai”.
Theo đại biểu đoàn TP.HCM, với vaccine, năm 2022, đã thực hiện đấu thầu không được, kể cả có sự tham gia của Bộ Y tế. Đến năm 2023, chuyển nguồn đấu thầu vaccine và đưa về cho địa phương thực hiện. Và đến thời điểm này, không đấu thầu được và hậu quả nhãn tiền là thiếu vaccine, là không có vaccine cho tiêm chủng mở rộng.
Đại biểu thẳng thắn nêu quan điểm: Đừng nói đến nguồn cung vaccine bị ngắt vì nếu vậy các vaccine này đã không có mặt trong tiêm chủng dịch vụ.
“Tiêm vaccine dịch vụ vẫn có đủ, nhưng chỉ riêng tiêm chủng chủng mở rộng dùng vaccine mua bằng tiền Nhà nước thì không được”, đại biểu nhấn mạnh.
Câu chuyện tự làm khó mình
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phong Lan cho rằng: “Bộ làm không được thì đưa về địa phương có làm được hay không?”. Theo đại biểu, Bộ Y tế ở cương vị đại diện quốc gia tham gia đấu thầu, Trong khi, vaccine chỉ có một vài nguồn cung cấp. Do vậy, đấu thầu tập trung quốc gia là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề cấp thiết là phải có đủ nguồn vaccine cho người dân, không để dịch chồng dịch. Vừa qua đại dịch lại tiếp tục xuất hiện các dịch bệnh khác là rất nguy hiểm.
“Nếu tôi là Bộ trưởng hay Thứ trưởng, khi đặt bút ký chuyển về địa phương thì đã là một thất bại”, đại biểu nói.
Đại biểu Phong Lang cho rằng, đây là câu chuyện “tự mình đang làm khó mình”. Kinh nghiệm qua đại dịch đã cho thấy, Việt Nam có nguồn tiền, có nguồn quỹ vaccine do nhân dân đóng góp nhưng không mua được vaccine, mà phải “mua ké” cùng tư nhân. Qua đó, đại biểu cho rằng, chưa có sự thay đổi trong tư duy: “Cái gì khó là đẩy cho cấp dưới làm dù rằng đã biết trước là làm không được”.
“Tiền nào cũng là tiền. Ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương không có gì khác nhau. Vẫn có những nhóm thuốc đấu thầu quốc gia được, vậy tại sao vaccine lại không thực hiện được như vậy, thực hiện đấu thầu ở Bộ, đưa nguồn vaccine về các Viện và các địa phương đăng ký lấy vaccine về. Lúc đó, thanh toán thì nguồn tiền đều là của ngân sách. Vậy tại sao lại không thực hiện? Đây chính là tự làm khó mình”, bà Lan nhấn mạnh.
Đại biểu nhìn nhận, vấn đề chính là thái độ khi xử lý công việc, ai cũng không muốn nhận trách nhiệm về mình, để không bị xử lý. Nhưng còn mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân thì lại bỏ mặc.
Đại biểu đoàn TP.HCM cho biết, thuốc là một mặt hàng đặc biệt, với hàng trăm mặt hàng cho một loại bệnh. Do vậy, nếu áp dụng máy móc việc đấu thầu vào thuốc và các trang thiết bị y tế thì câu chuyện “thiếu” này chắc chắn còn kéo dài. Xong năm nay, năm sau sẽ thiếu tiếp.
Theo đại biểu, các loại thuốc từ các nhà máy đều phải đáp ứng tiêu chuẩn GMP (là bộ nguyên tắc, tiêu chuẩn về sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhằm bảo đảm thuốc, nguyên liệu làm thuốc luôn được sản xuất và kiểm tra một cách nhất quán theo các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với mục đích sử dụng và yêu cầu của giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc). Có thể phân biệt nguyên liệu thuốc từ nước nào. Nếu nguyên liệu từ châu Âu, của Australia có thể cho điểm cao hơn. Nhưng đa phần thuốc còn lại đều đáp ứng GMP của WHO.
Đại biểu tiếp tục nêu vấn đề: Liệu có đảm bảo đấu thầu là không tiêu cực? Hay chính đấu thầu làm phát sinh tiêu cực?
Đại biểu cho rằng, đấu thầu vẫn có thể có những kẽ hở để lọt tiêu cực. Với đặc thù ngành y tế, đấu thầu càng tốn công sức, tốn thời gian. Thuốc rẻ thì mới trúng thầu, nhưng thuốc rẻ thì bệnh nhân không tin, chưa kể một số doanh nghiệp dược làm ăn “chộp giật”, khi thấy mặt hàng nào bán chạy thì sẽ nhập nguyên liệu về sản xuất, thay vì nghiên cứu thuốc mới. Đây là cơ chế tạo thuốc Generic (là bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau - PV).
“Thuốc Brand đắt là điều đương nhiên, nhưng thuốc Generic là những thuốc hết hạn bản quyền, ai cũng được quyền làm thì thuốc sẽ rẻ. Như vậy, chúng ta đang hướng đến một nền y tế giá rẻ và gây hại. Chúng ta vẫn phải lưu ý đến yếu tố giá thành, nhưng vẫn phải tăng cường yếu tố chủ động của bệnh viện. Như các bệnh viện tư nhân họ không hề thuốc thuốc và việc mua thuốc khống chế bằng định suất. Theo đó, lên kế hoạch, một bệnh viện mỗi năm có cơ cấu bệnh tật như thế nào, dự kiến bao nhiêu bệnh nhân, áng chừng chi trả BHYT bao nhiêu?... và tự thương lượng và tự mua thuốc”, đại biểu nói.
Cũng trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) khẳng định, y tế dự phòng rất quan trọng đối với người dân ở mọi thời điểm khác nhau, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Trẻ phải được tiêm chủng đầy đủ đúng thời gian để phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để xảy ra trình trạng thiếu vaccine, đại biểu đề nghị phải xem lại nguồn cung và chủ thể cung cấp. Những thuốc này, vaccine này khi cung cấp thuộc trách nhiệm của ai? Của Bộ Y tế hay Sở Y tế các địa phương hay là của ai khác? Thiếu vaccine đồng nghĩa là sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em không được bảo vệ một cách kịp thời, đồng bộ.
Theo đại biểu, điều quan trọng lúc này là Bộ Y tế phải vào cuộc nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo nguồn cung vaccine cho nhu cầu của người dân, phục vụ nhân dân.
“Với Thừa Thiên Huế, chưa có phản ánh về việc thiếc vaccine tiêm chủng. Nhưng một số địa phương đã phản ánh tình trạng này. Theo đó, đề nghị Bộ Y tế vào cuộc, nắm tình hình rõ ràng và tiến hành kiểm tra, thanh tra nguyên nhân. Nhẹ phải tiến hành kiểm điểm, nặng thì phải tiến hành xử lý. Nếu mức độ sai phạm đã nằm trong luật định, thì triển khai xử lý theo luật định”, đại biểu nói.