ĐBSCL đối phó với sạt lở: Con người làm sạt lở trầm trọng hơn

VOV.VN -Nạn khai thác cát trái phép và phương tiện đường thủy chở quá tải cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm gia tăng nguy cơ gây xói lở

Trong bài viết đầu của loạt bài “ĐBSCL gian nan đối phó với sạt lở”, chúng tôi đã phản ánh thực trạng sạt lở trong toàn khu vực với những nguy hiểm luôn rình rập đến tính mạng, tài sản của người dân. 

Trong đó, theo thống kê của Cục phòng chống thiên tai, trong thời gian qua, nguyên nhân chủ yếu gây xói lở bờ sông, biển là do hiện tượng tự nhiên địa chất và sự bồi lắng xảy ra ở những đoạn sông cong, đồng thời còn do việc buông lỏng trong quản lý hành vi xâm chiếm bãi, lòng sông, để xây công trình và nhà ở. Ngoài ra, nạn khai thác cát trái phép và phương tiện đường thủy chở quá tải cũng là nguyên nhân chính dẫn đến làm gia tăng nguy cơ gây xói lở ở nhiều địa phương. 

Hiện trường vụ sạt lở tại Tổng kho xăng dầu Trần Quốc Toản.

Mới đây nhất, tại tỉnh Đồng Tháp, tại khu vực cầu cảng chính của Tổng kho xăng dầu Trần Quốc Toản, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp, tọa lạc tại phường 11, TP Cao Lãnh, đã xảy ra sạt lở bờ sông với chiều dài 50 m, ăn sâu vào đất liền 5 m. Vụ sạt lở gây thiệt hại gãy sập hoàn toàn cầu dẫn chính, cầu cảng chính bị nứt, sụp trôi bồn lường, nhà cấp phát, hàng rào và bờ kè của Tổng kho xăng dầu Trần Quốc Toản ước tổng thiệt hại khoảng trên chục tỷ đồng.

Ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Dòng chảy mạnh, áp sát bờ. Ở đây, các phương tiện thủy lớn đi lại liên tục tạo nên tác động cho dòng chảy nên từ đó làm cho sạt lở mạnh hơn”.

Liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng này, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản cát sông trên sông Tiền thuộc xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh và phường 11, TP Cao Lãnh đã cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác.

Con số thống kê từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão-Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, Đồng Tháp là một trong những “điểm nóng” về sạt lở ở ĐBSCL với 40 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Từ những số liệu cụ thể này cho thấy sạt lở diễn ra liên tiếp và ngày càng nghiêm trọng hơn ở Đồng Tháp cũng như toàn khu vực ĐBSCL.Trong đó có nguyên nhân khai thác tài nguyên một cách vô tội vạ.

Theo nhận định của ngành chức năng thì ngoài việc tăng mật độ giao thông thủy, sự thay đổi dòng chảy, triều cường thì tình trạng khai thác cát bừa bãi, ngoài vùng quy hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở bờ sông.

Sạt lở bờ sông

Tại Bến Tre và Tiền Giang, hơn 10 năm qua, trên các con sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông... ngày đêm đều có mặt các sà lan hì hục bơm, hút cát. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đều có đăng ký và được UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre cấp phép khai thác mỏ cát nhưng đa phần các đơn vị này cho các đơn vị khác thuê lại mỏ cát. Vì lợi nhuận nên các đối tượng khai thác cát bơm hút nguồn tài nguyên này ngoài phạm vi mỏ, thậm chí khai thác gần bờ gây ra sạt lở đất nghiêm trọng. 

Ông Trần Văn Tám, người dân ấp Thới Bình, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, do bơm hút cát đã làm cho khu vực đầu cồn này có hơn 2 ha đất đã sụp xuống sông Tiền. Người dân nơi đây thấp thỏm lo âu vì sự an toàn trong cuộc sống: “Từ đầu cồn đến đây khoảng 2 mẫu đất từ từ bị sụp, sạt lở. 

Hồi trước không có lở nhiều, sau này do bơm cát lén lút, đút ống vô gần bờ bơm từ từ sụp đất. Bơm cát làm cây trái rớt xuống đùng đùng luôn, mình nhìn thấy bực lắm mà đâu có làm gì được. Bơm cát trái phép, mình cũng la, cán bộ xã lên phụ đuổi đi, rồi họ trở lại làm ban đêm mình đâu có làm gì được. Nếu hết khai thác cát thì sẽ hết lở”.

Còn theo ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW, cùng với hoạt động khai thác cát, còn có các yếu tố khác dẫn đến sạt lở bờ sông. Trong đó, có việc chịu tác động từ thượng nguồn bởi việc xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện dẫn đến thay đổi dòng chảy, khả năng trữ nước của rừng giảm; do khai thác nước ngầm gây lún đất, tàu bè, sử dụng đất phát triển nông nghiệp; do tác động của biến đổi khí hậu…

“Sạt lở bờ sông có nhiều nguyên nhân. Trong đó tác động của triều cường cũng gây sạt lở. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác cát cũng gây ra sạt lở. Một nguyên nhân khác cũng rất nan giải là các hồ chứa trên thượng nguồn bị chặn lại nên nguồn trầm tích lẽ ra là trôi xuống phía hạ nguồn thì bị chặn lại nên mất cán cân thăng bằng nên gây ra sạt lở”, ông Tiến nói.

Để phòng chống sạt lở ven sông rạch, thời gian quan chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang – Bến Tre đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình trạng khai thác cát trái phép; đồng thời vận động nhân dân giám sát và thông tin hoạt động của “cát tặc” để có biện pháp xử lý kịp thời. Chỉ tại tỉnh Bến Tre năm qua đã xử phạt hành chính trên 4 tỷ đồng đối với các trường hợp khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, ngành chức năng chỉ phạt mức tối đa là 45 triệu đồng/ trường hợp nên chưa đủ sức ngăn chặn được tình trạng này.

Ông Trần Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành nói: “Tình trạng ghe bơm hút, cát trái phép cập sông Hàm Luông mà chúng tôi bức xúc nhất là tại bến đò K26. Chúng tôi có tăng cường chỉ đạo đi kiểm tra. Khó khăn là chúng tôi không xác định chính xác, người ta làm lén lút, canh giờ đêm, khuya lúc công chức nghỉ làm việc gây khó khăn. Khi tổ kiểm tra mà chúng tôi phân công thì không kiểm tra được ghe lớn, chỉ kiểm tra được ghe nhỏ thôi vì bị lộ thông tin”.

Theo tính toán của các ngành chức năng, tiền thu thuế tài nguyên cát mang lại hiệu quả thấp rất nhiều so với nguồn kinh phí phải đầu tư các công trình chống sạt lở. Điều này chưa tính đến giá trị của diện tích đất bị thủy triều xâm thực. 

Đối với các đối tượng khai thác cát trái phép thì nhà nước không thu được đồng thuế nào mà còn gây ra hậu quả khó lường. Do đó, để phòng chống sạt lở ven sông, bảo vệ đất đai, nhà ở và sự an toàn trong cuộc sống người dân thì cùng với các giải pháp đặt ra thì trận chiến đẩy lùi “cát tặc”, hạn chế tối đa việc cấp phép khai thác cát phải được chính quyền và nhân dân vùng ĐBSCL đặt ra khẩn thiết hơn bao giờ hết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiền Giang: Sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống người dân
Tiền Giang: Sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống người dân

VOV.VN - Từ đầu năm đến nay, huyện Cái Bè đầu tư 10 tỷ đồng để di dời một tuyến đê và khắc phục 13 điểm sạt lở nhỏ

Tiền Giang: Sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống người dân

Tiền Giang: Sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống người dân

VOV.VN - Từ đầu năm đến nay, huyện Cái Bè đầu tư 10 tỷ đồng để di dời một tuyến đê và khắc phục 13 điểm sạt lở nhỏ

Tiền Giang: Tiếp tục xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn do mưa bão
Tiền Giang: Tiếp tục xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn do mưa bão

VOV.VN -Mưa bão kết hợp với triều cường đã gây ra hàng chục điểm sạt lở đất ven sông rạch ở tỉnh Tiền Giang rất đáng báo động.

Tiền Giang: Tiếp tục xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn do mưa bão

Tiền Giang: Tiếp tục xảy ra nhiều điểm sạt lở lớn do mưa bão

VOV.VN -Mưa bão kết hợp với triều cường đã gây ra hàng chục điểm sạt lở đất ven sông rạch ở tỉnh Tiền Giang rất đáng báo động.