ĐBSCL gian nan đối phó sạt lở: Cần đồng bộ các giải pháp phòng chống
VOV.VN -ĐBSCL hướng đến ưu tiên cho những giải pháp phi công trình như trồng cây, quản lý tốt các tác nhân gây sạt lở
Trong 2 bài viết trước, chúng tôi đã đề cập thực trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đồng thời phân tích một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng như do tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động khai thác cát và tác động từ thượng nguồn bởi việc xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện ... Chính vì thế “Cần đồng bộ các giải pháp trong phòng chống sạt lở ở ĐBSCL” là yêu cầu đặt ra hiện nay để làm giảm nguy cơ sạt lở bờ sông, gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội.
Sạt lở gây ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống của người dân ĐBSCL(Ảnh Thanh Tùng). |
ĐBSCL là nơi sinh sống của hơn 18 triệu người và là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, với sản lượng lúa chiếm trên 52% tổng sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang đối mặt với mối đe dọa của biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng nước biển dâng. Tình trạng sạt lở cũng đang diễn biến với xu thế ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, làm mất đất đai và tiêu hao nguồn lực quốc gia.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, việc ứng phó trước hết phải nhìn trên bình diện toàn vùng; hạn chế nguy cơ từ thượng nguồn gây ảnh hưởng đến hạ nguồn; thực hiện những giải pháp quản lý tổng hợp, bao gồm giải pháp công trình cứng và mềm.
Đối với các địa phương trong vùng, trước tình hình sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các ngành, các địa phương khảo sát kỹ và đề ra giải pháp phòng chống sạt lở ven sông, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Trong đó, khẩn trương quy hoạch, xây dựng phương án di dời tất cả hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn; đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân trước diễn biến phức tạp của thiên tai.
Theo thống kê thì hiện nay toàn tỉnh có hơn 110 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao. Để gia cố, xây kè đề phòng sạt lở ở các điểm này cần nguồn kinh phí khoảng 800 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn khá lớn ngoài khả năng của địa phương, vì vậy rất cần sự hỗ trợ đầu tư từ Trung ương.
Là một trong những nơi chịu nhiều thiệt hại do sạt lở của tỉnh Hậu Giang, ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Giải pháp khắc phục trước mắt là dời đê vào xa sông và tạo thành một cái đê mới để giúp ngăn lũ và phục vụ cho công tác giao thông và do tình hình kinh phí khó khăn nên chỉ khắc phục tạm thời, không có kè được mé để chống sạt lở thêm do tốn kinh phí nhiều thì đây cũng là một khó khăn lớn của huyện trong giai đoạn hiện nay cũng như đối với tình hình sạt lở từ nay đến cuối năm”.
Đối với các giải pháp chống sạt lở bờ sông, rạch thì nhiều chuyên gia, nhà khoa học ở ĐBSCL và trong nước có chung nhận định: Tình trạng sạt lở sông, rạch ở khu vực xảy ra rất thường xuyên, trên phạm vi rộng nên không thể xây dựng công trình bảo vệ cho toàn bộ hệ thống. Do vậy, trong ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở, cần phải có cả những giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Với hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, trình độ quản lý của địa phương còn hạn chế thì nên hướng đến ưu tiên cho những giải pháp phi công trình như trồng cây, quản lý tốt các tác nhân gây sạt lở.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh An Giang cho biết cách làm của địa phương như sau: “ Với khu vực sạt lở nằm ở vùng đông dân cư mà nơi đó đang có những hoạt động phát triển KT-XH ảnh hưởng đến cái chung thì cần thực hiện kè bê tông bảo vệ. Còn ở những vùng khác với sự ảnh hưởng thấp, không gây nguy hiểm đến tính mạng người dântcần dùng giải pháp phi công trình”.
Còn tại Bến Tre, để khắc phục sạt lở ven sông, mỗi năm địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng để làm bờ kè rọ đá hay bờ kè bằng bê tông cốt thép ở những điểm xung yếu. Đối với những điểm sạt lở lớn vận động người dân di dời nhà ở vào các khu tái định cư. Đến này, tỉnh Bến Tre đã được Trung ương đầu tư kinh phí trên 40 tỉ đồng để xây dựng hoàn thành 2 Khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở vào ở tại xã Tân Thiền và Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách.
Hậu quả của sạt lở bờ sông bao giờ cũng để lại những thiệt hại nặng nề (Ảnh Thanh Tùng). |
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang xây dựng 1 khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở ở xã Long Định, huyện Bình Đại. Đây là giải pháp “trước mắt” để ổn định đời sống người dân vùng sạt lở còn việc khắc phục sạt lở nơi đó vẫn chưa được tính đến.
Ông Hồ Văn Thiệt, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre nói: “Những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ cho sạt lở bờ sông rất lớn. Đặc biệt từ năm 2010, tỉnh đã quy hoạch toàn bộ hệ thống tái định cư cho những vùng sạt lở đất. Chúng tôi đã thực hiện được 2 điểm ở huyện Chợ Lách. Hai điểm này sau khi thực hiện phát huy hiệu quả rất tốt. Người dân vào ổn định được cuộc sống ở nơi ở mới. Hiện nay chúng tôi đang tập trung làm một khu ở huyện Bình Đại phục vụ cho 60 hộ sạt lở di dời vào. Nói chung hầu hết các địa bàn, các điểm sạt lở chúng tôi đều có quy hoạch các khu tái định cư cho bà con”.
Những ảnh hưởng lớn của sạt lở gần đây đã và đang tạo sự lo lắng cho người dân sinh sống ở khu vực ĐBSCL; đồng thời đặt ngành chức năng trước những áp lực trong việc đưa ra giải pháp.
Tuy nhiên, trên tổng thể của công tác chủ động phòng chống sạt lở, cần có một khảo sát trên toàn vùng và ở từng địa phương. Từ đó, lập bản đồ các điểm nóng có rủi ro sạt lở cao để cảnh bảo và hạn chế, hoặc cấm xây dựng công trình, nhà cửa và di dời người dân, nhà cửa, công trình ra khỏi những nơi nguy hiểm này để tránh thiệt hại; đồng thời với đó là những giải pháp đồng bộ, mạnh tay hơn trong việc xử lý việc khai thác cát; quản lý tốt các tác nhân gây áp lực làm thay đổi dòng chảy, khiến cho hệ thống bờ bao cặp sông bị bào mòn. Có như thế, mới có thể chủ động trong phòng ngừa sạt lở và giảm thiểu những tác động tiêu cực do sạt lở gây ra./.