ĐBSCL lũ lớn bất thường
Sau 10 năm, lũ ở ĐBSCL lại đột ngột xuất hiện với mức nước đặc biệt lớn đang làm đảo lộn đời sống và gây thiệt hại đáng kể đến tính mạng và tài sản của dân.
Kể từ sau năm 2000 đến nay, những ngày qua lũ lụt ở ĐBSCL lại đột ngột xuất hiện với cường suất và mức nước đặc biệt lớn. Có thời điểm đã vượt mốc lũ lịch sử năm 2000, vượt báo động 3 đến gần nửa m, làm đảo lộn toàn bộ đời sống sinh hoạt, sản xuất và gây thiệt hại đáng kể đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Đặc biệt đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ đã có 8 trường hợp tử vong do lũ.
Có thể khẳng định, lũ năm nay xuất hiện với cường suất và mực nước quá lớn vượt báo động 3 đến gần nửa mét là một bất ngờ đối với toàn vùng ĐBSCL. Đọc lại các bản tin dự báo, cảnh báo về lũ thượng nguồn ĐBSCL cách đây hơn 1 tháng, từ các chuyên gia đến nhà quản lý và nhân dân trong vùng đều yên tâm một điều: sau nhiều năm vắng lũ, năm nay ở ĐBSCL sẽ có lũ; song là “lũ đẹp”. Bởi đã gần chục năm nay, lũ về ĐBSCL rất nhỏ, mực nước thấp đã gây cho toàn vùng tình trạng khô hạn ở đầu nguồn và xâm nhập mặn sâu ở các tỉnh ven biển- cuối nguồn. Do vậy, mọi người đều có tâm lý chủ quan; mong muốn có lũ về sớm, vừa đủ để mang nguồn lợi phù sa về cho đồng ruộng; mang lại nguồn thủy hải sản to lớn cho toàn vùng và làm vệ sinh cho mùa vụ sau được bội thu hơn.
Nhìn lại cách người dân khai thác nguồn lợi từ lũ những năm trước cho thấy; mỗi năm bà con nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thu lợi hàng ngàn tỷ đồng từ khai thác cá linh; cá ở biển Hồ đổ về.
Tỉnh An Giang có hẳn một đề án làm giàu trong mùa nước nổi không chỉ phát triển các giống rau màu nổi trên mặt nước như rau nhút, bông điên điển, nuôi cá theo đăng quầng mà còn mở tour du lịch đi thăm quan mùa nước nổi. Rõ ràng lũ đã trở thành nguồn lợi to lớn cho người dân toàn khu vực và ĐBSCL không có lũ mới là hiện tượng đáng báo động.
Cũng phải nói thêm là để đối phó với lũ lụt, một tín hiệu vui là trong nhiều năm qua, các tỉnh, thành trong vùng đã thực hiện tốt chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở hầu khắp các địa bàn và đã đưa hàng trăm ngàn hộ vào sinh sống ổn định, an toàn. Hiện các tỉnh, thành đang rà soát lại để triển khai giai đoạn 2 đưa toàn bộ các hộ vùng sạt lở, vùng có nguy cơ lũ đe dọa vào ổn định. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao thủy lợi kiên cố ngày càng được xây dựng để điều tiết lũ lụt hợp lý hơn.
Vấn đề sống chung với lũ, bình yên với lũ tưởng như nằm trong kế hoạch của mọi cấp, mọi ngành. Tuy nhiên riêng năm nay lũ ở ĐBSCL đột ngột thay đổi, bất thường không theo quy luật đã khiến các cấp, các ngành và cả người dân trong vùng đều bất ngờ, nhiều nơi trở tay không kịp.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, năm nay do lượng mưa ngay từ đầu năm nhiều; tình trạng khô hạn ở trong vùng vì vậy cũng bớt căng thẳng. Lượng nước ở dòng Mê Kông lớn; kết hợp với mưa nhiều do bão ở miền Bắc và miền Trung đã làm cho nước ở thượng nguồn đổ về cao khiến cho lũ ở ĐBSCL bất ngờ tăng tốc với cường suất mỗi ngày một cao. Theo dự báo, lũ ở ĐBSCL trong những ngày tới sẽ đặc biệt lớn và duy trì ở mức cao vượt báo động 3. Vấn đề đặt ra lúc này là các tỉnh, thành ĐBSCL cần làm gì để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cũng như sản xuất.
Theo chúng tôi, cần chú ý các vấn đề sau: Ở những vùng ngập sâu cần tuyên truyền vận động người dân đề phòng khi đi lại; tránh bị lũ cuốn trôi; di dời và quản lý chặt chẽ người già và trẻ em ở nơi cao ráo an toàn; hình thành lại các điểm giữ trẻ tập trung. Các vùng có nguy có sạt lở; nước sâu cần cắm biển báo hiệu để mọi người cùng tránh. Đối với các vùng đê bao, cần tập trung sức người sức của để gia cố phòng chống lũ, nhất là ở các chân đê yếu, có dấu hiệu rò rỉ. Hình thành các tổ xung kích cứu hộ, cứu nạn ở các vùng xung yếu; có các biện pháp di dời dân với số lượng dân cư lớn nếu đê bao các khu cư có nguy cơ bị vỡ.
Các cấp, các ngành, cần đẩy mạnh hơn nữa công tuyên truyền vận động người dân chủ động phòng chống lũ; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị tốt các điều kiện về lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo ổn định đời sống người dân trong và sau lũ; nhất là công tác đề phòng dịch bệnh phát sinh sau lũ.
Đối với các tỉnh, thành cuối nguồn như là TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng cần khẩn trương kiểm tra lại công tác phòng chống lũ; cảnh giác với lũ cuối vụ kết hợp với triều cường gây sạt lở, thiệt hại tài sản và con người.
Với tất cả quyết tâm của mình, hiện nay, với sự chi viện của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và quân dân các tỉnh, thành ĐBSCL đang tập trung mọi nỗ lực để chống lũ.
Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là từ thực trạng lũ đang báo động hiện nay cho thấy, các tỉnh, thành ĐBSCL cần luôn đề cao cảnh giác với lũ hơn nữa để không bị động bất ngờ; trong quy hoạch sản xuất và đời sống cần luôn tính tới nguy cơ đối mặt với biến đổi khí hậu và lũ dâng cao tàn phá. Để từ đó vừa tránh được thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ sản xuất và có thể làm giàu từ lũ./.