Đề án di dân làng chài Hạ long: Chuyện buồn ở “phố làng chài”
VOV.VN - Sau một năm "Phố làng chài" xuất hiện những câu chuyện bi hài, "cười ra nước mắt" mà chính quyền và dân chài chưa từng bao giờ nghĩ tới...
Năm 2014, đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long” của tỉnh Quảng Ninh được triển khai đồng bộ, với mục tiêu sẽ đưa hàng nghìn người dân ở các làng chài trong quần thể Vịnh Hạ Long lên bờ an cư trong những ngôi nhà cấp bốn kiên cố, miễn phí. Đây là dự án nhân văn, giúp dân chài ổn định cuộc sống, nâng cao dân trí. Nhưng sau một năm triển khai, "Phố làng chài" xuất hiện những câu chuyện bi hài, "cười ra nước mắt" mà có lẽ trước khi lên bờ sinh sống, chính quyền và dân chài chưa từng bao giờ nghĩ tới...
Khu tái định cư dành cho người dân làng chài. |
Khu phố 8 phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh là nơi tái định cư của hơn 344 hộ dân thuộc các điểm neo đậu trên trên Vịnh Hạ Long. Trên diện tích hơn 8 ha, 8 dãy nhà cấp bốn tươi rói màu sơn, tường rào kiên cố được UBND tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long xây dựng miễn phí để các hộ dân định cư lâu dài. Các làng chài truyền thống giờ đã không còn, hàng trăm ngư dân bắt đầu hòa nhập cuộc sống mới trên đất liền. Những va đập nơi phố thị, đang dần bóp nghẹn sức sống của hàng trăm người dân làng chài vốn chất phác và suy nghĩ giản đơn về cuộc sống.
Một số người dân làng chài mở dịch vụ sửa chữa xe đạp ( nguồn Internet). |
"Niềm vui ngắn chẳng tày gang". Rời khỏi tháng ngày lênh đênh bám biển, người dân làng chài bắt đầu trăn trở về việc làm, mưu sinh trên đất liền. Lời hứa của dự án về việc làm trên bờ, rồi những viễn cảnh cuộc sống khi rời tay chài, tay lưới lại vẫn nằm y nguyên trong.... đề án. Thực tế là, trình độ thấp, nên lao động làng chài rất khó kiếm được việc làm trên đất liền. Ngay để tạo điều kiện trước mắt cho ngư dân ra khơi kiếm việc hàng ngày là khơi thông luồng lạch Cái Xà Cong – cửa ngõ ra khơi gần nhất với làng chài, vậy mà thành phố Hạ Long vẫn án binh, bất động.
Bà Đỗ Thị Liên người dân làng chài cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn rằng là nhà nước cho chúng tôi cái luồng lạch ra vào, để đi làm ăn cho nó thuận tiện, cho nó đỡ vất vả. Bây giờ chẳng biết bao giờ (cái cảng) xong được.”
Không có việc làm, những hệ lụy bắt đầu phát sinh và tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân làng chài. Những thanh niên xưa chỉ quen dọc ngang bám biểm, lấy trời làm nhà nay lại nhuốm màu xa xỉ, cờ bạc, hút rót, khiến gia đình rơi vào vòng tù túng, nợ nần. Phố làng chài không còn bình yên như thủa lên bờ. Tình hình mất an ninh trật tự đã gia tăng, các thanh niên xích mích, gây gổ xảy ra thường xuyên hơn. Bà Lê Thị Cấn người dân làng chài chia sẻ: “Rằm tháng tám năm ngoái, thì tất cả trên làng xuống rất là đông thậm chí có hàng trăm xe máy, bao nhiêu taxi. Năm nay chả có gì. Chỉ có đánh nhau là to thôi”.
Người dân đang mong mỏi bến neo đậu thuyền sẽ sớm được đầu tư, khơi thông luồng lạch để thuận tiện làm ăn. |
Trước đây, chỉ cần ra khơi là có thể kiếm miếng ăn, thì nay người dân chỉ có thể ra chợ để mua bán. Tuy sống trong những căn nhà kiên cố nhưng nhiều hộ gia đình bắt đầu lo lắng về những khoản nợ với những món tiền vay nặng lãi cứ tăng dần theo ngày, theo tháng. Nhiều người dân khi lên bờ đã thành những hộ nghèo, mất phương hướng ngay trên đất liền.
Với số vốn ít ỏi tích cóp trước đó, gia đình anh Nguyễn Văn Tân và chị Nguyễn Thị Hiền vay thêm tiền để sửa chữa nhà, ngăn phòng.Ước mơ có được căn nhà vững chãi, con cái được học hành, gia đình hạnh phúc đang tan dần nơi phố thị. Không có việc làm, số tiền vay ban đầu tính cả gốc lẫn lãi đến nay đã hơn nửa giá trị căn nhà. Sau hơn một năm sinh sống, không thể mưu sinh trên đất liền anh Tân và chị Hiền dắt díu nhau trở về với biển để quay lại cuộc sống trước đây. Còn căn nhà của anh chị, giờ do chủ nợ quản lý. Đáng giật mình là những hộ như gia đình anh Đinh Văn Tân ở làng chài không phải là ít, thế nên nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần đành ra biển trốn nợ, hoặc buộc phải bán nhà bất đắc dĩ.
“Phố làng chài” còn truyền miệng câu chuyện của chị em bà Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Thị Liên ở khu tái định cư. Lúc mới lên bờ, chị em bà Gái mở quán bán tạp hóa những mong kiếm kế sinh nhai. Tai họa ập xuống khi con trai bà Liên không làm chủ được tay lái, do chưa quen với giao thông trên đất liền, đã xảy ra va chạm xe máy phải đền một khoảng tiền lớn. Cực chẳng đã bà đi vay nặng lãi để có tiền đền bù, lo lót qua tai họa. Hơn 3 tháng trước, hai người đàn bà già yếu đã thu dọn nhà cửa, rời khu tái định cư trong một đêm khuya vắng. Sáng hôm sau, căn nhà đã trở thành hiệu cầm đồ án ngữ ngay cửa ngõ ra vào của khu phố 8, phường Hà Phong. Ông Nguyễn Thanh Láng hàng xóm của bà Gái cho biết: “Dân làng chài này có nghề nghiệp gì mà làm để trả nợ. Giờ người ta vay, 30 triệu, 40 đến 50 triệu. Số vay ấy một lãi hai mươi hoặc một lãi ba mươi. Lãi một tháng không trả được thì ba tháng lãi mẹ đẻ lãi con thì nó thành cục chứ làm sao”.
Do chưa được khơi thông luồng lạch, thuyền bè ra vào, neo đậu ít nên một hộ dân đã đóng bè sinh hoạt ngay sát bến neo đậu Cái Xà Coong. |
Bão gió biển khơi chỉ là chuyện nhỏ đối với dân chài, vậy mà bão đô thị đang cuốn dần nhiều hộ gia đình trở thành tay trắng, mất hết tài sản, nhà cửa. Ông Nguyễn Văn Bội bí thư chi bộ “phố làng chài” cho biết có đến 40% số hộ “cửa đóng then cài” thậm chí, có 2 hộ từ khi nhận nhà xong đóng cửa để đó không thấy quay về; 11 hộ nhận nhà song cho họ hàng ở hoặc người khác thuê. Cả khu phố vẫn còn hơn chục cháu không được tới lớp; khoảng 30 cháu học cấp 1 thường xuyên bỏ học từ 2-3 tháng theo bố mẹ đi biển. Về định cư hơn một năm, nhưng hàng xóm còn chưa thuộc mặt nhau, nhiều gia đình đã quay về mưu sinh trên biển, chỉ về nhà vào ngày rằm, ngày lễ, tết.
Chủ trương xây dựng nhà tái định cư cho dân chài không chỉ là sự nỗ lực, vào cuộc không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị Quảng Ninh mà còn là niềm khát khao của bao đời người dân đi biển. Vậy mà chỉ vì sự thiếu trách nhiệm trong đề án về việc làm, thiếu sự kiểm tra nắm bắt tình hình, chủ trương đúng, đầy tính nhân văn nay có nguy cơ phá sản. Những ngôi nhà ở xã hội nay phải “gán” vào tay những kẻ không đáng được nhận dưới nhiều hình thức. Có lẽ đây là câu chuyện buồn nhất trong bức tranh tái định cư của người dân “phố làng chài”, và cũng đặt cho chính quyền sở tại những câu hỏi mà khó có thể trả lời./.