Đề án trí thức trẻ: Làn gió mới ở các xã khó khăn
VOV.VN -Sau 3 năm thực hiện, Đề án đã giúp nhiều địa phương phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn cán bộ cơ sở.
Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013- 2020 (gọi tắt là Đề án 500) chính thức triển khai từ năm 2014.
Đội viên Hồ Hoàng Hạnh, ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong những trí thức trẻ tình nguyện về tham gia Đề án 500. Hoàng Hạnh được bố trí công tác Tư pháp, hộ tịch tại xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là xã khó khăn vùng biên giới.
Đội viên ở các tỉnh miền Trung trao đổi kinh nghiệm sau 3 năm về công tác tại các xã vùng khó khăn |
Là một cô gái trẻ ở miền xuôi lên miền núi công tác, Hạnh gặp không ít khó khăn trước những phong tục tập quán của bà con dân tộc Ve, Tà Riềng, Giẻ Triêng.
Để sớm hòa nhập với môi trường mới, Hoàng Hạnh phải học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán của bà con.
Sau 3 năm công tác, Hồ Hoàng Hạnh hoàn thành thành tốt nhiệm vụ và cảm thấy yêu vùng đất này, có nguyện vọng được công tác lâu dài tại địa phương miền núi cao.
“Là trí thức trẻ, tôi luôn có một tinh thần là phát triển vùng đất mới. Về địa phương tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như đi khảo sát tình hình của địa phương, dân cư. Đặc biệt, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống rất nhiều, tôi cũng đi xuống dưới thôn, bản tuyên truyền để họ hiểu được điều đó”, Hồ Hoàng Hạnh chia sẻ.
Còn Bùi Đức Tường, sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng tình nguyện về công tác tại xã bãi ngang Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Với suy nghĩ, tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết cần phải cống hiến, không ngại khó, Tường luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau 3 năm triển khai đề án thí điểm chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã khó khăn, 500 trí thức trẻ thuộc 34 tỉnh được điều động về các xã nông thôn và miền núi của các tỉnh trên cả nước.
Đội ngũ này đóng góp không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn và miền núi, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho các vùng đặc biệt khó khăn.
Hầu hết các đội viên nhanh chóng nắm bắt tình hình cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, gắn bó với địa phương.
Một số đội viên mạnh dạn đề xuất những đề án phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Ông Nguyễn Tri, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Đội viên tham gia đề án trí thức trẻ tình nguyện ở Thừa Thiên - Huế rất năng động, giúp cho địa phương trong 5 lĩnh vực: Địa chính, Tư pháp, Văn phòng Thống kê, Kế toán và Văn hóa xã hội. Toàn bộ 31 đội viên đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và có một số đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Đến nay, hơn 200 trong tổng số 500 đội viên tham gia Đề án này được kết nạp Đảng, 141 đội viên được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bồi dưỡng để phát triển Đảng.
Lãnh đạo các địa phương đánh giá cao năng lực chuyên môn, đạo đức, lối sống của các trí thức trẻ tình nguyện.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, hầu hết đội viên nhận được sự giúp đỡ tích cực của Cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con tin yêu.
Nhiệt huyết, năng động, thích trải nghiệm thử thách bản thân, các trí thức trẻ tham gia Đề án 500 đã mang đến làn gió mới ở các xã vùng đặc biệt khó khăn.
Các bạn trẻ mong muốn tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, đem sức trẻ làm nhiều việc có ích cho đời, hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các xã vùng khó khăn và miền núi…/.