Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2008-2010 tại TPHCM

Gần 3.000 người tàn tật được tạo điều kiện để học nghề và giới thiệu việc làm

Ngày 10/6, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM tổ chức tổng kết thực hiện Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2008 – 2010.

Sau 3 năm thực hiện Đề án trợ giúp người tàn tật, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hiện nay 18/24 quận-huyện có tổ chức tự lực của người mù; 100% người tàn tật cần phục hồi chức năng được chỉnh hình; tất cả trẻ em tàn tật trên địa bàn đều có khả năng học tập và được hỗ trợ để đi học, được miễn học phí; gần 3.000 người tàn tật được tạo điều kiện để học nghề và giới thiệu việc làm; gần 800 người tàn tật tìm được việc làm ổn định. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% người tàn tật được tiếp cận Internet và các dịch vụ liên quan; 10% người tàn tật được tham gia các hoạt động thể dục thể thao.

Nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề tàn tật và người tàn tật, TP HCM đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền về chính sách đối với người khuyết tật như: bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ tàn tật, nhất là các vùng nông thôn, ngoại thành; phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho người tàn tật, đặc biệt đối với trẻ em tàn tật. Trong 3 năm qua, số kinh phí dành thực hiện phẫu thuật điều trị cho người tàn tật hơn 39 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh – Xã hội quận 12, TPHCM cho biết: “Việc làm cho người khuyết tật là một vấn đề địa phương rất quan tâm. Chúng tôi giúp cho người lao động khuyết tật có thêm cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tư vấn về việc làm, hỗ trợ học nghề, học văn hóa, kể cả hỗ trợ vốn vay. Trên cơ sở đó họ cũng sẽ có những suy nghĩ tự thân để phấn đấu vượt qua khó khăn, có được việc làm phù hợp với điều kiện của từng người. Qua đó, cũng là điều kiện để người lao động khuyết tật hòa nhập với cộng đồng tốt hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên