Nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2011:

Để Ba Bể xứng tầm danh hiệu Ramsar thế giới

Cần nhiều hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ vùng đất ngập nước Ba Bể, xứng đáng với tấm bằng Ramsar mà UNESCO trao tặng

Sáng nay 5/6, Bộ Tài nguyên & Môi trường trao quyết định của UNESCO công nhận Ba Bể là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Như vậy, Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể trở thành khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam sau Xuân Thủy (Nam Định) và Bàu Sấu (Đồng Nai).

Việc công nhận VQG Ba Bể là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học cũng như những giá trị có một không hai mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Đông Bắc Việt Nam.

Hồ Ba Bể

Theo Công ước Ramsar, VQG Ba Bể đáp ứng 4 tiêu chí để trở thành thành viên của những khu Ramsar trên thế giới. VQG Ba Bể ở trên nền địa hình điển hình, hiếm gặp của các kiểu đất ngập nước với sự đa dạng của vùng địa hình Cát tơ cổ, có hồ nước ngọt tự nhiên trên núi. Và hơn hết, sự đa dạng sinh học của VQG Ba Bể được ghi nhận ở kiểu rừng nhiệt đới núi đá vôi thấp điển hình, có nhiều loại động thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Tê tê vàng, voọc đen má trắng, khỉ mặt đỏ, 4 loại vạc hoa đang nuôi con (đây là loại mà trên thế giới hiện nay chỉ còn khoảng 250- 999 cá thể)….

Lợi thế về cảnh quan thiên nhiên trời phú và việc được UNESCO công nhận là khu Ramsar của thế giới đang mở ra cho VQG Ba Bể và tỉnh Bắc Kạn cơ hội để quảng bá hình ảnh Ba Bể ra thế giới. Trên cơ sở đó tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế xã hội nhất là ngành du lịch của tỉnh Bắc Kạn. Đấy là nền tảng, cơ sở để cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng, đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số sống trong khu vực.

Một điều mà các nhà khoa học đều khẳng định, sau sự kiện VQG Ba Bể được công nhận là khu Ramsar, chắc chắn Ba Bể sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức hơn. Khi đó Ban quản lý Ba Bể sẽ không còn phải “đau đầu” về công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học của khu vực này vì giờ đây khu Ramsar Ba Bể không những nhận được sự quan tâm hơn của các nhà khoa học trong nước mà còn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên môi trường. Như vậy, những người yêu thiên nhiên sẽ yên tâm hơn với khi những voọc mũi hếch, khướu đá hoa, cá cóc bụng hoa… sẽ có nhiều cơ hội sinh tồn và phát triển.

Mừng cho Ba Bể có thêm danh hiệu mới. Giờ Ba Bể không chỉ được thế giới biết đến là 1 trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, là Vườn Di sản ASEAN mà còn là khu ngập nước có tầm quan trọng toàn cầu- khu Ramsar. Sắp tới Ba Bể còn có thể được nhận thêm danh hiệu Di sản Thiên nhiên Thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh cái mừng ấy cũng có cái lo khi làm sao Ba Bể giữ được danh hiệu mà UNESCO trao tặng khi mà hiện trạng môi trường tại khu vực đang ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái ở nơi đây.

Thực trạng ô nhiễm môi trường của VQG Ba Bể hiện nay, bản thân ông Nông Thế Diễn- Giám đốc Ban quản lý VQG Ba Bể cũng phải thừa nhận, tình trạng ô nhiễm có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Đấy là nguồn rác thải từ sinh hoạt, phát triển cơ sở hạ tầng, nước bị ô nhiễm bởi dầu từ xuồng máy chở khách du lịch, từ thuốc bảo vệ thực vật…

Sự bồi lắng của hồ Ba Bể mà thời gian qua báo chí liên tục phản ánh cũng có thể nhìn thấy rõ mà nguyên nhân không chỉ do phế thải từ khai thác của mỏ sắt Phù Ổ, mỏ đá Nà Hai mà còn từ sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên làm xói mòn và bồi lắng. Đấy là chưa kể đến đa dạng sinh học của Ba Bể đứng trước nguy cơ bị huỷ hoại bởi sự khai thác quá mức với những công cụ đánh bắt tận diệt.

Thực tế này không chỉ mới được cảnh báo mới đây mà từ năm 2002, nhiều nhà nghiên cứu về Ba Bể đã cảnh báo, khoảng 50-90 năm nữa Ba Bể sẽ thành bãi dâu do bị bồi lấp. Điều này chứng tỏ, sự xuống cấp của môi trường Ba Bể đã dược cảnh báo từ lâu, đồng thời nó đặt ra cho những người quản lý VQG những kế hoạch hành động cụ thể để giữ mãi giá trị của “viên ngọc thiên nhiên miền Đông Bắc”.

Trong cuộc hội thảo khoa học về bảo tồn đa dạng sinh học và đất ngập nước diễn ra tại Bắc Kạn ngày 4/6, Ban Quản lý VQG Ba Bể trình bày mọt kế hoạch dài hơi hơn trong công tác bảo tồn và phát triển giá trị của VQG Ba Bể khi khoác thêm cái áo “vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế- khu Ramsar” như: nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng sống trong vườn quốc gia, giao đất, giao mặt nước để người dân bảo vệ, hay tăng cường điều tra giám sát môi trường, khoanh vùng nạo vét, phủ xanh đất trống đồi núi trọc…

Kế hoạch là vậy nhưng điều mà những người yêu Ba Bể, yêu thiên nhiên cần vẫn là những hành động thiết thực để bảo vệ hồ để làm sao Ba Bể mãi phát triển bền vững xứng tầm với tấm bằng Ramsar vừa được công nhận. Và nhất là khi vườn quốc gia này đang hướng tới danh hiệu Di sản Thiên nhiên Thế giới/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên