Để Hà Nội tránh trở thành một bãi xe tự phát khổng lồ

VOV.VN - Hành trình tìm nơi đỗ xe hơi của người dân Thủ đô đang trở nên hết sức gian nan, với tỉ lệ tăng trưởng ô tô rất cao, trong khi diện tích giao thông tĩnh vẫn chỉ chiếm 1/10 nhu cầu đỗ xe.

 

Nhiều chung cư đã xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, khó khăn tiếp cận cứu hộ cứu nạn, PCCC, nhiều tuyến đường phố, ngõ ngách, hàng xóm, láng giềng sứt mẻ mối quan hệ, nhiều quan chức đã mất chức chỉ vì cạnh tranh thiếu lành mạnh các điểm đỗ xe. Xa hơn, đô thị trở nên nhếch nhác, giao thông trở nên lộn xộn, thiếu an toàn khi ô tô tràn lên vỉa hè, ra lòng đường, đường nội khu, sân chơi, bệnh viện, trường học.

Cách đây 8 năm, anh Việt Hoàng, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội sắm một chiếc ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Sau nhiều năm trải nghiệm hệ thống giao thông Thủ đô, anh thừa nhận, dành dụm tiền mua xe đã khó, mua rồi, tìm chỗ đỗ cũng gian nan không kém.

“Quán ăn, bệnh viện hoặc bất cứ chỗ nào ở Hà Nội này mà tìm được chỗ đỗ xe rất khó, mà không có chỗ đỗ xe quy chuẩn. Những tuyến đường rất rộng thì lấy lòng đường để làm chỗ đỗ xe. Các bãi đỗ xe ở khu chung cư thì không đáp ứng được.

Bản thân mình cũng ở chung cư nhưng hầm đỗ xe để đáp ứng được thì còn thiếu rất nhiều. Cái hầm để chứa được cũng chỉ phụ thuộc mặt trên mà thôi. Một gia đình có 2 xe là không thể đáp ứng được. Còn đâu là phải đi gửi ngoài, những bãi rửa xe họ tự nhận trông xe, chứ không phải của ai cấp phép cả”, anh Hoàng cho biết.

Hệ lụy của câu chuyện không có chỗ đỗ xe đã và đang hiện hữu tại nhiều nơi ở Tp.Hà Nội. Anh Nhật Linh, trú tại quận Hoàng Mai chia sẻ, người dân phải tận dụng mọi khu vực có thể, đỗ trên vỉa hè, đỗ dưới lòng đường, đỗ trong các ngõ ngách, thậm chí là tận dụng cả trường học, đường nội khu, sân chơi… làm nơi đỗ xe.

Anh Nhật Linh cho biết thêm: “Khu Kim Văn Kim Lũ, người ta đỗ đầy hết ra ngoài đường, làm gì có chỗ đỗ đâu. Nhiều khi rất khó chịu, ức chế vì giờ cao điểm rất đông xe, người tấp ra, người tấp vào, trèo lên cả vỉa hè bởi vì người ta không có chỗ đi. Bây giờ đi đường gặp xe dân cư đỗ ngoài đường rất nhiều. Chung cư giờ mọc lên như nấm, hầm không có chỗ để thì chả phải để ngoài đường thì còn để đâu. Chẳng nhẽ mang lên trên nhà để”.

 Anh Nhật Linh cũng cho biết, bản thân anh cũng nhiều tài xế khác khi đi vào các quận trung tâm đều phải chấp nhận chuyện gửi tạm ở các điểm trông xe “dân sinh”, vì các bãi trông giữ xe được cấp phép luôn trong tình trạng quá tải: “Thực trạng chung giờ như vậy chứ biết làm như thế nào. Đi phát gặp bãi đỗ xe chả biết có thực hay không. Cũng chả mặc quần áo của công ty gì cả, quần áo như người bình thường ra rồi bảo đây là bãi đỗ xe, đỗ thì mất tiền, không đỗ thì xin mời anh đi”.

Là một nhân chứng và người trực tiếp chịu ảnh hưởng của sự phá sản bãi đỗ xe theo quy hoạch, ông Quách Trường Sơn (cư dân khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính, quận Cầu Giấy) kể, khu vực ông sinh sống có một dự án bãi đỗ xe công cộng cao tầng. Song ô đất 2400m2 ấy đã bị “phù phép” thành chung cư Golden Palace ngày nay, còn xe cộ cư dân phải tràn ra vỉa hè, đường nội khu.

Khi chuyển đổi mục đích nhà C (GoldenPalace) làm nhà ở thì không còn mặt bằng đỗ xe vì họ không xây tầng hầm. Nhà tái định cư xây chất lượng vô cùng kém, đấy là hệ lụy của thiết kế lỗi thời về kỹ thuật, góc độ về tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách.

Là người rất quan tâm tới quy hoạch giao thông tĩnh tại Hà Nội nhiều năm qua, Luật sư Trần Tuấn Anh nhận định, quy hoạch từ năm 2003 tới 2020 đã phá sản, do thiếu chi tiết, không cụ thể vị trí điểm đỗ xe, một số vị trí chưa cập nhật trong quy hoạch quận, huyện. Quy hoạch chồng quy hoạch và bị điều chỉnh quá nhiều, đã khiến hàng loạt “ô đất vàng” bị chuyển đổi mục đích: 

“Trường hợp thay đổi quy hoạch cục bộ ở HN xảy ra quá nhiều, làm rối loạn quy hoạch. Nếu nhìn vào sự phát triển chung của TP thì gần như công tác quy hoạch hiện nay cũng như bãi đỗ xe đang khá yếu kém”.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường trực BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội khẳng định, thất bại trong việc quy hoạch các bãi đỗ xe khiến năng lực của đô thị chỉ đáp ứng 10% nhu cầu đỗ xe. Và thất bại này đã đẩy các phương tiện không có chỗ đỗ phụ thuộc hoàn toàn vào các bãi đỗ xe tự phát, vốn dựa vào công sản và các mối quan hệ để kinh doanh với vốn 0 đồng. Hậu quả là nền kinh tế trông giữ phương tiện đang được vận hành bởi một “xã hội ngầm”.

KTS Trần Huy Ánh cũng được biết đến với câu nói phản biện chua chát: “Hà Nội quy hoạch bãi đỗ xe theo kiểu rắc vừng. Khi phát triển phương tiện giao thông cá nhân, người ta tính rằng, có khoảng 20%-25% diện tích dành cho giao thông đô thị, trong đó có giao thông động và giao thông tĩnh. Trong khi đó, Hà Nội chỉ có độ 7% cho giao thông động thôi, còn giao thông tĩnh thì bạ đâu vẽ đấy. Còn các dự án thì do mục tiêu không rõ ràng, nên tôi có thể khẳng định, không có chủ đầu tư nào làm cả.

Khi so lợi nhuận từ việc đầu tư một bãi đỗ xe nghiêm chỉnh với việc thuê được một khu đất với giá rẻ mạt, thậm chí không thuê, nhiều nơi sau bao năm hoạt động mới phát hiện đó không phải bãi đỗ xe được cấp phép, mà do ai đó đã mua một lọ sơn kẻ, tập vé tự in làm. Thậm chí chẳng cần vé mà người đỗ xe vẫn phải đưa tiền”.

Các chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, cách để Hà Nội không biến thành một bãi đỗ xe tự phát khổng lồ, chỉ có thể là thay đổi chính sách, mục tiêu làm các bãi đỗ xe. Sao cho lợi ích từ việc đầu tư, kinh doanh bãi đỗ xe lớn hơn việc chiếm dụng công sản làm bãi đỗ xe tự phát.

Bắt đầu từ công tác dẹp bằng được các bãi đỗ xe tự phát, điều chỉnh chi phí gửi xe xứng đáng với chi phí đầu tư, và điều đó đồng nghĩa với chặt bỏ “lợi ích nhóm” – một câu chuyện đã được đề cập từ nhiều đời lãnh đạo Hà Nội trước đây, nhưng chưa ai làm được.

Bao giờ có ngành công nghiệp đỗ xe?

Cách đây 1 năm, VOV Giao thông từng phát sóng loạt phóng sự với nhan đề “Ai thực sự muốn làm bãi đỗ xe?”. Loạt bài đi tìm thực trạng các bãi đỗ xe vẫn còn nằm trên giấy, các bãi đỗ xe đã thành hình và hướng đi, ý định của Hà Nội trong việc tháo “thế bòng bong” hiện tại về giao thông tĩnh.

Trong đó, những khảo sát về các dự án đã thành hình, tình hình tài chính và công suất hoạt động của chúng là một chỉ dấu hữu ích với các nhà làm chính sách. Điển hình là Dự án bãi đỗ xe ngầm dưới công viên Mễ Trì Hạ. Chủ đầu tư cho biết, dù rất cố gắng thu hút khách hàng, nhưng chỉ lấp được 1/3 công suất tối đa (700 chỗ). Ngoài đỗ xe, họ buộc phải mở các nhà hàng, dịch vụ giải trí khác để trang trải chi phí vận hành, đầu tư.

Nguyên nhân cốt lõi là bãi đậu xe ngầm trị giá 300 tỷ đồng này không thể cạnh tranh với 2 bãi đỗ xe lậu trên các khu đất dự án “treo” và mặt đường Phạm Hùng – vốn có giá gửi rẻ hơn, đơn vị tổ chức trông xe không mất kinh phí đầu tư quá lớn.

Cực chẳng đã, chủ đầu tư Dự án bãi xe ngầm Mễ Trì Hạ đành chờ thêm thời gian, hy vọng lượng dân đổ về khu vực sẽ tăng thêm, đồng thời chính sách về phí gửi xe sẽ thay đổi, để có phương án tài chính khả dĩ thu hồi vốn.

Rõ ràng, một dự án bãi đỗ xe được cho là kiểu mẫu và rất hiếm ở Thủ đô đã không được tạo điều kiện lý tưởng để vận hành. Tiến độ hồi vốn rất khó khả thi, chưa nói tới việc có lãi.

Chính quyền đô thị dường như chưa coi dịch vụ trông giữ phương tiện là một ngành công nghiệp mũi nhọn, một nguồn thu chủ lực cho ngân sách, dù tiềm năng vô cùng lớn, với hàng triệu phương tiện có nhu cầu chưa được đáp ứng một cách chính thức.

Tính toán của một chuyên gia cho thấy, chỉ tính riêng quận Hoàn Kiếm, nếu chính quyền đô thị quản lý được thị phần của các bãi đỗ xe “lậu” (chiếm 85% phương tiện), nguồn thu có thể đạt 3.000-5.000 tỷ đồng/năm, bằng một nửa ngân sách của quận này - Quá choảng váng!

Hà Nội đang để vuột một thị trường đầy tiềm năng vào tay những đối tượng tổ chức trông giữ xe tự phát. Khi chính quyền đô thị không thể quản lý nổi, một xã hội ngầm sẽ đứng ra cáng đáng nhu cầu có thật về đỗ xe. Và đương nhiên, ngân sách sẽ thất thu, nguồn lợi từ hoạt động khai thác công sản trái phép sẽ chảy vào túi tư nhân, các nhóm lợi ích.         

Sự phá sản các bản quy hoạch bãi đỗ xe không đáng sợ bằng tư duy chệch hướng của lãnh đạo Hà Nội qua các thời kỳ, một khi họ vẫn nhìn nhận rằng, trông giữ xe là một dịch vụ phúc lợi, là một nhu cầu mà chính quyền đô thị phải có trách nhiệm cáng đáng, đáp ứng từ a đến z.         

Chính quyền đô thị chưa nghĩ tới việc thay đổi cơ chế để làm bùng nổ một ngành công nghiệp đầy tiềm năng, đem lại nguồn ngân sách dồi dào, ổn định, bền vững.         

Khi siết chặt việc quản lý công sản, tuyên chiến với lợi ích nhóm, tạo một sân chơi bình đẳng, cơ chế tài chính hấp dẫn, lôi kéo được các nhà đầu tư đổ dồn vào kinh doanh dịch vụ đỗ xe, Hà Nội sẽ thoát khỏi lệ thuộc vào các bãi đỗ xe tự phát.         

Như VOV Giao thông đã đặt câu hỏi “Ai thực sự muốn làm bãi đỗ xe?”, thực ra nó cũng giống như cách đặt vấn đề “Hà Nội có thực sự muốn làm bãi đỗ xe?”         

Nếu nhìn vào kết quả quy hoạch và các chính sách mà thành phố này đang hướng tới, một ngành công nghiệp đỗ xe thông minh, đáp ứng mong mỏi của người dân Thủ đô xem ra vẫn còn quá diệu vợi.

Người dân Thủ đô sẽ còn phải chìm sâu trong các cuộc tranh giành chỗ đỗ xe chưa có hồi kết./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cháy hơn 140 xe máy tại bãi giữ xe vi phạm pháp luật ở Bình Dương
Cháy hơn 140 xe máy tại bãi giữ xe vi phạm pháp luật ở Bình Dương

VOV.VN - Công an Bình Dương khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ cháy hơn 140 xe máy tại bãi tạm giữ phương tiện vi phạm pháp luật của Công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một.

Cháy hơn 140 xe máy tại bãi giữ xe vi phạm pháp luật ở Bình Dương

Cháy hơn 140 xe máy tại bãi giữ xe vi phạm pháp luật ở Bình Dương

VOV.VN - Công an Bình Dương khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ cháy hơn 140 xe máy tại bãi tạm giữ phương tiện vi phạm pháp luật của Công an phường Tân An, TP Thủ Dầu Một.

Vành đai 3 trên cao Hà Nội: Đã đến lúc gọi đúng tên để tổ chức lại giao thông?
Vành đai 3 trên cao Hà Nội: Đã đến lúc gọi đúng tên để tổ chức lại giao thông?

VOV.VN - Có nên coi đường Vành đai 3 trên cao là cao tốc hay không? Hay đã đến lúc cần gọi đúng tên để từ đó tổ chức giao thông cho phù hợp trạng thái hiện tại của nó? Phóng viên VOV trao đổi với một số chuyên gia xung quanh nội dung này.

Vành đai 3 trên cao Hà Nội: Đã đến lúc gọi đúng tên để tổ chức lại giao thông?

Vành đai 3 trên cao Hà Nội: Đã đến lúc gọi đúng tên để tổ chức lại giao thông?

VOV.VN - Có nên coi đường Vành đai 3 trên cao là cao tốc hay không? Hay đã đến lúc cần gọi đúng tên để từ đó tổ chức giao thông cho phù hợp trạng thái hiện tại của nó? Phóng viên VOV trao đổi với một số chuyên gia xung quanh nội dung này.

Chấn chỉnh vi phạm sau bài viết về xe ngược chiều ở đường phố Hà Nội đăng trên VOV.VN
Chấn chỉnh vi phạm sau bài viết về xe ngược chiều ở đường phố Hà Nội đăng trên VOV.VN

VOV.VN - Ngay sau khi Báo Điện tử VOV thông tin về rất nhiều trường hợp người dân vô tư đầu trần lao xe ngược chiều trên đường phố Hà Nội gây mất trật tự an toàn giao thông, phòng CSGT Hà Nội đã có động thái tích cực để chấn chỉnh.

Chấn chỉnh vi phạm sau bài viết về xe ngược chiều ở đường phố Hà Nội đăng trên VOV.VN

Chấn chỉnh vi phạm sau bài viết về xe ngược chiều ở đường phố Hà Nội đăng trên VOV.VN

VOV.VN - Ngay sau khi Báo Điện tử VOV thông tin về rất nhiều trường hợp người dân vô tư đầu trần lao xe ngược chiều trên đường phố Hà Nội gây mất trật tự an toàn giao thông, phòng CSGT Hà Nội đã có động thái tích cực để chấn chỉnh.