Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội
VOV.VN - Thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề cao hơn gấp 2-3 lần lao động thuần nông, qua đó, góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên tỷ lệ lao động tại làng nghề tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp.
Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động, trong đó có hơn 1.700 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD/năm.
Các chuyên gia lao động cho rằng: Trong thực tế thu nhập bình quân của lao động tại các làng nghề cao hơn gấp 2-3 lần lao động thuần nông, qua đó, góp phần ổn định an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên tỷ lệ lao động tại làng nghề tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp. Điều này dẫn đến nguy cơ lọt lưới an sinh khi người dân hết tuổi lao động, tạo gánh nặng cho con cái, cộng đồng khi về già.
Khi được hỏi, nhiều người lao động cho biết: một phần lý do họ chưa tham gia BHXH tự nguyện là do họ chưa hiểu rõ các chính sách của BHXH, thu nhập của họ cũng không cao, chưa ổn định.
Chị Lê Thị Anh, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội chia sẻ: Chính sách BHXH địa phương chưa được tuyên truyền rộng, nên em cũng chưa hiểu rõ về bảo hiểm xã hội mai sau sẽ được hưởng lương như thế nào. Cũng chỉ nghe thấy là đóng BHXH thì mai sau cũng sẽ được lương hưu có một khoản nhỏ nò đó để an dưỡng tuổi già. Mình thì buôn bán, lương khoảng 6 triệu/tháng, với mức lương thấp như vậy thì cũng chưa nghĩ đến đóng BHXH. Hiện mình chỉ đóng BHYT thôi.
Các ý kiến chuyên gia cho rằng, một trong những lý do quan trọng nữa là các thủ tục, cơ chế chính sách của BHXH chưa thật sự thông thoáng, thuận tiện, chưa hấp dẫn người dân. Hiện, những người tham gia BHXH tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất. Để lao động tự do, lao động làng nghề tham gia vào hệ thống an sinh xã hội, tham gia BHXH tự nguyện thì cần có cơ chế đóng linh hoạt hơn; tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động làng nghề về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần cho người lao động làng nghề đóng BHXH tự nguyện trong thời gian đầu để khuyến khích họ tham gia vào lưới an sinh của BHXH: "Tôi nghĩ nhà nước nên có một quỹ nào đó hỗ trợ ban đầu để họ có thể có thêm một phần tiền, một phần kinh phí họ mua bảo hiểm tự nguyện để sau đó họ yên tâm tuổi già nếu không sẽ rất khó khăn, để có thể phủ rộng như mong muốn của Luật BHXH".
Để thu hút lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội, Các chuyên gia cho rằng kỳ vọng trong lần bàn thảo của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ giữ được các điều khoản nhằm tạo điều kiện cho mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân, bám sát 5 chính sách gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.