Để xe đạp không vắng bóng trên làn đường riêng
VOV.VN - Việc triển khai làn đường riêng cho xe đạp dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình, đường Hoàng Minh Thảo (Hà Nội) cần lưu ý gì để thực sự hiệu quả, tránh lãng phí?
Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất thí điểm tổ chức làn đường riêng cho xe đạp dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình, đường Hoàng Minh Thảo, nhằm tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo sản phẩm phục vụ du lịch. Vậy nên triển khai làm sao để thực sự hiệu quả, tránh lãng phí?
Ông Đồng Văn Hài, ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm ngày nào cũng đạp xe 20km để rèn luyện sức khỏe. Khi được biết công viên Hòa Bình gần nhà được đề xuất làn đường riêng dành cho xe đạp, ông Hài cảm thấy rất vui mừng.
“Xe máy, ô tô,… mọi thứ trên đường, riêng xe đạp đi trên vỉa hè thì không đúng, còn đi xuống đường giao thông thì khó khăn và ngại. Trong tương lai, nếu như có điều kiện mở ra mọi khu phố, mọi ngóc ngách thì càng tuyệt vời, an toàn hơn và có vẻ văn minh như người Tây vậy”, ông Hài nói.
Đa phần người tham gia giao thông ủng hộ chủ trương thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp, dù vẫn còn một số băn khoăn.
- “Đi đường hay có người đi xe đạp qua đường chặn lại, có đường dành riêng cho xe đạp càng đỡ ách tắc giao thông thôi”.
- “Thứ nhất là người dân có không gian để tập thể dục, thể thao. Thứ hai là đảm bảo an toàn cho đường ô tô, xe máy lưu thông. Em mong chủ trương này của Thành phố sẽ được triển khai sớm”.
- “Đường phố Hà Nội đa số chật hẹp hết rồi, nên nếu dành riêng một làn thì các làn cho ô tô, xe máy bị thu hẹp lại, cũng rất là khó”.
Theo ThS. Vũ Anh Tuấn, Trường đại học GTVT, việc TP. Hà Nội xoay trục chính sách, quan tâm phát triển loại hình xe đạp là một chủ trương đúng đắn, góp phần bảo vệ môi trường và giúp người dân rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, việc bố trí hạ tầng ưu tiên tại đô thị như Hà Nội là bài toán cực kỳ khó khăn bởi đường sá hầu hết đã quá tải.
“Thách thức là làm sao chúng ta có thể tích hợp trên mạng lưới, tạo thành những tuyến đường xe đạp liên thông để hệ thống này có thể hoạt động mà không gây ra những xung đột với phương tiện cơ giới khác. Những không gian có thể thực hiện được như các tuyến đường ven sông, rồi một số tuyến đường có vỉa hè lớn, còn quỹ đất, không gian”, ThS. Vũ Anh Tuấn cho hay.
“Chúng ta có thể xem xét bố trí xe đạp sử dụng một phần của vỉa hè, không gây ảnh hưởng, xung đột với các phương tiện cơ giới khác và không ảnh hưởng quá lớn đến người đi bộ. Thứ hai, làm sao để kết nối với các phương tiện giao thông công cộng. Không chỉ bố trí các làn đường cho xe đạp cá nhân, mà chúng ta cần phải quan tâm, xem xét phát triển loại hình xe đạp công cộng”, ThS. Vũ Anh Tuấn nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, ThS. Vũ Anh Tuấn cũng đề cập giải pháp giảm thiểu tác động của thời tiết, như bố trí cây xanh trên các tuyến đường dành cho xe đạp; hay các yếu tố đặc thù, như tuyến đường ven sông Tô Lịch. Với ảnh hưởng của mùi nước thải ô nhiễm thì việc cải thiện môi trường là nhiệm vụ mà cơ quan quản lý cần phải cân nhắc.
Còn theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức, để triển khai được mạng lưới đường dành riêng cho xe đạp hiệu quả thì cần xác định rõ mức độ ưu tiên.
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, trước đây, tổ chức giao thông của chúng ta là ưu tiên xe cơ giới, cắt xén vỉa hè. Cho nên, đầu tiên phải xác định rõ mức độ ưu tiên, ưu tiên cái gì? Thứ hai, giao thông có tính liên kết, phải làm thế nào gắn người đi xe đạp với các phương tiện giao thông công cộng.
“Ví dụ, người ta đến nơi phải có chỗ gửi xe đạp để người ta lên xe công cộng đi. Bước đầu thực hiện thì bao giờ cũng có những trục trặc nhất định. Vì thế, cần theo dõi xem có những bất cập gì để sửa ngay. Khi chúng ta theo dõi khoa học thì chúng ta sẽ có dữ liệu, thông tin để tiến tới hình thành tiêu chuẩn kỹ thuật cho làn đường đi xe đạp”, TS. Nguyễn Hữu Đức cho hay.
Anh Võ Hoàng Phúc, quản trị viên của cộng đồng “Đạp xe đi làm” (Cycle to work), làn đường riêng là mong mỏi bấy lâu này của những người thường xuyên sử dụng xe đạp, nhưng để thúc đẩy sử dụng phương tiện này thì cần nhiều giải pháp, không chỉ từ phía cơ quan quản lý.
“Thứ nhất, người đạp xe phải tự ý thức về việc bảo vệ sức khỏe của mình bằng hoạt động lành mạnh là đạp xe. Thứ hai là phải có ý thức về giao thông. Tiếp theo là sự hỗ trợ của chính quyền để có những khu để trông giữ xe đạp. Khi đạp xe đi làm, anh chị em chia sẻ vấn đề là đổ mồ hôi rất nhiều, tới chỗ làm thì không có chỗ tắm. Để đạp xe đi làm được thì cần sự chung tay của bên thứ ba là những công ty, tạo điều kiện có chỗ tắm. Đây là đóng góp rất cần thiết cho việc đạp xe đi làm”, anh Phúc cho biết.
Giao thông xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hướng tới giao thông xanh không chỉ là giảm bớt khí thải từ phương tiện, mà còn là khuyến khích, hỗ trợ các phương tiện ít hoặc không xả khí thải như xe đạp.
Làn đường dành cho xe đạp là giải pháp cần thiết để khuyến khích loại hình này phát triển, song triển khai thế nào cho hiệu quả thì cần sự quyết tâm, trách nhiệm của cơ quan quản lý chứ không chỉ dừng lại ở mức thí điểm.