Đề xuất bệnh nhân nặng được “vượt tuyến” không cần giấy chuyển viện
VOV.VN - Người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng sẽ được chuyển thẳng cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế xây dựng. Xung quanh nội dung mang tính đột phá này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số.
PV: Bác sĩ đánh giá thế nào về đề xuất người bệnh nặng được chuyển tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện?
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên: Tôi cho rằng, điều này rất tốt. Trong phân cấp, quy trình của bên bảo hiểm có phân tầng mỗi cấp một nhiệm vụ, cần có giấy mới được chuyển bệnh nhân đi để hưởng BHYT. Đây là cả một thách thức cho người nhà bệnh nhân.
Có một tâm lý của cơ sở y tế tuyến dưới, nhiều khi họ không quyết định được rõ ràng việc đưa người đi, vì có thể nó thể hiện điểm yếu của cơ sở y tế của mình. Không chẩn đoán, điều trị được thì ảnh hưởng uy tín. Thứ hai là nếu chuyển bệnh nhân đi, chi phí về BHYT chuyển lên tuyến trên, nên nhiều khi bị hạn chế về nguồn lực. Đôi khi họ cứ giữ và điều trị mà không kiểm soát được tình huống, chuyên môn ca bệnh.
Nếu bệnh nhân đến sớm, xử lý sớm thì kết quả đấy sẽ rất khả quan. Nhưng điều trị muộn thì vấn đề sức khỏe rất trở ngại trong việc giải quyết bệnh và phục hồi sức khỏe. Tôi cho rằng, nếu làm được vượt tuyến mà không có giấy chuyển viện là rất tốt.
PV: Có ý kiến e ngại việc mất cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như chênh lệch bệnh nhân giữa y tế cơ sở với tuyến trên, đặc biệt là tuyến trung ương?
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên: Nó sẽ có tác động nhất định đến các tuyến dưới. Nhưng về lý, các vấn đề sức khỏe bình thường, người ta sẽ không cố gắng vượt rào đâu. Ví dụ khám chữa bệnh thông thường vẫn tuân thủ bảo hiểm vì được hưởng quyền lợi chi trả bảo hiểm y tế rất nhiều. Người nghèo, người khó khăn vẫn ở y tế cơ sở để hưởng bảo hiểm. Người ta sẽ không vì một bệnh không rõ ràng mà chạy thẳng lên tuyến trên thì không thực tế lắm. Trừ trường hợp ở gần y tế huyện thì sang thôi.
Trừ trường hợp, họ đến đấy, y tế xã, huyện cho biết không điều trị được thì sẽ tạo điều kiện chuyển lên. Họ biết năng lực rồi, điều trị 5-7 ngày nhưng không được như ý muốn thì họ sẽ phải chuyển.
Như vậy, việc có chính sách đó sẽ tác động đến y tế cơ sở. Tuyến huyện, tuyến tỉnh muốn phát triển chuyên môn sâu nhưng người bệnh không tin tưởng thì lúc đó anh sẽ gặp khó khăn. Thì lúc này, vấn đề lại là phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế, chứ không chỉ là việc giữ bệnh nhân lại để trưởng thành hơn cho cơ sở y tế. Anh cần tự học, tự rèn luyện, học hỏi làm được kỹ thuật, quảng bá, tiếp thị, qua quần chúng, truyền thông thì sẽ dần xây dựng được niềm tin của người dân tin tưởng để đến khám chữa bệnh.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ.