Đề xuất làm Vành đai 5 TP.HCM
VOV.VN - Phát biểu tại Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra sáng 31/1, đại diện UBND tỉnh Bình Dương đề xuất TP.HCM đưa vào quy hoạch Vùng làm đường đường Vành đai 5 kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.
Cần làm Vành đai 5 TP.HCM từ sớm
Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hành lang Đông Nam bộ là trục kinh tế chính của Vùng, nối từ Tây Nguyên, qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải.
TP.HCM đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Do đó, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia và của Vùng.
Riêng tại Bình Dương, hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4 và hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP.HCM cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Dành cho biết thêm, hiện nay Chính phủ cũng đã có quyết định đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Quốc lộ 13C nên cần phải tính toán dần đường Vành đai 5: "Do đó nếu không có hướng đầu tư Vành đai 5 TP.HCM từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn lớn khi các trục giao thông lớn đổ về đây. Cho nên phải cập nhật quy hoạch đường Vành đai 5".
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề xuất cần nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa và đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; bổ sung đoạn khuyết từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và 3.
Quan tâm giao thông kết nối Vùng
Cũng tại hội nghị, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá, hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng nói chung chưa được liền mạch. Đặc biệt, việc kết nối với Tây Ninh đã rất cấp thiết.
Ông Thắng dẫn chứng, để dự cuộc họp tại TP.HCM vào lúc 8h, đoàn Tây Ninh phải chuẩn bị từ lúc 4h để kịp ăn sáng, di chuyển; quãng đường chỉ khoảng 100km nhưng tốn rất nhiều thời gian. Do đó, vấn đề quy hoạch hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng, giữa TP.HCM với Tây Ninh nói riêng là hết sức cấp thiết: "Tây Ninh đề nghị TP.HCM định hướng quy hoạch hạ tầng và giành nguồn lực tập trung để phát triển hành lang quan trọng như Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đường Xuyên Á, các hạ tầng đường thủy, đường sắt đảm bảo đồng bộ".
Bà Phan Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Bình Phước nhận định, quy hoạch TP.HCM đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển chung của vùng. Bình Phước cũng xác định kết cấu hạ tầng của địa phương với các tỉnh trong vùng đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Tỉnh Bình Phước đề nghị TP.HCM quan tâm bổ sung cập nhật các tuyến Quốc lộ 13b, 13c và 14c trong báo cáo tổng thể quy hoạch…