Đề xuất xây dựng công ước về quyền của người cao tuổi
VOV.VN - Người cao tuổi trên toàn thế giới đang kêu gọi Liên Hợp Quốc có công ước về quyền của người cao tuổi.
Thông tin từ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Tại cuộc họp của Nhóm Công tác mở về Người cao tuổi của Liên Hợp Quốc (OWEGA) diễn ra từ 14 – 16/7 tại New York (Mỹ), người cao tuổi trên toàn thế giới đang kêu gọi Liên Hợp Quốc có công ước về quyền của người cao tuổi, khi chính phủ các nước đang họp tại Liên Hợp Quốc.
Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam khám, chữa bệnh cho người cao tuổi |
Ông Mwiche Vincent Siwale, 81 tuổi, một công chức đã nghỉ hưu, là thành viên sáng lập Hội Công dân Cao tuổi của Zambia, cho biết: “Ở Zambia, người cao tuổi bị phân biệt đối xử trong phân bổ đất đai và trong tiếp cận vốn vay cũng như thế chấp. Họ bị coi thường, làm nhục, lăng mạ, chế giễu và sỉ nhục. Người cao tuổi rất đau khổ khi bị buộc tội là đã sử dụng ma thuật, chỉ đơn giản là do họ có tóc bạc và mắt đỏ mà có thể bị thiêu hoặc chém đến chết”.
Ông Mwiche Vincent Siwale nói thêm: “Đã đến lúc cần có một công ước về quyền của người cao tuổi để các chính phủ, nhất là các chính phủ châu Phi, có thể hành động để bảo vệ người cao tuổi”.
Với số dân từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh trên toàn thế giới, tổ chức HelpAge tin rằng, việc có một công ước quốc tế về quyền của người cao tuổi là cách hiệu quả nhất để đảm bảo tất cả mọi người, hiện tại và tương lai, khi về già vẫn được hưởng các quyền con người của mình bình đẳng với những người khác.
Bà Bridget Sleap, cố vấn cao cấp về quyền của HelpAge International cho biết: “Quyền của người cao tuổi vẫn còn mờ nhạt trong hệ thống nhân quyền quốc tế. Chỉ có 4 trong hơn 38.000 kiến nghị trong Đánh giá Định kì của Hội đồng Nhân quyền là đề cập cụ thể về vấn đề phân biệt đối xử đối với người cao tuổi.
Có một công ước mới sẽ thay đổi điều đó. Và tuần này ở New York, các chính phủ ủng hộ công ước này sẽ đưa ra những nội dung mà họ muốn công ước đề cập đến, những quyền cần được bảo vệ và các chính phủ cần làm gì để công ước thành hiện thực”.
Ở Việt Nam, bà Phạm Tuyết Nhung (64 tuổi, Phó ban Đối ngoại hội Người cao tuổi Việt Nam) đã đại diện cho 8,4 triệu thành viên của Hội, là một trong những người cao tuổi sẽ gặp đại diện các chính phủ ở New York, tham gia đóng góp ý kiến ở các phiên họp của Nhóm Công tác mở về Người cao tuổi của Liên Hợp Quốc (OWEGA); cũng như sẽ phát biểu tại một sự kiện chia sẻ về những trường hợp người cao tuổi bị phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác.
Bà Phạm Tuyết Nhung cho biết, việc có công ước sẽ tạo ra sự thay đổi lớn đối với cuộc sống của người cao tuổi Việt Nam và trên thế giới.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã đề nghị Bộ Ngoại giao thay mặt Chính phủ Việt Nam ủng hộ việc cần có công ước quốc tế về quyền của người cao tuổi và thông qua phái đoàn ngoại giao của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tham dự phiên họp này; giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đóng góp ý kiến, đề xuất các biện pháp cụ thể cho dự thảo công ước về quyền của người cao tuổi./.