Đến 2015, 100% các xã có đường giao thông nông thôn
Nhờ phát triển giao thông đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn nước ta hiện nay.
Sáng 21/4, tại thành phố Phủ Lý, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2001 – 2010, triển khai chiến lược phát triển giao thông đến năm 2020, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an toàn giao thông nông thôn. Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy: Từ năm 2001 - 2010, cả nước đã huy động được gần 87.000 tỷ đồng và hơn 310 triệu ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn. Xây dựng, làm mới được trên 37.200 km đường giao thông nông thôn; sửa chữa, nâng cấp gần 135.000 km đường các loại, làm được trên 14.000 cầu bê tông cốt thép để thay thế cầu khỉ, cầu gỗ ở miền núi, vùng đồng bằng Sông Cửu Long và vùng nông thôn… Đến nay, hầu hết các xã trong cả nước đã có đường cho xe ôtô về được trung tâm xã.
Riêng tỉnh Hà Nam, một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng giao thông nông thôn, đã xây dựng được hệ thống đường liên thôn, liên xã đều khá khang trang. Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, điều quan trọng quan trọng nhất trong xây dựng hạ tầng giao thông là sự đồng thuận của nhân dân. Nhưng trước hết, tỉnh đã ban hành chủ trương, chính sách phù hợp, khơi dậy được sức mạnh của doanh nghiệp và người dân tham gia… Nhờ đó, phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn ở Hà Nam đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong từng thôn, xã.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao phong trào xây dựng, phát triển hệ thống giao thông nông thôn của cả nước trong thời gian qua. Nhờ phát triển giao thông, đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn nước ta hiện nay.
Phó Thủ tướng biểu dương các nông dân ở nhiều địa phương đã tình nguyện hiến đất, góp công sức làm đường, góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển, xây dựng giao thông nông thôn. Chính quyền các cấp và người dân cũng đã nhận thức rõ được việc phát triển giao thông nông thôn phục vụ thiết thực cho đời đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra một số tồn tại trong xây dựng giao thông nông thôn, trước hết là quy hoạch thiếu tầm chiến lược, chất lượng thi công còn kém, không đảm bảo kỹ thuật gây mất an toàn và lãng phí; việc quy hoạch giao thông nông thôn chưa đồng bộ gây khó khăn trong thi công; đội ngũ cán bộ theo dõi, quản lý giao thông còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt việc phát triển đường giao thông nông thôn miền núi chưa có chuyển biến mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ giao thông vận tải trong thời gian tới cần phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung phát triển giao thông nông thôn, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sông nước… tạo cơ chế thu hút mọi nguồn lực cho phát triển giao thông nông thôn.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao Huân chương, Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đã có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng phát triển giao thông nông thôn.
Bộ Giao thông Vận tải đã phát động triển khai chiến lược quốc gia phát triển giao thông nông thôn đến năn 2020 và tần nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năn 2015, 100% các xã trong cả nước có đường giao thông nông thôn, có đường ô tô về đến xã; các xã đặc biệt khó khăn, ở đảo, cù lao sẽ xây dựng bến phà, bến tàu cho nhân dân đi lại thuận tiện./.