Đến năm 2020, tăng từ 1,5cm đến 2cm chiều cao của trẻ em 5 tuổi
VOV.VN -Mục tiêu đến năm 2020 của Bộ Y tế là sẽ tăng chiều cao của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2 cm so với năm 2010.
Sáng 31/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dinh dưỡng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.
Đến năm 2020, tăng từ 1,5 đến 2cm chiều cao của trẻ em 5 tuổi (ảnh minh họa)
Kế hoạch hành động quốc gia đã xác định mục tiêu dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng chiều cao của trẻ em 5 tuổi từ 1,5 đến 2 cm so với năm 2010, tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới từ 1 đến 1,5cm so với năm 2010. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn quốc xuống 21,5%, ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 28%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5%, tăng tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt 35%.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dù được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn ở mức cao 24,3%, thậm chí khu vực miền núi phía Bắc là hơn 30% và Tây Nguyên là 34,2%. Trong khi tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện thì tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng gia tăng nhanh cả ở trẻ em và người trưởng thành.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Bộ Y tế sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng và hoạt động thể lực. Bên cạnh đó sẽ xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân, béo phì, dinh dưỡng dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng; ưu tiên việc chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, bao gồm chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi”.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam cần huy động các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp tham gia vào thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng./.
Từ vụ bạo hành trẻ: Yêu cầu công khai tên, bằng cấp giáo viên mầm non
Đề xuất miễn đóng học phí ở cấp mầm non