Đèo Pha Đin – tuyến đường huyết mạch của mọi thời kỳ
VOV.VN - 65 năm trôi qua, tuyến đường ấy vẫn giữ nguyên vị trí huyết mạch và những giá trị lịch sử hào hùng
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đèo Pha Đin là một trong những tuyến đường huyết mạch để hậu phương vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu.
Đèo Pha Đin tiếp tục trở thành trọng điểm về giao thông, giúp Điện Biên nối liền giao thương với các địa phương khác trong cả nước. |
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), cùng với Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin cũng là một trong những trọng điểm giao thông bị thực dân Pháp đánh phá vô cùng ác liệt. Bởi địch hiểu nếu cắt đứt được tuyến đường huyết mạch này thì quân đội ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi không nhận được đầy đủ chi viện là lương thực, súng đạn từ hậu phương.
Do đó 32Km đường đèo từ phía Thuận Châu (Sơn La) đến Tuần Giáo (Điện Biên) luôn bị các loại máy bay Hen-cat, B29 của địch đánh phá suốt ngày đêm bằng nhiều loại bom như: bom bi, bom cháy Napan, bom nổ chậm…
Ở độ cao khoảng 1.600 mét so với mực nước biển, rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn cua gấp khúc, dốc đứng, vực sâu nên sau mỗi loạt bom của địch là nhiều đoạn tuyến trên đèo Pha Đin đều bị hư hỏng nặng.
Xác định đèo Pha Đin là tuyến đường huyết mạch chi viện cho bộ đội ta tại Điện Biên Phủ nên 9 đại đội thuộc đội 40, đoàn thanh niên xung phong trung ương với gần 2.000 thanh niên xung phong đã được tăng cường trải khắp trên các đoạn tuyến này.
Dù bị địch đánh phá ác liệt, đội hình phân tán nhưng với quyết tâm “thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông luôn được giữ vững”, các đại đội thanh niên xung phong đã anh dũng vượt qua bom đạn, lao động hết mình, kiên cường bám trụ ngày đêm làm đường, sửa đường, rà phá bom, đảm bảo thông đường, thông xe ra tiền tuyến.
Ông Nguyễn Văn Thái, cựu thanh niên xung phong thuộc Đại đội 408, đội 40, đoàn thanh niên xung phong trung ương đang ở tổ dân phố 13, phường Tân Bình, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: "Với quyết tâm của bộ đội công binh cùng hàng vạn dân công, thanh niên xung phong không quản ngày đêm lao động, vượt qua mưa bom, bão đạn, các đường số 41, số 13 (nay là Quốc lộ 6) và đèo Pha Đin huyết mạch luôn được giữ thông suốt, đảm bảo cho các đoàn xe đạp thồ, pháo binh, phương tiện vận chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực của ta tiếp tế cho bộ đội chủ lực đánh thắng tại chiến trường Điện Biên Phủ".
"Pha Đin là chỗ quan trọng, bởi vì nó là điểm sát Điện Biên, sát Điện Biên Phủ, rất nguy hiểm. Khi địch đánh một điểm trên đèo thì có thể phá mấy điểm liền vì thế cho nên ta cũng bảo vệ nghiêm ngặt đèo Pha Đin. Mà trung ương yêu cầu là bằng mọi giá phải đảm bảo giao thông thông suốt của tuyến đường phục vụ chiến dịch để thắng lợi. Khi có báo động máy bay địch bằng súng thì anh em lại tản ra. Khi ngừng ném bom lại lao xuống đường, đào, cuốc, lấp hố bom, đổ đá, lát gỗ. Sau 2-3 tiếng đồng hồ thì đường lại tiếp tục thông suốt", ông Thái nói.
65 năm đi qua, tuyến đường huyết mạch vận tải của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại đèo Pha Đin đã xóa đi những tàn tích phá hoại của bom đạn trong chiến tranh, thay vào đó là một cung đường đèo hùng vĩ trùng điệp, thơ mộng được trải rộng, thảm nhựa, giảm cua gấp, hạ độ cao đảm bảo cho các loại phương tiện siêu trường, siêu trọng nhất cũng có thể đi qua.
Nếu trong chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, Pha Đin được coi là tuyến đường huyết mạch đảm bảo hậu cần góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, thì trong thời bình cung đường này vẫn vẹn nguyên giá trị là truyến đường giao thông quan trọng nối liền Điện Biên với các tỉnh thành khác trong cả nước.
Nhờ phát huy được những lợi thế của tuyến giao thông trọng điểm này, ngay cả những bản làng vùng cao, khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên sinh sống trên đỉnh đèo Pha Đin như tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cũng đã có nhiều đổi thay, khởi sắc hơn trước.
Giao thông thuận lợi, sản phẩm nông sản từ hàng trăm héc ta cà phê, táo mèo của người dân nơi đây đã không còn lo lắng về đầu ra khi các phương tiện vận chuyển lớn đã có thể tập kết để thu gom hàng cho người dân vận chuyển đi các tỉnh miền xuôi.
Thêm vào đó, do được mệnh danh là tứ đại đường đèo với khung cảnh hùng vĩ, đèo Pha Đin hiện nay còn là điểm đến du lịch hấp dẫn với những khu du lịch sinh thái được chính người dân bản địa tạo dựng lên.
Ngoài các tuyến giao thông khác như Quốc lộ 4H, Quốc lộ 12 nối Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai thì tuyến Quốc lộ 279, Quốc lộ 6 từ Điện Biên đến đèo Pha Đin rồi đi các tỉnh miền xuôi được tỉnh Điện Biên xác định đây là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng có ý nghĩa vô cùng to lớn quyết định đến sự phát triển của địa phương trong giai đoạn tới.
Do đó cùng với việc đẩy mạnh xin chủ trương đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, việc đầu tư, nâng cấp tuyến đường bộ này được tỉnh triển khai thường xuyên hàng năm để đảm bảo thuận lợi cho các phương tiện khi lên với mảnh đất Điện Biên lịch sử. Nhờ hạ tầng giao thông phát triển, đảm bảo mà từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đến nay Điện Biên đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển của vùng Tây Bắc và phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: "Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến tỉnh Điện Biên và có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển cho tỉnh. Và chúng ta thấy rằng tỉnh Điện Biên từ một tỉnh đặc biệt khó khăn cho đến nay đã có nhiều thành tựu phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Do vậy chúng ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng để đảm bảo cho các du khách các tỉnh đến Điện Biên thì đây là vấn đề rất quan trọng."
“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”
Những câu thơ đi vào lòng người ấy của nhà thơ Tố Hữu một lần nữa khẳng định lại địa danh đèo Pha Đin đã đi vào sử sách, lịch sử dân tộc như một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc ta. Khẳng định tầm quan trọng của tuyến giao thông huyết mạch trong cả quá khứ và hiện tại phát triển của Điện Biên Phủ hôm nay./.
Điện Biên: Tổ chức triển lãm “Điện Biên Phủ - Một thiên sử vàng”