Đẹp lắm những nghị lực phi thường

Với ý chí và nghị lực phi thường, những thương binh, bệnh binh,mặc dù mang trong mình vết thương, sự mất mát của chiến tranh, nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận, vẫn đang hàng ngày góp phần làm đẹp cho xã hội

Là thương binh hạng 3/4, anh Thái Đại Phong, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong, (thành phố Vinh, Nghệ An), chuyên sản xuất và kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu. Trước đó, anh từng có 15 năm công tác trong quân đội, 10 năm công tác tại chiến trường Campuchia. Sau khi được cử đi lao động hợp tác tại Đức, trở về nước, anh được bạn bè giới thiệu nghề mây tre đan xuất khẩu. Với vốn ban đầu chỉ có 30 triệu đồng, anh cùng 5 người bạn bắt tay vào làm.

Thời gian đầu, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng với bản chất của một người lính, anh Phong kiên trì nhẫn nại, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và cải tiến mẫu mã. Sau 7 năm lao động vất vả, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh tổ chức nhiều lớp học, đào tạo nghề cho người dân, đến nay anh đã truyền nghề cho hơn 20.000 người của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Doanh số của Công ty những năm trước đó chỉ đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm, đến năm 2009 đạt trên 18 tỷ đồng. Các sản phẩm mây tre đan của Công ty anh có thương hiệu tốt, uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, anh còn hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp khác thành lập và cùng sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt. Anh Thái Đại Phong cho biết mong muốn của anh là tiếp tục duy trì và phát triển, tạo được nhiều công ăn việc làm hơn nữa cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn.

Không chỉ có những người thương binh mới phải trải qua nỗi đau về thể xác do bom mìn của cuộc chiến tranh để lại, mà thế hệ sau, những thân nhân của các liệt sĩ cũng phải gánh chịu nỗi đau cả cuộc đời, đó là mất đi người thân yêu nhất của mình. Để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha ông, họ đã vươn lên mãnh liệt trong cuộc sống và làm được nhiều điều có ích cho đất nước, cho xã hội. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ Trường Nội trú Nguyễn Viết Xuân (Hà Nội), con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng là một điển hình.

Sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, cha anh hy sinh khi mẹ anh tròn 24 tuổi, mẹ anh đã ở vậy nuôi anh đến lớp 12,  nhưng rồi một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi người mẹ thân yêu của anh. Mong muốn lớn nhất cuộc đời anh là được một lần nhìn mặt bố và thèm khát được gọi tiếng “Cha ơi!”,  thế nhưng ước mơ ấy mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực thì anh lại phải chịu đựng nỗi đau mất mẹ…

Vượt qua nỗi đau lớn về tinh thần, anh ra sức tu dưỡng, rèn luyện và bước chân vào giảng đường Đại học Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp Đại học, cao học, anh về công tác tại trường Nguyễn Viết Xuân với cương vị là Hiệu trưởng, kiêm Bí thư chi bộ. Mái trường nơi anh quản lý mang tính đặc thù, toàn bộ các đối tượng là con thương binh, liệt sĩ, mồ côi, trong đó thiểu năng trí tuệ chiếm tới 12%.

Trong quá trình công tác, anh Tuấn luôn xác định, ngôi trường này là nơi thể hiện và cụ thể nhất các chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” và chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với con thương binh, con liệt sĩ, mồ côi. Vì vậy, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục truyền thống, đạo lý luôn được quan tâm, trú trọng nhằm giáo dục các em trưởng thành toàn diện về mọi mặt. Anh Nguyễn Anh Tuấn tâm sự, có được những thành quả như ngày hôm nay là do có sự tiếp sức từ những trang nhật ký thân thương của người cha để lại cho anh và hình ảnh tần tảo sớm hôm của người mẹ bạc mệnh.

Xúc động nghẹn ngào, anh Tuấn nói: “Tôi nghĩ, cha mình đã hy sinh vì đất nước, không tiếc máu xương cùng với những đồng đội khác để giữ gìn thành quả Cách mạng, độc lập tự do mà mình lại đầu hàng khó khăn, đầu hàng số phận thì không được. Mình không làm được gì chẳng nhẽ sự hy sinh ấy là vô nghĩa hay sao?!”

Cũng như anh Nguyễn Anh Tuấn, bà Phạm Thuý Hiệp, một tiểu thương trú tại thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), có chồng hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1983 là một điển hình khác. Bà trở thành quả phụ khi mới 24 tuổi và con trai khi ấy chưa đầy 7 tuổi. Sự đớn đau, mất mát ấy chưa qua thì đến năm 1984, bố đẻ bà lại qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, tinh thần suy sụp tưởng chừng không gượng lên được, nhưng rồi nhìn đứa con thơ, bố mẹ chồng già ốm yếu và một đàn em nhỏ nheo nhóc, bằng nghị lực của mình, bà đã gắng sức đứng lên làm chỗ dựa cho cả gia đình.

Năm 1993, sau khi về hưu, bà bắt đầu buôn bán kinh doanh nhỏ các mặt hàng lưu niệm và sau đó chuyển sang kinh doanh dịch vụ giải trí, và đạt được những thành công nhất định. Cuộc sống tưởng rằng cứ thế trôi đi êm ả, nhưng số phận thật nghiệt ngã, cậu con trai duy nhất lại bỏ bà ra đi khi vừa tròn 30 tuổi, sau một trận cảm đột ngột, để lại cho bà cô con dâu và cháu bé sắp chào đời. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, nhưng với bản lĩnh vững vàng, hình ảnh người chồng thân yêu anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc luôn hiện lên trong tâm trí bà và thôi thúc bà cố gắng vượt qua khó khăn, mất mát để tiếp tục sống, làm việc.

Bà Phạm Thuý Hiệp tâm sự: “Được sinh ra trong một gia đình Cách mạng, được hưởng truyền thống yêu nước từ cha ông, nên tôi luôn mang trong mình ý thức vươn lên. Mặc dù trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, phải đi lên từ hai bàn tay trắng, nhưng tôi đã vượt qua tất cả, bởi đã mang dòng máu lính thì phải đạp bằng chông gai.”

Nỗi đau và sự mất mát về thể xác và tinh thần của những người thương binh hay thân nhân của họ đều rất lớn, nhưng họ luôn thể hiện được tinh thần anh bộ đội cụ Hồ kiên cường bất khuất, thể hiện tính gương mẫu của gia đình người có công và ý chí “tàn nhưng không phế” của người thương binh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên