Dẹp phố "cà phê đường tàu" ở Hà Nội: Người ủng hộ, người tiếc nuối

VOV.VN - Người dân khu phố đường tàu Phùng Hưng – Trần Phú bày tỏ ý kiến với việc đóng cửa phố cà phê đường tàu theo chủ trương của chính quyền Thủ đô.

Kể từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, vài tháng gần đây, “phố đường tàu” ở Hà Nội nhộn nhịp trở lại khi có hàng trăm khách du lịch cả trong nước và quốc tế ghé thăm sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nhiều lần cấm nhưng vẫn chưa thể dứt điểm

Sau văn bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị chính quyền xử lý dứt điểm tình trạng bán cà phê, nước giải khát và các mặt hàng trên đường sắt, đoạn phía bắc ga Hà Nội, tối 14/9, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm đã cho rào chắn lại, không cho người dân vào chụp ảnh. Cùng với đó, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng cho biết sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh của những hộ dân đang kinh doanh ở khu vực đường tàu trước ngày 17/9.

Bà Nguyễn Mai Anh, một trong những người đầu tiên mở cửa kinh doanh tại khu vực sát đường tàu cho biết, bản thân bà cũng như nhiều hộ dân nơi đây là nhân viên cũ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, được phân về khu tập thể đường sắt này từ thời còn chiến tranh, với mục đích duy trì đường sắt thông suốt. Lâu dần, người dân ở lâu, sinh con đẻ cái và mưu sinh ngay sát hành lang an toàn đường tàu.

“Hiện giờ từ thứ 2 đến thứ 6, ban ngày không có tàu chạy. Thứ 7 và Chủ nhật có nhiều tàu chạy hơn nhưng so với xưa là giảm rất nhiều. Nhà tôi là một trong những nhà đầu tiên mở quan kinh doanh, lúc đầu là bán chén nước cho mọi người trong khu này. Sau có khách du lịch bán thêm cái ảnh, tranh; Dần dần mới phát triển ra thành cà phê đường tàu. Dân cũng tự bỏ tiền bảo nhau vệ sinh sạch sẽ mới được khang trang, sạch sẽ”, bà Mai Anh cho hay.

Về việc UBND quận Hoàn Kiếm sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh của những hộ dân đang kinh doanh ở khu vực đường tàu trước ngày 17/9, bà Mai Anh bày tỏ sự ủng hộ nếu chính quyền quyết tâm làm nghiêm để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, tuy nhiên, cần có biện pháp cụ thể hoặc lộ trình để giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống.

“Theo quy định về việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt thì tôi thừa nhận là đúng, tuy nhiên, sau bao năm đến nay ngành đường sắt vẫn chưa có biện pháp nào xử lý giúp chúng tôi để thực hiện hành lang an toàn. Nếu chính quyền có thể xử lý dứt điểm, dân chúng tôi ở đây rất ủng hộ. Có thể di dời dân để đảm bảo an cư mới lập nghiệp. Chúng tôi cũng rất mong có cuộc sống ổn định. Còn cứ cấm xong lại bung ra cho làm. Khi người ta mua sắm, đầu tư để làm thì lại cấm. Dân không đảm bảo cuộc sống được”, bà Mai Anh bức xúc.

Anh Nguyễn Anh Dũng, ở số 84 khu vực đường tàu nêu ý kiến: “Chúng tôi mong chính quyền địa phương có giải pháp lâu dài chứ như hiện nay rào cứng lại, ai đi ra đi vào lại phải khai báo đi đâu, nhà ai. Rất bất tiện cho người dân sinh sống ở đây. Chưa kể ngày thường vào ban ngày không có tàu chạy nhưng lại tốn thêm một lực lượng dân phòng, bảo vệ chắn các lối vào khu dân cư, gây tốn kém lại lãng phí”.

Cà phê đường tàu nên xóa bỏ hay giữ lại

Bà Nông Ngọc Thanh, người dân trên phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc kinh doanh ngay sát đường sắt như hiện nay là khá nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

“Tôi hy vọng nhà nước có giải pháp bảo đảm an toàn khu vực đường sắt vì nếu có bất cứ tai nạn gì xảy ra thì ảnh hưởng từ địa phương, nhà nước rồi cả quan hệ quốc tế nữa. Chứ lỡ chẳng may xảy ra tai nạn, ai là người chịu trách nhiệm? Chưa kể nếu là khách nước ngoài nữa còn phức tạp hơn. Nhà nước, chính quyền còn phải giải quyết đủ việc, có khi cả bồi thường hay ảnh hưởng uy tín du lịch Việt Nam thì cũng mệt. Trước hết tôi mong nhà nước đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, sau nữa là ổn định kinh tế người dân”, bà Thanh nêu ý kiến.

“Bây giờ kinh doanh nở rộ nhiều quá, phát triển nhiều khó quản lý. Nói thật cứ bảo tàu đến gọi vào nhưng sợ nhất là gọi không kịp. Ví dụ 50 người đang mải chụp ảnh mà tàu đến, ai là người dắt 50 người đó vào nhà. Có khi mải bán hàng lại nhờ gọi hộ. Gọi hộ làm sao được, phải đẩy họ vào tận nơi ý chứ”, bà Thanh nói.

Chị Nguyễn Thị Huệ, một du khách đến Hà Nội do chưa nắm được thông tin đến phố đường tàu và bị chặn ở ngoài bày tỏ sự tiếc nuối nếu loại hình cà phê đường tàu này bị cấm vĩnh viễn.

Theo chị Huệ, mô hình tương tự cà phê đường tàu cũng có ở Đài Loan (Trung Quốc) hay Ấn Độ cũng có chợ buôn bán ngay sát đường tàu và họ vẫn đang duy trì được, thì nên chăng có biện pháp rào chắn tạo hành lang an toàn để vừa tận dụng được kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người dân.

“Mô hình này thực sự rất độc đáo thu hút du lịch, thứ hai là đem lại nguồn thu cho người dân. Nhiều nơi họ còn phải tạo dựng lên để thu hút khách du lịch. Đây mình đã có sẵn, nhưng có lẽ chưa quản lý tốt thôi. Chứ cấm hẳn thì hơi lãng phí”, chị Huệ nói.

Chị Huệ cho rằng, nếu có biện pháp quản lý tốt thì đây sẽ là điểm thu hút khách du lịch cực lớn, bởi đây vừa mang ý nghĩa lịch sử truyền thống vừa mang nét hiện đại. Chị mong muốn không vì việc “quản không được thì cấm”, có thể Hà Nội sẽ mất đi một nét văn hóa lịch sử tương tự như tàu điện.

“Những đặc trưng của Hà Nội theo tôi nên lưu giữ. Ngay như hệ thống tàu điện xưa, đến bây giờ rất nhiều người dân Hà Nội gốc vô cùng luyến tiếc. Tương lai Hà Nội còn phát triển, sẽ còn tàu cao tốc, tàu trên cao. Đến lúc đó sẽ không còn những nét văn hóa thế này nữa”, chị Huệ cho biết.

Việc đóng cửa xóm cà phê đường tàu đã được đem ra bàn rất nhiều lần trong những năm qua. Gần nhất, tháng 10/2019 phố cà phê đường tàu buộc phải ngừng hoạt động do vi phạm hành lang đường sắt và dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Đến tháng 4/2022, phố cà phê đường tàu bắt đầu hoạt động trở lại. Song hiện vẫn gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi các chuyên gia giao thông cho rằng cần quyết liệt dẹp bỏ hàng quán quanh khu vực đường sắt, trong khi chuyên gia du lịch lại bày tỏ mong muốn loại hình này được quản lý và phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội chính thức "khai tử" cà phê đường tàu
Hà Nội chính thức "khai tử" cà phê đường tàu

VOV.VN - Thực hiện quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm, sáng nay (15/9), lực lượng chức năng dựng rào chắn yêu cầu du khách không vào khu vực đường tàu đoạn Phùng Hưng, Điện Biên Phủ, Trần Phú.

Hà Nội chính thức "khai tử" cà phê đường tàu

Hà Nội chính thức "khai tử" cà phê đường tàu

VOV.VN - Thực hiện quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm, sáng nay (15/9), lực lượng chức năng dựng rào chắn yêu cầu du khách không vào khu vực đường tàu đoạn Phùng Hưng, Điện Biên Phủ, Trần Phú.

''Phố cà phê đường tàu'' bị rào chắn trong đêm, du khách tiu nghỉu rời đi
''Phố cà phê đường tàu'' bị rào chắn trong đêm, du khách tiu nghỉu rời đi

VOV.VN - Cơ quan chức năng dựng rào chắn tại lối ra vào "phố cà phê đường tàu" khiến nhiều du khách nước ngoài tiu nghỉu vì không được vào đây "check-in".

''Phố cà phê đường tàu'' bị rào chắn trong đêm, du khách tiu nghỉu rời đi

''Phố cà phê đường tàu'' bị rào chắn trong đêm, du khách tiu nghỉu rời đi

VOV.VN - Cơ quan chức năng dựng rào chắn tại lối ra vào "phố cà phê đường tàu" khiến nhiều du khách nước ngoài tiu nghỉu vì không được vào đây "check-in".

Dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội là đúng?
Dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội là đúng?

VOV.VN - Chúng ta đang sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện, bất kể lý do gì. Vì thế, không thể vì lý do phát triển sản phẩm du lịch độc đáo mà coi thường pháp luật.

Dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội là đúng?

Dẹp bỏ cà phê đường tàu ở Hà Nội là đúng?

VOV.VN - Chúng ta đang sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện, bất kể lý do gì. Vì thế, không thể vì lý do phát triển sản phẩm du lịch độc đáo mà coi thường pháp luật.